Vẻ đẹp duy mỹ trong lối hành văn nữ tính

05/11/2021 - 13:54

PNO - "Cô đơn rực rỡ" là tập truyện ngắn với văn phong nhẹ nhàng, đầy nữ tính của tác giả La Thị Ánh Hường vừa phát hành.

20 truyện ngắn là những phát hiện tinh tế của tác giả về bao biến chuyển trong đời sống, vui buồn đan xen… Những mảnh đời, những câu chuyện trong sách đôi lúc khiến người đọc giật mình tưởng như mình có dự phần. Những mẩu chuyện gần gũi, bình dị qua văn phong trong sáng, uyển chuyển của La Thị Ánh Hường đến gần với độc giả nhẹ nhàng như hơi thở.

Không lắt léo chữ nghĩa, không rào trước đón sau, văn Hường như dòng chảy tự sự đầy nỗi niềm. Những điều sẽ xảy ra ắt phải xảy ra, cần giữ sẽ giữ, cần buông thì buông, nhẹ nhàng, không o ép. Mọi ý niệm về không gian, thời gian, sự kiện, sự hiện hữu… đều man mác một nỗi buồn thuần khiết, không nhuốm  màu bi lụy.

Nhân vật của Hường ít nhiều đều có nỗi cô đơn thường trực nhưng nỗi cô đơn ấy không hẳn là rào cản để họ chạm đến hạnh phúc. Nếu thứ hạnh phúc xa xỉ nào đó phải cưỡng cầu mới có được thì tại sao không ngẩng cao đầu kiêu hãnh với nỗi cô đơn rực rỡ và đẹp đẽ?

Những người phụ nữ trong trang viết của Hường đều tinh tế, hiện đại và mạnh mẽ theo cách riêng. Họ sẽ buông người đàn ông mình từng tha thiết khi nhận ra sự có mặt của mình chẳng đáng một bông tuyết (Cuộc gọi đêm khuya) hay không bằng chú cún con của anh ta (Bởi quá cô đơn). Họ làm chủ được sự cô đơn, đủ tỉnh táo và lý trí để thoát khỏi mọi ràng buộc vô lý, mọi nhân danh, vỏ bọc hôn nhân hay tình yêu.

Ánh Hường là cây bút luôn tử tế với cảm xúc của mình và người đọc. Truyện của Hường, từ một cuộc gọi giữa đêm, một cuộc hẹn, một nỗi ngóng chờ đơn phương trong day dứt và hoài nghi… đều được tác giả gửi vào đó những tâm tư, trăn trở và nhiều sự lựa chọn. Đâu đó phảng phất bóng dáng tác giả trong các nhân vật nữ: lãng mạn, hiền lành, đầy khí chất và cô đơn đầy kiêu hãnh. Càng về sau, nỗi cô đơn ấy càng được bảo chứng bởi tâm thế an nhiên đón nhận mọi biến động lớn lao trong đời sống. Họ yêu nhiều, rung cảm nhiều, tinh tế trong từng cảm nhận. Dù không tránh khỏi phút giây lầm lỡ, nông cạn, bồng bột nhưng họ đều vịn vào lý trí để không lún sâu.

Cô đơn rực rỡ mang vẻ đẹp duy mỹ từ lối hành văn tinh tế đầy cảm xúc đến những nhân vật trữ tình. Nhân vật của Hường, bằng cách nào đó, đều có vẻ đẹp riêng - vẻ đẹp của sự tận tụy, chu đáo như người vợ đi đưa thức ăn cho chồng và gặp tai nạn, qua đời trong đêm (Ngày cuối); vẻ đẹp bản năng của người mẹ như Nhã, bất kể cha của đứa con mình là ai (Làm mẹ)

Thế giới hiện sinh trong văn chương của Hường là những con người, cỏ cây từ thị thành hay quê kiểng cũng đều chân phương; níu lấy cảm xúc người đọc bằng sự bình dị, giản đơn. Những nhân vật đi cùng nỗi cô đơn rực rỡ ấy cứ lặng lẽ gieo vào lòng người nhiều nỗi niềm.

Văn Hường chạm vào những điều nhạy cảm, sâu sắc và đẹp đẽ nhất của cảm xúc. Hường không xây dựng những “kịch bản” cho nhân vật quá cao trào hay bi kịch hoặc “bẻ lái” gắt gao; nhờ vậy những cảm xúc tươi nguyên, nhẹ nhàng, dễ chịu luôn neo lại trong lòng người đọc từ đầu đến cuối. Đây có lẽ là phương châm sống và viết của Hường, như nhiều lần cô tâm sự với tôi, bạn viết cùng thế hệ.

Đọc văn Hường, bỗng dưng tôi nhớ câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa?”.

Vậy đó, dẫu hiện thực không như là mơ, cuộc đời vẫn đâu cấm mình mơ một giấc mơ thật đẹp.

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI