1. Nghề làm muối Tây Ninh vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng cũng nhận được danh hiệu này. Cùng với Nghệ thuật chế biến các món ăn chay và các lễ hội lớn tại tỉnh nhà, Tây Ninh hiện đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể.
Nghề làm muối - khởi từ một món gia vị dân dã, sáng tạo từ trong nghèo khó của người dân đã trở thành di sản của một vùng đất. Đó là cả một quá trình phát triển của lịch sử, gắn liền với văn hóa mưu sinh lẫn văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Một nơi không có biển, không có diêm dân, nhưng lại có một món gia vị kết hợp những tinh túy của biển, tạo thành đặc trưng riêng mà không nơi nào có được.
|
Nghề thủ công truyền thống làm muối Tây Ninh vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh: Báo Tây Ninh |
Trong ký ức của nhiều người già ở Tây Ninh, câu chuyện “muối tôm Tây Ninh” thường bắt đầu bằng hạt muối từ thời kháng chiến. Đó là những hũ muối ớt, muối tôm được các mẹ, các chị chuẩn bị để gửi cho chồng/con ở chiến khu. Muối ớt (muối chay) cũng là món gia vị phổ biến của người dân theo đạo Cao Đài.
Món gia vị của thời khốn khó, dần trở thành món chấm trong các gia đình, rồi phát triển thành nghề mưu sinh cho người dân, dần dần trở thành nghề truyền thống của cộng đồng. Muối Tây Ninh hiện nay có các loại: muối ớt, muối ớt tôm, muối tiêu, muối sả chay, muối sả tôm, muối ớt tỏi. Hạt muối từ nguyên sơ đã ủ trong lòng muối những giá trị của lịch sử - văn hóa và đời người. Tôn vinh một nghề thủ công truyền thống, thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương, được trao truyền qua nhiều thế hệ cũng là tôn vinh một vẻ đẹp của văn hóa mưu sinh.
2. Chị Bùi Giạ (ngư dân ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) dẫn tôi ra phía sau nhà, nơi cất giữ chiếc xa quay (dụng cụ làm muối, bằng gỗ, dùng để quay tay đưa nước vào ruộng muối - PV). Đó cũng là vật kỷ niệm của gia đình thuở còn làm muối đất. Hiện nay ngư dân ở đảo Thiềng Liềng đã làm muối bạt, hiện đại hơn, sản phẩm muối tinh sạch hơn. Nhưng ngày trước, ngư dân nơi này vẫn còn dùng xa quay để lấy nước vào ruộng muối.
Chị Bùi Giạ kể về các công đoạn làm muối: bắt đầu phải be bờ, khuôn ruộng thành từng ô bằng phẳng, rồi cho nước biển vào, phơi cho đến khi nước biển bốc hơi, kết tinh thành muối. Từ 12g đến 14g là khoảng thời gian thích hợp nhất để đưa nước biển vào ruộng muối nên dưới cái nắng nung người, diêm dân phải làm việc cật lực. Cánh đồng muối cho du khách một khung cảnh đẹp, cho các nhiếp ảnh gia những tác phẩm lộng lẫy. Nhưng “không có nghề nào cực như nghề muối” là câu nhiều diêm dân luôn nói về công việc của mình.
Hạt muối mặn mòi hương vị biển, mặn những giọt mồ hôi của cuộc mưu sinh. Nghề làm muối của ngư dân Thiềng Liềng ngày nay cũng đã ghi dấu ấn sâu đậm cho văn hóa mưu sinh của ấp đảo nằm giữa sông Lòng Tàu. Người dân nơi đây cũng đã khai thác sản phẩm chế biến từ muối để kinh doanh, góp phần vào danh mục các sản phẩm phục vụ du lịch của địa phương.
3. Nghề thủ công gần như có mặt ở mọi nơi có dấu chân mở cõi, sinh sống của cộng đồng. Có những nghề tồn tại, phát triển, trở thành di sản hay đặc sản địa phương, xuất hiện trên bản đồ du lịch ẩm thực - văn hóa. Nhưng cũng có những nghề đã dần bị mai một, lãng quên. Trong tập sách Việt Nam dọc miền du ký, họa sĩ Lê Rin từng rong ruổi qua bao làng nghề và gìn giữ lại trong các bức họa về những nghề thủ công truyền thống đã và có thể mất đi: nghề nấu rượu truyền thống, đan võng gai…
Nhiếp ảnh gia Đinh Chí Trung khi thực hiện dự án 100 câu chuyện trẻ em Việt Nam - Chuyện kể của con cũng từng lưu giữ lại những bộ ảnh cùng câu chuyện đẹp về nghề nấu đường thốt nốt Tri Tôn (An Giang), nghề làm nón làng Chuông (Hà Nội) với những phiên chợ nón lá đã kéo dài suốt 3 thế kỷ…
Sản phẩm của nghề thủ công truyền thống mang hồn cốt văn hóa của một cộng đồng, là dấu ấn của vùng đất. Chiếc võng ngô đồng ở cù lao Chàm (Quảng Nam) ngày nay kể với du khách trong và ngoài nước về một nghề đã không còn nữa: nghề đan võng ngô đồng ở cù lao. Cây ngô đồng trên núi, được những thanh niên khỏe mạnh trong làng đốn xuống, ngâm nước, phơi nắng, tước sợi… Rồi qua những bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, qua từng năm tháng đã tạo nên những chiếc võng ngô đồng đặc trưng của xứ cù lao. Cái nghề mưu sinh truyền nối thuở xưa nay đã đứt gãy. Võng ngô đồng trở thành biểu tượng, được trưng bày và khai thác phục vụ du lịch cũng là một cách khai thác hiệu quả giá trị kinh tế - văn hóa của nghề thủ công truyền thống.
Hiện cả nước có 15 nghề thủ công truyền thống được tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể, với tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Được ghi nhận, tôn vinh giá trị khi nghề còn đang phát triển, có tiềm năng kinh tế - du lịch là điều nên làm. Nhưng ngay cả khi nghề có nguy cơ mai một, mất đi thế hệ kế thừa vẫn rất cần được lưu tâm, gìn giữ và bảo tồn, khai thác tiềm năng du lịch. Đó không chỉ là gìn giữ một nghề thủ công truyền thống mà còn là gìn giữ cho mai sau một di sản ký ức.
Lục Diệp