|
Nhiếp ảnh gia Lê Bích trong một chuyến đi |
Điều may mắn là khi ta vẫn còn mẹ ở bên
Phóng viên: Triển lãm Mẹ yêu con của anh đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với 30 bức ảnh mang nhiều màu sắc, bối cảnh khác nhau. Hẳn anh đã mất rất nhiều thời gian để ghi lại “bản giao hưởng” về tình mẫu tử này?
Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh vào năm 2005, tôi thường một mình lặn lội về khắp các vùng miền, làng quê để ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống. Trong một lần tới phiên chợ Bắc Hà (Lào Cai), ống kính của tôi vô tình bắt được khoảnh khắc em bé người H’mông ngủ say trên lưng người mẹ đang bán hàng. Hình ảnh bình yên, ấm áp như xua tan đi cái lạnh của thời tiết, cái khắc nghiệt của cuộc sống nơi rẻo cao. Trái tim tôi đã rung động mạnh mẽ. Tôi tự nhủ rằng mình phải bắt đầu hành trình khám phá những cung bậc cảm xúc về tình mẫu tử. Đây cũng là đề tài rất nhiều người theo đuổi, đã có nhiều tác phẩm “để đời”, vậy mình phải làm thế nào cho khác biệt, cho có dấu ấn riêng?
Tôi không tự hào mình là một nhiếp ảnh gia xuất sắc nhưng tôi tự tin ở sự cần cù, chăm chỉ và những cảm xúc của bản thân. Bởi vậy, suốt 20 năm trong hành trình “lên rừng, xuống biển”, tôi đã gặp gỡ, trò chuyện và ghi lại những giây phút chân thực, bình dị nhất của mẹ và con. Để tới nay, khi có đủ “vốn liếng”, tôi muốn kể lại những câu chuyện ấy bằng hình ảnh với hy vọng chạm được vào trái tim các bạn để chúng ta thêm yêu mẹ, vì ai cũng được sinh ra từ mẹ.
|
Tác phẩm Bên mẹ trọn đời |
* Nhiều người nhận xét, những bức ảnh của anh rất mộc mạc, không quá cầu kỳ, lộng lẫy như nhiều bức ảnh nghệ thuật khác nhưng gần gũi, đầy sự chân thành và yêu thương...
- Thực ra đó cũng chính là chủ ý của tôi, tôi luôn cố gắng để bắt được những khoảnh khắc tự nhiên và đời thường nhất. Ở đây có cả yếu tố may mắn, vì đó là khoảnh khắc đôi khi ta chỉ vô tình chạm được. Nhưng mặt khác, người chụp ảnh cũng phải chắt lọc rất nhiều, phải có tư duy về bố cục, màu sắc, tìm được sợi dây liên kết giữa mẹ và con. Cái khó nhất là không được sắp đặt. Có những người hoàn toàn không biết mình đang được chụp ảnh. Có những người mình phải trò chuyện rất lâu, đủ thân tình để họ thoải mái, cởi mở cho ghi lại nhịp sống đời thường...
* Trong gần 20 năm ghi lại những câu chuyện về tình mẫu tử, những hình ảnh nào để lại cho anh ấn tượng sâu đậm nhất?
- Đó là tấm ảnh tôi đặt tên Bên mẹ trọn đời, ghi lại ở làng Chuông (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) khi tôi về làng nghề làm nón làm phóng sự. Sau khi chụp cảnh phơi lá trên đê, tôi đi vào một con ngõ và gặp một bà cụ lưng còng 98 tuổi đang đi thu lá. Theo chân bà về tới nhà, tôi mới biết bà còn có một người con gái mù đã 78 tuổi. Cuộc sống của họ bao năm qua vẫn nương tựa vào nhau, người con gái ngày ngày ngồi bên bậu cửa khâu nón, những công đoạn phức tạp hơn đều do mẹ mình giúp đỡ.
Ban đầu, tôi tập trung vào hình ảnh xúc động của người con gái nhưng có gì đó bi thương quá. Hình ảnh 2 mẹ con cứ ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Tôi quyết định quay trở lại làng nghề và lần này, tôi muốn thể hiện sợi dây liên kết của họ với nhau. Bức ảnh xoáy vào 2 mái đầu đã bạc màu thời gian, để gửi gắm thông điệp cuộc sống này dù khó khăn đến đâu, điều may mắn là khi ta vẫn còn mẹ ở bên.
|
Tác phẩm Người mẹ hạnh phúc |
Đôi khi phải nhìn thật sâu, thật kỹ mới thấy được vẻ đẹp
* Trước triển lãm này, anh cũng từng gây ấn tượng với bộ ảnh phụ nữ trong lao động sản xuất. Dường như hình ảnh người phụ nữ luôn có một vị trí đặc biệt trong các tác phẩm của anh?
- Thời kỳ đầu bước vào nghề, tôi xông pha khắp các mặt trận. Quá trình thực hiện không hẳn tập trung vào hình ảnh người phụ nữ nhưng những đề tài này lại xuất hiện rất tự nhiên và vô tình “hút” tôi. Năm 2018, tôi cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở triển lãm ảnh Sắc màu cuộc sống, ghi lại những tấm gương của phụ nữ trong lao động sản xuất, chủ yếu tại các làng nghề thủ công truyền thống ở mọi vùng miền Tổ quốc. Ở đó toát lên vẻ đẹp chịu thương chịu khó, tần tảo của người phụ nữ Việt Nam dù họ làm công việc gì, từ các làng nghề hay trên cánh đồng, những bãi rác...
Thực ra, khi trải nghiệm còn ít ỏi, tôi chưa có một cái nhìn đầy đủ, tròn vẹn. Năm 2006, tôi cùng thầy hướng dẫn mình là nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh về làng nghề làm hương (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Hầu hết nhân lực ở đây là phụ nữ. Ống kính của thầy dừng lại ở một phụ nữ ngoài 30 tuổi đang tẩm bột cho hương. Chị che kín hết gương mặt, chỉ để lộ đôi mắt. Bức ảnh này đã đoạt giải thưởng quốc tế, khiến nhiều người trầm trồ. Đó là một dấu ấn nhắc nhở tôi rằng vẻ đẹp đôi khi phải nhìn thật sâu, thật kỹ. Nó không chỉ ở vẻ ngoài mà nằm ở sự tảo tần của người phụ nữ. Câu chuyện chị chia sẻ sau đó, thêm một lần nữa khiến tôi cảm và thấu hơn. Chị kể, gia đình chỉ có một chiếc xe máy, chị nhường cho người chồng làm phụ hồ còn mình ngày ngày đạp xe tới nơi sản xuất, đảm nhận công việc cực nhọc nhất trong các khâu làm hương.
|
Tác phẩm Trên đồi cát |
* Trong ngày ra mắt triển lãm Mẹ yêu con, tôi thấy mẹ anh cũng tham dự, ánh mắt bà chứa đầy sự tự hào. Gia đình có ảnh hưởng như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của anh?
- Tôi sinh ra vào thời kỳ kinh tế còn khó khăn, cả gia đình đều làm công việc liên quan tới nghệ thuật. Trước đó, ba tôi là họa sĩ và đến một xí nghiệp gỗ để dạy mỹ nghệ cho công nhân. Từ đó, 2 người nên duyên. Cha mẹ tôi thường mang việc về nhà làm để có thêm thu nhập. Tôi lớn lên cùng những chiếc guốc mộc được vẽ hoa văn, những tấm thiệp thủ công, hoa giấy...
Tình yêu nghệ thuật của tôi được nuôi dưỡng như vậy. Mẹ tôi cũng là người lãng mạn, thích văn chương, dễ rung động... Điều đó ảnh hưởng một phần tính cách của tôi. Đặc biệt, bà chưa từng phản đối bất cứ điều gì tôi muốn thực hiện. Một phần, có lẽ vì tôi là con một; một phần vì bà muốn tôi được tự do trong thế giới của nghệ thuật vì bà hiểu đó là môi trường cần thiết để sáng tạo được thăng hoa.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích sinh năm 1972, tên đầy đủ là Lê Ngọc Bích, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh đã giành được nhiều giải thưởng: giải Nhì cuộc thi ảnh Tôi gìn giữ vẻ đẹp với bộ ảnh Nghệ nhân thêu Vũ Văn Giỏi, giải Nhất cuộc thi ảnh Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh, giải Nhất cuộc thi ảnh Di sản và văn hóa toàn quốc... Ngoài ra, anh còn tham gia tổ chức khá nhiều triển lãm ảnh với đa dạng chủ đề. Bức hình chụp bé Thiện Nhân lần đầu tập xe đạp cùng mẹ Mai Anh của nhiếp ảnh gia Lê Bích cũng được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bình chọn là “1 trong 100 khoảnh khắc bất tử của phụ nữ Việt”. |
Ba tôi đã mất cách nay nhiều năm. Quãng thời gian này, mẹ vẫn đồng hành cùng cậu con trai lớn tuổi. Tôi đã có 7 triển lãm và không lần nào mẹ vắng mặt. Gần đây, mẹ tôi vừa trải qua bạo bệnh và phải ngồi xe lăn. Đó là động lực thôi thúc tôi thực hiện triển lãm Mẹ yêu con, như một món quà để mẹ thêm vui và tự hào.
* Anh luôn đầy ắp ý tưởng và các dự định nghệ thuật. Sắp tới sẽ là...
- Tôi dự định sẽ có thêm triển lãm Tình cha. Những người đàn ông thường giỏi trong việc che giấu cảm xúc nhưng không vì thế, chúng ta không cảm nhận được tình cảm của họ. Hy vọng rằng nối dài bộ ảnh Mẹ yêu con, Tình cha sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc của tình cảm gia đình.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Huyền Lê (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp