Nói “không” với sản phẩm lông thú
Đại dịch COVID-19 đã bóc trần sự thật tàn bạo về ngành công nghiệp sản xuất lông thú, vốn nuôi các loài động vật hoang dã trong điều kiện bẩn thỉu, góp phần lây lan bệnh tật. Chồn ở các trang trại lông thú trên khắp châu Âu và Mỹ nhiễm SARS-CoV-2 và bị tiêu hủy hàng loạt nhằm ngăn chặn vi-rút lây lan. Tờ Vogue Anh viết “Hàng triệu con chồn bị giết ở Đan Mạch chính là lý do cuối cùng để thời trang từ giã lông thú”.
Tháng 12/2021, tạp chí ELLE chính thức cấm hình ảnh lông thú trên 45 ấn bản và 46 trang web của hãng trên toàn thế giới, bao gồm cả các cơ sở kinh doanh ở Trung Quốc - quốc gia sản xuất lông thú lớn nhất thế giới. Dù 13 trong số các ấn phẩm của ELLE từ lâu đã không quảng bá sản phẩm lông thú, động thái chính thức nghĩa là gã khổng lồ truyền thông sẽ loại bỏ mọi sản phẩm từ lông động vật trên tất cả các tính năng biên tập, hình ảnh báo chí, sàn diễn và quảng cáo trên đường phố. Constance Benqué, Giám đốc điều hành Lagardère News và Giám đốc điều hành ELLE International, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng với cam kết này, ELLE sẽ mở ra con đường để các phương tiện truyền thông khác không cho phép quảng cáo lông thú trên toàn cầu và thúc đẩy một tương lai không có lông thú”.
|
Những chiếc áo lông thú từng được coi là thời thượng nay bị người tiêu dùng quay lưng |
Tương tự, trong một quyết định làm chấn động ngành thời trang vào tháng 9/2021, Kering, công ty mẹ của các nhà bán lẻ hàng xa xỉ Gucci, Balenciaga, Saint Laurent và Bottega Veneta, thông báo rằng các hãng thời trang của họ sẽ không sử dụng lông động vật kể từ mùa thu năm 2022. Yves Saint Laurent và Brioni là hai thương hiệu cuối cùng của Kering tham gia phong trào cấm sử dụng lông thú. Công ty thời trang Mytheresa (Đức) tuyên bố cấm lông thú trong khi chuỗi cửa hàng bách hóa Selfridges (Anh) cũng cam kết tránh sản phẩm lông thú, cùng với Calvin Klein và Ralph Lauren.
Khi có thêm nhiều nhà bán lẻ toàn cầu tham gia danh sách, liệu chúng ta có thể mong đợi một lệnh cấm hoàn toàn đối với lông thú trong lĩnh vực thời trang? Gergana Damyanova - đồng sáng lập và giám đốc điều hành thương hiệu thời trang bền vững Blonde gone Rogue có trụ sở tại London (Anh) - nói thật khó để tưởng tượng về một lệnh cấm hoàn toàn đối với lông thú trong lĩnh vực thời trang. Dù vậy, với sự tập trung ngày càng nhiều vào đạo đức và những thách thức về môi trường mà thế giới hiện đối mặt, Damyanova tin luật cấm sản phẩm lông thú có thể được thông qua ở một số quốc gia. Trước áp lực ngừng sử dụng lông thú ngày càng gia tăng trong bối cảnh nhận thức của khách hàng và nhu cầu thực hành đạo đức không ngừng cải thiện, nhà viết quảng cáo thời trang Katie Ramsingh giải thích, khách hàng thế hệ Z đang gây áp lực lên các nhà bán lẻ, buộc họ phải trung thực và minh bạch về chuỗi cung ứng lẫn đạo đức trong sản xuất. Cô Ramsingh giải thích thêm: “Sử dụng lông thú chắc chắn không phù hợp với lý tưởng của thế hệ trẻ. Lông thú được coi là độc ác thay vì sành điệu”.
Thay thế da động vật
Khi nói đến tính bền vững trong ngành thời trang, câu hỏi về chất liệu da thường gây tranh cãi. Trong nhiều năm, ngành công nghiệp thời trang đã sản xuất hàng hóa từ lông thú, lông vũ và da động vật. Hiện nay, nhu cầu về thời trang có đạo đức đang tăng lên, đặc biệt là khi chất thải dệt may tích tụ trong các bãi chôn lấp và các quy trình sản xuất có hại được minh bạch hóa. Thị trường hàng da, trị giá 128 tỷ USD, là một trong những thị trường vi phạm đạo đức lớn nhất. Nguyên liệu làm từ động vật phụ thuộc vào chăn nuôi - nguồn ô nhiễm chiếm 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hằng năm đồng thời quá trình thuộc da tiêu thụ quá nhiều nước và thải ra các chất thải độc hại gây nhiều vấn đề về hô hấp, làm suy kiệt đất đai.
|
Sản phẩm da nhân tạo từ thực vật đang ngày càng được ưa chuộng |
Trong những năm gần đây, da nhân tạo đã nổi lên như giải pháp thay thế “thân thiện với môi trường”. Một báo cáo bền vững năm 2018 từ Tập đoàn Kering ghi nhận tác động của sản xuất da nhân tạo có thể thấp hơn 1/3 so với da động vật. Tuy vậy, không phải tất cả các loại da nhân tạo đều được tạo ra như nhau. Dù không làm từ da động vật, nhiều loại da nhân tạo vẫn gây ra các vấn đề về môi trường. Nhiều loại da nhân tạo làm từ nhựa PU, polyurethane và PVC polyvinyl clorua giúp mang lại hiệu ứng của da tự nhiên nhưng việc sử dụng các vật liệu này đều không bền vững cũng như không thể phân hủy sinh học.
Nhiều thương hiệu thời trang nhanh chọn da nhân tạo vì chi phí hợp lý và dễ kiếm hơn. Tuy nhiên, sản phẩm có chất lượng thấp hơn và không bền vững vì vòng đời ngắn, sản phẩm tích tụ tại các bãi chôn lấp trong nhiều thế kỷ.
|
Thử nghiệm sản phẩm làm đẹp trên động vật là vấn nạn toàn cầu cần được thay đổi |
Hiện các thương hiệu thời trang lớn đang chuyển sang sản xuất sản phẩm từ những loại da có nguồn gốc thực vật không gây độc hại, ít tác động và không ảnh hưởng đến độ bền. Những loại da này được lấy từ các nguồn tự nhiên như cây dứa (Piñatex), nấm (Mylo), hỗn hợp kombucha, thậm chí cả chất thải nông nghiệp. Tất cả đều có thể phân hủy sinh học và dễ dàng tái chế. Nhà thiết kế Stella McCartney đã ra mắt bộ sưu tập quần áo may sẵn sử dụng da Mylo thực vật vào mùa xuân 2021. Trong khi đó, công ty thời trang Allbirds tiên phong trong việc sử dụng loại da làm từ thực vật đầu tiên có tác động carbon thấp hơn 40 lần so với da động vật và tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn 17 lần so với da tổng hợp. Hermès, adidas, Lululemon cũng đã bắt đầu thử nghiệm da làm từ thực vật.
Động vật không phải là vật thí nghiệm
Theo tổ chức Cruelty Free International, thử nghiệm trên động vật là “bất kỳ thử nghiệm hoặc thí nghiệm khoa học nào trong đó động vật sống bị buộc phải trải qua điều gì đó có khả năng khiến chúng đau đớn, khổ sở hoặc tổn hại lâu dài”. Một số hình thức thử nghiệm phổ biến nhất bao gồm buộc động vật tiếp xúc với hóa chất trong thử nghiệm độc tính, tác động vào di truyền, lây truyền bệnh và thử nghiệm hành vi. Ngành công nghiệp mỹ phẩm thường xuyên sử dụng những phương pháp này. Ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 đến 200.000 động vật phải chịu đựng và chết vì sản phẩm làm đẹp trên khắp thế giới, chủ yếu là thỏ, chuột lang, chuột đồng, chuột cống, chuột nhắt. Từ năm 2013, Liên minh châu Âu đã cấm bán và tiếp thị bất kỳ mỹ phẩm hoặc thành phần mỹ phẩm nào được thử nghiệm trên động vật. Ấn Độ và Israel gần đây đã thông qua luật tương tự. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc vẫn cho phép thí nghiệm trên động vật đối với các sản phẩm mỹ phẩm.
California là tiểu bang đầu tiên ở Mỹ cấm bán các sản phẩm làm đẹp được thử nghiệm trên động vật thông qua một đạo luật có hiệu lực từ tháng 1/2020. Tương tự, luật mới ở bang Virginia cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật vừa có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Dù người tiêu dùng không thấy nhiều thay đổi, các nhà sản xuất sẽ phải sử dụng những phương pháp thử nghiệm thay thế, nếu có, để xác nhận độ an toàn của sản phẩm. Năm 2021, chính phủ Trung Quốc bắt đầu loại bỏ yêu cầu kiểm tra trên động vật, vốn bắt buộc đối với phần lớn mỹ phẩm được bán ở nước này. Dù vậy, lệnh cấm hoàn toàn thử nghiệm trên động vật vẫn còn cách khá xa.
Ngọc Hạ