Vẻ đẹp bị lãng quên đang hồi sinh

18/08/2021 - 09:45

PNO - Dù có nhiều ưu điểm, suốt một thời gian dài, chất liệu vải gai gần như bị lãng quên trong lĩnh vực thời trang. Nay, nhiều nhà thiết kế đang thực hiện các phép thử để đưa chất liệu này trở nên phổ biến hơn với thời trang, người tiêu dùng Việt.

Chất liệu nhiều ưu điểm

Gai không xa lạ với người Việt. Từ lâu, lá gai đã được dùng để làm bánh còn sợi gai để vá quần áo trong thời kỳ còn nhiều khó khăn, làm lưới đánh cá vì độ bền rất tốt. Nhưng rồi sự phát triển như vũ bão của thời trang, công nghệ hiện đại đã khiến chúng bị lãng quên để rồi người ta thường nhắc nhớ về gai như một hồi ức.

Trong chương trình Áo dài của chúng ta diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cách đây chưa lâu, công chúng, giới mộ điệu thời trang đã bất ngờ khi gai trở lại trong hình hài mới. Chúng không còn là vật liệu thay thế mà đã đứng ngang hàng với lụa, voan, tơ… để tạo nên những chiếc áo dài bắt mắt, hấp dẫn.

Mật độ sợi của vải gai thưa hơn lụa nên việc thêu trên gai khá dễ dàng
Mật độ sợi của vải gai thưa hơn lụa nên việc thêu trên gai khá dễ dàng

Giữa một rừng những tà áo mỏng manh, thướt tha, gai lại chiếm trọn sự chú ý nhờ vẻ đẹp mộc mạc vốn có. Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đùa bảo: “Nếu như lụa là cô gái đẹp kiêu kỳ, đỏng đảnh thì gai là cô gái đẹp dễ chịu, dễ thích nghi hơn”.

Từ bộ sưu tập rực rỡ sắc màu của hoa hậu Ngọc Hân với ý tưởng đậm văn hóa Ấn Độ; vẻ đẹp mộng mơ của nước Pháp từ NTK Cao Minh Tiến cho đến một Việt Nam cổ kính, trầm mặc của NTK Huệ Thi đều được thể hiện trọn vẹn trên nền vải gai. Đây đều là lần đầu các NTK được thử nghiệm các mẫu áo dài trên chất liệu khá đặc biệt này.

Vải gai có nhiều ưu điểm: thoáng, nhẹ, thấm hút tốt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và đặc biệt có khả năng kháng khuẩn, không ám mùi. So với linen, vải gai lại càng có ưu điểm về độ mỏng. Vì thế, chúng cũng giúp các NTK thoải mái sáng tạo hơn.

Vải gai có nhiều ưu điểm: thoáng, nhẹ, thấm hút tốt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và đặc biệt có khả năng kháng khuẩn, không ám mùi
Vải gai có nhiều ưu điểm: thoáng, nhẹ, thấm hút tốt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và đặc biệt có khả năng kháng khuẩn, không ám mùi

Ngoài áo dài, dịp này, NTK Cao Minh Tiến cũng cho ra mắt một bộ sưu tập thời trang ứng dụng dành cho mùa hè. Với tính chất bụi phủi đặc trưng, vải gai khá phù hợp với những trang phục đời thường có kiểu dáng rộng, năng động, khỏe khoắn. Ngoài ra, áo sơ mi công sở trên chất liệu gai cũng là mặt hàng đang được một số đơn vị nghiên cứu đưa ra thị trường. 

NTK Huệ Thi cho biết, mật độ sợi của vải gai thưa hơn lụa nên việc thêu trên gai khá dễ. Với chất liệu gai, nếu quá trình may bị lỗi kỹ thuật, khi tháo chỉ ra để may lại cũng không để lại dấu vết như nhiều loại chất liệu khác. Tuy nhiên, vì là chất liệu hoàn toàn tự nhiên, vải gai cũng có nhược điểm là dễ nhăn. Vì thế, rất khó để thực hiện những trang phục ôm sát cơ thể từ gai.

Nếu việc in họa tiết trên lụa hoặc vải công nghiệp khá dễ dàng thì vải gai cần được in thử nhiều lần để khảo sát độ bám dính cũng như sắc độ màu thực tế. NTK Ngọc Hân cho biết qua quá trình thử nghiệm, chị thấy những màu nhạt khi nhuộm với vải gai sẽ cho ra màu thực tế ổn nhất. Chị bày tỏ mong muốn trong tương lai, chất liệu này sẽ được cải tiến ở khâu sản xuất để vải đầu ra sẽ mềm mại hơn so với hiện tại.

Gai không còn là vật liệu thay thế mà đã đứng ngang hàng với lụa, voan, tơ… để tạo nên những chiếc áo dài bắt mắt, hấp dẫn
Gai không còn là vật liệu thay thế mà đã đứng ngang hàng với lụa, voan, tơ… để tạo nên những chiếc áo dài bắt mắt, hấp dẫn

Thân thiện môi trường, giá thành phù hợp với người Việt 

Trước nay, việc sản xuất vải gai thường diễn ra trên quy mô nhỏ lẻ nhưng từ tháng 10/2020, Nhà máy An Phước (Thanh Hóa) đã bắt tay vào sản xuất chất liệu này. An Phước sẽ ươm giống, sau đó giao cho người dân địa phương trồng. Đến khi thu hoạch, người dân sẽ bán lại cho đơn vị trên.

Sau khi thu hoạch (tùy tình hình thời tiết của địa phương, khoảng 50 - 60 ngày hoặc 70 - 80 ngày từ khi trồng), gai sẽ được xử lý, tách sợi, sau đó mang dệt, nhuộm. Sợi gai sẽ được làm mềm hơn, đảm bảo phù hợp với nhu cầu may mặc chứ không thô cứng như trước đây - chủ yếu dùng cho trang trí nội thất.

Vì là sợi tự nhiên nên khả năng phân hủy của vải gai khá tốt. Điều này cũng phù hợp với tiêu chí mà ngành thời trang đang hướng đến: thân thiện với môi trường.

Thực tế, vải gai đã tương đối phổ biến trong ngành may mặc trên thế giới. Vì có nhiều ưu điểm, chúng được ứng dụng làm trang phục cho quân đội ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Các thương hiệu thời trang cao cấp, chẳng hạn Armani đã sử dụng chất liệu này cho thời trang cao cấp. Giá thành 1 mét vải gai hiện dao động từ hơn 100.000 đồng đến khoảng 500.000 đồng. Đây là mức giá không quá cao so với thu nhập của người Việt.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, chất liệu này còn tương đối mới mẻ. Vì thế, cả nhà sản xuất lẫn các thương hiệu, NTK vẫn đang trong quá trình thăm dò, tìm hiểu thị trường. NTK Huệ Thi cho biết, vài tháng qua chị chủ yếu diện trang phục bằng vải gai để dần tạo thói quen nhận biết cho khách hàng. Đó cũng là cách đơn giản để vải gai bước vào đời sống tự nhiên nhất. 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI