Vẽ để tiếp lửa - Vẽ để cảm ơn

15/08/2020 - 18:14

PNO - Những ngày này, các họa sĩ trẻ từ không chuyên đến chuyên nghiệp đang miệt mài sáng tác tranh cổ động phòng, chống dịch COVID-19.

Từ đầu dây bên kia, Ngọc Anh - sinh viên năm ba Trường đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) - nói những ngày này, khi thấy hình ảnh đội ngũ y bác sĩ đang chạy đua để chống lại dịch COVID-19, “nếu không làm gì, lòng em sẽ thấy khó chịu lắm”. Sự “khó chịu” mà Ngọc Anh nhắc tới là bởi lần này, dịch bùng lên ở Đà Nẵng, nơi chị theo học ba năm qua, và còn nhiều tỉnh khác cũng đang dồn hết sức trong trận chiến này.

Chẳng ai bảo phải làm, chẳng ai quy trách nhiệm nhưng những họa sĩ trẻ từ không chuyên đến chuyên nghiệp vẫn miệt mài sáng tác tranh cổ động phòng, chống dịch COVID-19. Từ các bức vẽ đăng trên trang cá nhân, nhiều tác phẩm nhận được lượt chia sẻ lớn từ cộng đồng mạng.

Thương màu áo blouse nơi tuyến đầu chống dịch

Từ Quảng Nam, Ngọc Anh nói mình vừa hoàn thành một số bức vẽ mới, góp vào chùm tranh Những anh hùng thầm lặng. Chùm tranh này từng được Ngọc Anh giới thiệu vào tháng 3/2020 và những tưởng, sẽ chẳng có thêm bức vẽ nào nữa vì dịch bệnh đã tạm lắng. Cho đến những ngày cuối tháng Bảy, dịch COVID-19 bùng lên trở lại tại thành phố Đà Nẵng và lần này, diễn tiến của dịch khó kiểm soát hơn.

Từ Đà Nẵng, Ngọc Anh về lại quê nhà Quảng Nam và ngồi vào bàn vẽ. Những thông tin về đợt dịch lần hai, những hình ảnh các y bác sĩ quên mình trong trận chiến này đã dội ngược vào Ngọc Anh dòng xúc cảm khó tả. “Chắc bởi lần trước, dịch bùng lên ở những tỉnh, thành khác, còn giờ đây, là Đà Nẵng mà tôi đã sống và học tập ba năm qua. Ở quê tôi hiện tại cũng đã có các ca mắc COVID-19. Tôi dặn lòng phải bình tĩnh vì ở tuyến đầu, các y bác sĩ vẫn ngày đêm miệt mài chống dịch”, Ngọc Anh chia sẻ.

Cô nữ sinh kinh tế mất ba ngày để hoàn thành các bức vẽ mới, mỗi bức khoảng 2 - 3 tiếng. Ngọc Anh vẽ không vì muốn nhận lại lời khen từ cộng đồng mạng mà chỉ nhằm mục đích duy nhất: gửi lời cảm tạ đến lực lượng y bác sĩ, dân quân, tình nguyện viên đã dũng cảm đương đầu với dịch. “Tôi đang ở quê, không thể tham gia vào lực lượng tình nguyện tại Đà Nẵng. Lòng ngổn ngang cảm xúc, chỉ biết vẽ để nói ra lời cảm ơn từ tận đáy lòng. Nếu không có những người sẵn sàng đi về vùng dịch, sẵn sàng tạm rời xa gia đình thì có lẽ, những giây phút bình yên để tôi ngồi vẽ tranh về họ chắc không thể có”, Ngọc Anh tâm sự.

Không chỉ riêng Ngọc Anh, nhiều bạn trẻ khác cũng chọn hội họa làm phương tiện để chuyển tải những thông điệp ý nghĩa. Các bức vẽ có thể còn khiếm khuyết về màu sắc, còn nguệch ngoạc nét vẽ từ những tay không chuyên nhưng ở đó, người xem thấy được cái tình, tinh thần vì cộng đồng của những người trẻ.

Thăng Fly (tên thật Bùi Đình Thăng, đang sống tại Hà Nội) là một trong những họa sĩ nhận được tình cảm lớn từ cộng đồng mạng vì khả năng thể hiện các vấn đề xã hội qua tranh vẽ. Trong đợt dịch COVID-19, Thăng Fly cũng thường xuyên đăng tải các bức vẽ cổ động tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa mọi người để cùng đẩy lùi, vượt qua dịch bệnh. 

Thăng Fly muốn gửi lời cầu chúc bình an đến những lực lượng đêm ngày túc trực tại các bệnh viện, khu cách ly để chăm lo cho bệnh nhân. Nhưng không dừng lại ở đó, Thăng Fly còn muốn từ các bức vẽ: “Những bạn trẻ hãy nhìn nhận lại hành vi sử dụng mạng xã hội của mình, không đăng tải những nội dung sai lệch, những điều có ý gây tổn thương đến lực lượng chống dịch ở tuyến đầu”.

Thăng Fly từng có hai năm sống ở Đà Nẵng nên khi nơi đây trở thành tâm dịch, anh không thể không nghĩ về thành phố biển và những người bạn của mình đang sống ở đó. “Nghĩ mà thương. Mong Đà Nẵng sớm bình an”, anh viết dưới bức ảnh vẽ về cầu Rồng - một trong những biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Thường ngày, Thăng Fly mang đến tiếng cười cho bất cứ ai nhìn vào tranh của anh bởi từ câu chuyện, hình ảnh anh vẽ đều chứa sự hài hước và giờ đây, với sự kiện thời sự COVID-19, Thăng Fly đã mượn ngôn ngữ dí dỏm của truyện tranh giúp lan tỏa gần như mọi câu chuyện trong cuộc sống.

Vẽ cổ vũ người, động viên ta

Cộng đồng những bạn trẻ đam mê hội họa tại Việt Nam không ít, do đó, tranh cổ động về đề tài phòng, chống COVID-19 thời gian qua không thiếu. Các tác phẩm đa phần đều có những điều đặc biệt từ ý tưởng, thông điệp muốn chia sẻ, phong cách hội họa thể hiện. Nếu phân tích về mặt chuyên môn, có lẽ, bức tranh nào cũng có vấn đề để bàn, nhưng trong thời điểm “liều thuốc tinh thần” mang ý nghĩa đặc biệt như hiện nay, các bức vẽ giúp nói thay lời của hàng triệu trái tim người Việt đều đáng được trân trọng.

Các tranh vẽ của Phạm Hồng Minh, của Người Đá (Phạm Minh Hoàng), của “họa sĩ nhí” Chung Anh, Thanh Thủy, nhóm Suzu Studio... đều lan tỏa tinh thần tích cực, nhen nhóm những nụ cười, sự lạc quan cho người xem. Bộ tranh Đoàn kết cùng nhau vượt qua đại dịch của Phạm Hồng Minh là một trong những tác phẩm nhận được nhiều cảm tình từ người xem.

Hồng Minh chọn cách thể hiện tối giản chỉ với nét mực trên giấy trắng, không tô thêm màu sắc. Mọi sự giản đơn trong cách thể hiện chỉ vì muốn người xem tập trung vào hình ảnh đội ngũ y bác sĩ đang tạm gác mọi niềm riêng để giữ sự sống cho người dân. Sự hy sinh ấy là nhiệm vụ của nghề nghiệp, không thể khác, nhưng đằng sau đó là những nỗi niềm riêng, bởi ai chẳng có gia đình, có một nơi để trở về sau ngày làm việc dài đằng đẵng. Giờ đây, với họ, bệnh viện là nhà, là tất cả.

Trên tranh, các tác giả trẻ đều muốn lan tỏa sự lạc quan, động viên nhau một ngày nào đó, sớm thôi, đại dịch sẽ qua đi và cuộc sống sẽ bình thường trở lại. Cũng như bao người, các tác giả đều có những nỗi lo lắng riêng nhưng dặn lòng đừng thể hiện ra trên nét vẽ. Trong cuộc nói chuyện với Ngọc Anh và Thăng Fly, cả hai đều nói rằng họ có đôi chút hoang mang, lo lắng cho cuộc sống hiện tại. “Nhưng không phải lo lắng để rồi chúng ta khiến người khác sợ hãi, hoang mang theo. Dịch bệnh là lúc để con người nhìn nhận lại thói quen tiêu dùng, thái độ sống và họ cần sống trách nhiệm hơn với gia đình và cộng đồng”, họa sĩ Thăng Fly nói.

Có thể, đối với nhiều người trẻ, câu chuyện về dịch COVID-19 hẳn còn khá xa xôi. Nhưng rõ ràng những bức vẽ của các họa sĩ trẻ đang cùng với âm nhạc, các dự án nghệ thuật khác cổ động tinh thần không chỉ cho đội ngũ chống dịch ở tuyến đầu mà còn trấn an, động viên những người ở phía sau điều chỉnh hành động, thái độ sống. Những bức tranh “phát” đi tín hiệu yêu thương từ trái tim đã đến được với nhiều trái tim, khi cả đất nước đang cùng nhau tìm cách vượt qua đại dịch.

Diễm Mi

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI