Vẽ, để giữ lại

15/01/2018 - 20:15

PNO - Tác phẩm của 'Vẽ về hát bội' khá đa dạng về loại hình, phản ánh đúng tinh thần của người trẻ khi họ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống: 'đúng, đủ thôi chưa đủ, mà còn phải hấp dẫn'.

Bên cạnh những bức tranh đủ chất liệu, từ vẽ tay, tô màu acrylic đến vẽ bằng công nghệ, dự án còn có hoạt hình, búp bê giấy mô phỏng nhân vật. Nhóm còn có cả phần mềm cho phép ta điền các thông tin cơ bản như tên tuổi, ngày sinh và tính cách để có chiếc mặt nạ tương ứng.

Xúc động trước lời cảm thán - “loại hình nghệ thuật này sớm muộn gì rồi cũng sẽ chết” của nghệ sĩ Đinh Bằng Phi, cùng ấn tượng với những nét vẽ trên mặt các nghệ sĩ hát bội, hai họa sĩ trẻ bàn với nhau: “Hay là, tụi mình làm một cái gì đó đi”.

Ve, de giu lai

Hồ Nguyệt Cô hóa cáo - tranh kỹ thuật số của Phạm Quang Phúc

1. Ba tháng sau dự tính “làm cái gì đó”, từ tháng 10/2017, Vẽ về hát bội đã có gần 50 tác phẩm về loại hình nghệ thuật này, một trang Facebook đầy đủ thông tin về nhân vật hát bội, tuồng tích liên quan đến tranh vẽ với hơn 5.000 lượt follow, 45 họa sĩ trẻ sinh sống khắp trong và ngoài nước cùng 15 thành viên tháo vát trong ban tổ chức.

Khởi xướng dự án là hai cái tên quen thuộc với giới họa sĩ TP.HCM cũng như cộng đồng yêu truyện tranh: Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên. Đây chính là hai tài năng từng giành giải thưởng Scholastic Picture Book Award 2015 tại Singapore với quyển sách tranh Hành trình đầu tiên về cậu bé vượt qua mùa nước nổi để đến trường.

“Lúc được xem các bức ảnh chụp của thầy Phi, nghe tâm sự của thầy tại Thư quán Cội Việt, chúng tôi vô cùng xúc động với tâm sức và những gì thầy đã cống hiến cho nghệ thuật hát bội. Dự tính ban đầu của chúng tôi là dùng những bức ảnh đó để vẽ thành một bộ tranh thật đẹp, chừng mười mấy hình, rồi làm cái triển lãm nho nhỏ để tặng thầy như một món quà kỷ niệm. Khi ý tưởng và hình ảnh tư liệu được chia sẻ với các bạn trong nhóm, các bạn cũng muốn tham gia, cùng nhau làm một cái gì đó. Rồi người này rủ thêm người kia, anh Nhựt - trưởng nhóm - mới gợi ý mở rộng quy mô để nghề hát bội được giới thiệu đến nhiều người trẻ” - Phùng Nguyên Quang chia sẻ.

Ve, de giu lai

Quan Công - tranh màu gouache của Huỳnh Kim Liên

2. “Nhiều người tham gia, chi tiết cũng nhiều hơn nên cần nhiều tư liệu để làm cho đúng. Chúng tôi bắt đầu lúng túng và cái sốc nhất là tư liệu liên quan đến hát bội cực kỳ hiếm. Nào giờ cứ đinh ninh là Google có tất cả, nhưng hát bội thì không có thật. Clip không, nội dung rất ít, số lượng bài báo viết về hát bội trên mạng ít vô cùng; sách vở thì gần như chỉ lưu hành nội bộ tại các trường mà cũng chẳng nhiều nhặn gì” - Huỳnh Kim Liên kể.

Bài toán nan giải này đã tìm được đáp án nhờ sự giúp sức của những nhân chứng sống trong ngành, tư liệu từ bạn bè khắp nơi, những nhiếp ảnh gia thường chụp các vở tuồng gửi về. Nhóm cũng không ngại khó khăn, lặn lội ra Huế, tìm gặp các nghệ sĩ, xin chụp ảnh sân khấu.

“Khó khăn lớn nhất: chúng tôi chỉ là dân tay ngang - từ sự yêu thích ban đầu dành cho hát bội mới tìm hiểu. Có những đường nét, chi tiết trên mặt nạ, trang phục, chúng tôi không chắc có đúng là hát bội không hay lại là kinh kịch, hồ quảng. Tìm được tư liệu, vẽ được tranh rồi, nhóm lại phải lục tục đi hỏi lại các thầy, các nghệ sĩ trong nghề để đảm bảo tính chính xác” - Quang cho biết.

“Chính vì khó như thế nên nhóm càng thêm quyết tâm. Tôi nghĩ, những tư liệu đó, tại thời điểm này đã hiếm; nếu không bắt đầu tìm kiếm, không có những hành động thiết thực thì đến thế hệ sau, có muốn làm hay tìm hiểu cũng không còn gì nữa” - Liên tiếp lời.

3. Nhiệt tâm, kiên trì nhưng đầy khiêm tốn khi nói về dự án là điểm chung ở những người trẻ nặng lòng với văn hóa truyền thống. Quang và Liên không ngoại lệ. Hai bạn nói, giản dị và thành thật: “Là họa sĩ, trước tiên, chúng tôi bị những chiếc mặt nạ thu hút về đường nét vô cùng đặc trưng. Rồi điệu bộ, xiêm y, cách diễn… tất cả đều toát lên một vẻ đẹp không thể rời mắt. Cho nên, ý định lưu giữ ban đầu là vì chính chúng tôi đó chứ. Sau này tìm hiểu thêm mới biết, qua mấy trăm năm phát triển, nghệ sĩ Việt Nam đã sáng tạo thêm nhiều mặt nạ vô cùng độc đáo. Ngay cả hát bội ở ba miền cũng khác biệt và có những thú vị riêng, khiến chúng tôi thấy tiếc, bởi nếu để một loại hình nghệ thuật đẹp như vậy mai một thì uổng quá. Trong khi những nước như Nhật, Hàn, Thái đều có những bộ tranh về nghệ thuật cổ truyền rất đẹp với nhiều kiểu khác nhau, tại sao mình không làm được? Chúng tôi muốn thử làm trước, biết đâu sẽ truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác, để các bạn ứng dụng vào nhiều thứ khác, để hát bội sống lại theo một kiểu khác”.

Đầu tháng 2/2018, Vẽ về hát bội sẽ có triển lãm chính thức tại The Garden Mall (190 Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM). 

NSƯT Hữu Danh (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM)

Phải cảm ơn các em đã say mê tìm hiểu và giới thiệu nghệ thuật hát bội đến công chúng. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận trong việc bảo tồn văn hóa nói chung và hát bội nói riêng. Đường nét, chi tiết trên các bức tranh vừa đẹp vừa chính xác. Để làm được như vậy, các em đã rất kiên trì và chịu khó lắng nghe, tìm hiểu thông tin. Do đa phần các em là người Nam nên 90% tranh mang phong cách hát bội miền Nam, 10% mang phong cách phía Bắc.

Hoàng Linh Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI