Về đây ăn bữa cơm nhà

09/02/2024 - 05:55

PNO - Trong bữa cơm đầm ấm đầy những dự tính trong trẻo đó, tôi thấy những nếp nhăn trên trán ba giãn ra, tóc dầu đã lún phún bạc nhưng mặt vẫn ngời ngời. Mắt má chừng như long lanh hơn khi khen mấy đứa con “năm nay lớn bộn rồi!”.

Hơn 30 năm trước, bữa cơm ngày 30 tết của nhà tôi thường bắt đầu muộn hơn nhà hàng xóm. Phải tới tận trưa, má mới bắt đầu đi chợ, sau khi cùng ba chỉnh trang lại bàn thờ, đóng lại mấy tấm phên liếp, đánh vẹc-ni bộ bàn ghế gỗ cho mới mẻ. Mấy chị em tôi được phân công dán kín vách nhà bằng mấy tờ giấy đỏ in hình rồng phụng trong thời gian má đi chợ, sau đó là túm tụm sau nhà, bày biện, nhóm lửa, nấu nướng để kịp cúng ông bà. Ngày 30 năm nào cũng tất bật như vậy. Cả nhà như vắt giò lên cổ, chạy đua làm cho xong trước giờ ngọ. Tô chén, rổ rá, xoong nồi… bỗng rộn ràng, nhịp nhàng trên tay người.

Trước đó, đầu tháng Mười, má sẽ mua bầy gà con về nuôi. Nếu suôn sẻ, không bị rắn, chuột làm “mót” dần, thì đến chiều 30, không những nhà có cặp gà cúng ông bà mà còn dư ra để chừa mùng Ba, biếu nội ngoại.

 ẢNH: NGUYỄN QUỐC THI
Ảnh: Nguyễn Quốc Thi

Năm nào má cũng đi chợ tết trễ, năm nào cái giỏ bàng của má sau khi đi chợ về cũng nhiêu đó thịt, nhiêu đó khổ qua, dưa kiệu, mấy phong bánh in dâng bàn Phật, cặp bưởi nhỏ còn đính lá xanh, hạt dưa... Riêng món mứt dừa, để tiết kiệm, má tự làm. Khi mấy chị em tôi đã lau rửa chén bát sạch bóng, kỳ cọ mấy cái lu khạp chứa nước trơn tru, trang hoàng nhà cửa xong xuôi, má mới về tới. Ba rút những thanh củi dừa, củi tràm, khuynh diệp trong cái cự củi ngay ngắn sau nhà, nhen lửa.

Cả nhà loay hoay rồi cũng bày xong mâm cơm. Mùi thịt kho nước dừa tươi thơm dịu, khổ qua hầm mộc nhĩ má làm khéo, đẹp như một nụ hoa chúm chím. Mớ thịt luộc cũng bày biện trên chiếc dĩa gốm Lái Thiêu vẽ hình con gà độc đáo. Mớ kiệu trắng ngần nổi bần bật bên nhúm tôm khô đỏ au màu nắng mới. Cái bụng đói khiến mấy chị em sốt ruột hết đứng lại ngồi, chờ nhang tàn quá nửa mới được dọn mâm. Rồi cái giây phút “thần tiên” ấy cũng tới. Tôi đói thiệt, nhưng mắt nhìn khắp lượt đồ ăn đã thấy no. Hay vì nước thịt kho ngon quá, ngọt vừa tới, ăn chén cơm chan nước thịt thôi cũng đủ ngon lành. 2 thằng em vừa ăn vừa tếu táo tính nhẩm tiền lì xì tết năm nay sẽ để dành sắm sửa món gì, quần áo, truyện tranh hay siêu nhân. Trong bữa cơm đầm ấm đầy những dự tính trong trẻo đó, tôi thấy những nếp nhăn trên trán ba giãn ra, tóc dầu đã lún phún bạc nhưng mặt vẫn ngời ngời. Mắt má chừng như long lanh hơn khi khen mấy đứa con “năm nay lớn bộn rồi!”.

Phải công nhận, dù bữa cơm ngày 30 có hơi trễ nải, nhưng đó là bữa cơm ngon lành nhất. Không phải vì cả năm mới được ăn ngon, mà vì trong bữa cơm đó chỉ nghe tiếng cười, chỉ thấy yêu thương ngưng đọng, không nhiều lo toan, đắn đo. Lớn lên, lập gia đình, tôi mới thấm lời ba: “Chợ 30 là chợ tết của người nghèo”. Những gia đình khá giả, người ta đã sắm sửa cho tết đâu từ đầu tháng. Chợ ngày 30, nhất là những buổi chợ trưa, khi gần ngọ, là bạn hàng bắt đầu “xả” rau củ, thịt thà giá rẻ. Khi này, tôi mới biết tại sao nhà mình luôn có bữa cơm ngày cuối năm trễ hơn nhà người khác. Vì chỉ có như vậy, ba má mới có thể xoay xở để mâm cơm đó và những ngày đầu năm trọn vẹn mà không phải thâm hụt vô khoản tiền sắm quần áo tết cho 4 chị em tôi.

Sau này, tôi lập gia đình, ra riêng. Trưa 30 năm nào vợ chồng tôi cũng chia nhau về nhà nội, ngoại. Tôi với con gái về nhà ngoại, chồng với con trai về nhà nội. Ba má chồng tôi mất từ mấy chục năm trước. Mấy anh chị em bên chồng đều giữ truyền thống ngày cuối cùng của năm, tất cả cùng nấu nướng, ăn một bữa cơm nhà. Cả năm, mạnh ai nấy làm, chỉ có ngày này là thời gian để sum họp, ngồi với nhau, ăn với nhau những món ăn của ngày xưa cũ, ôn cố tri tân.
Tôi cùng con gái về với má và chị em trong nhà. Bữa cơm ngày 30 vài năm gần đây, nhà vắng một chỗ ngồi. Nhìn chén cơm nguyên vẹn trên mâm, rồi nhìn khói nhang cuộn trên bàn thờ ba, tôi không khỏi ngậm ngùi. Nhìn mâm cơm muộn mằn như một lời nhắc nhớ, phải biết trân quý những bữa cơm nhà, bên má… 

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI