Biển tháng Năm. Dưới những tán lá bàng vuông xanh ngắt, cát vẫn hôi hổi. Như sợ người đất liền không chịu nổi cái nóng rát rịt, các chị cứ đứng hết chỗ nắng, dành khoảng râm mát nhất cho chúng tôi. Chưa tới chục người nhưng cũng đủ để thành lập chi hội phụ nữ, trực thuộc hội phụ nữ huyện đảo Trường Sa. Tôi tròn mắt, rồi các chị triển khai phong trào, báo cáo công tác Hội như thế nào?
|
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng... - Nhìn từ dàn khoan DK1/20. Ảnh: Ái Mỹ |
Chị Trinh, chi hội trưởng nói ngay, phong trào đoàn thể nào thì cũng là từ việc nhà ra việc nước, chuyện gì các anh em ở đây cần là phụ nữ tụi tui xắn tay, xông vô. Ở đảo, quân với dân là một nhà. Có còi hiệu báo, các anh lo cho mấy hộ dân tụi tui trước, tìm nơi trú ẩn. Vừa ra khỏi nơi trú ẩn, chị em sấp ngửa chạy đi tìm các anh.
Mấy ngày rằm, ba mươi, mồng một, tụi tui phụ sư thầy bên chùa Trường Sa Lớn nấu chè đông sương, làm bánh cúng Phật. Báo cáo công tác à, thì mỗi tháng tụi tui gửi qua email, cần xin ý kiến gì gấp thì tui nhắn tin điện thoại.
Tôi sực nhớ cái “thương hiệu” của Hội Phụ nữ, tò mò hỏi, vậy còn với “năm không ba sạch”, chị Trinh đưa tay chỉ hướng trường học, nói thì sáng đưa tụi nhỏ vô lớp xong, quay về nhà dọn dẹp, giặt giũ; rồi qua chùa phụ thầy quét sân, lượm lá…
Bỗng nghĩ, giữa trùng khơi bao la này, phận nữ nhi nào đâu chỉ lo “sạch nhà sạch bếp sạch ngõ” mà còn góp sức mình làm lá chắn biên cương, giữ cho “sạch bóng lăm le” nơi đầu sóng ngọn gió. Sóng tứ phía, sóng đâu chỉ có mùa lặng yên, tôi nhìn vào mắt các chị, khúc xạ những con sóng, khi dâng cao ngút ngàn ý chí, khi diệu vợi, thẳm sâu bởi trong cơn sinh tồn, đôi khi phải nương mình theo luồng nước xoáy. Gió quanh năm, khiến mái tóc đàn bà cứ bạt ngược cả ra sau, giữa vùng trán và khuôn mặt rám nắng, những đôi mắt càng sáng.
|
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN thăm và trò chuyện với các chị ở chi Hội Phụ nữ Trường Sa Lớn. Ảnh: Ái Mỹ. |
Tôi để ý thấy, phụ nữ Trường Sa Lớn ai cũng có đôi chân mày đẹp. Các chị cười, thì rảnh rang, chị em tự ngồi làm đẹp cho nhau, vừa chăm sóc nhau vừa trò chuyện tâm tình.
Ra đảo này, người lâu năm cũng đã cả chục, người mới thì vài ba cái tết. Thỉnh thoảng được đưa về đất liền thăm họ hàng nội ngoại, vài ngày là đã đi hết làng trên xóm dưới, rồi… tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người ơi ới gọi nhau, ríu rít, các chị nói, cả người lớn lẫn con nít đều không quen.
Chị Thu Sai chỉ đứa con gái mới lên bốn tuổi bảo, vô trỏng, ai tặng gì cũng không chịu cầm, mà hễ trở lại đảo, các chú cho gì đều lấy. Như tui, về nhà đất liền, đi một vòng là chóng mặt, chỉ mong ngày trở lại đảo. Nhớ lắm chị.
Nhớ, là “đặc sản” của những ai từng được đặt chân ra đảo, được bước đi dưới tán cây xanh trên mỗi tấc đất An Bang, Trường Sa Lớn; hay loanh quanh lội nước, chui vào nhà bếp, bông đùa cùng những chú chó hiền lành, tinh khôn nơi Thuyền Chài điểm A,B,C hay Tốc Tan, Đá Đông… Quay quắt, hơn thế là nỗi ám ảnh những miếu thờ chênh vênh đầu sóng.
Những cái tên được nắn nót ghi, kèm theo đấy là ngày tháng hy sinh, bỗng tìm thấy dòng quê quán là Thủ Đức, là quận 1, TP.HCM, như hẳn đây là người thân của mình, vậy mà các anh lại nằm xa đến thế! Một nghi thức cầu siêu ngay tức khắc lập thành, không chuông không mõ, chỉ có tiếng sóng và sự thinh lặng thay cho lời cầu kinh.
|
Những người con ưu tú đã nằm lại giữa biển khơi, các anh lại tiếp tục canh giữ biển trời Tổ quốc... Ảnh: Ái Mỹ. |
Mang theo nỗi quay quắt ấy, ngay trước giờ con tàu KN290 bước vào hải trình thăm quần đảo Trường Sa, bà đến, leo lên boong tàu, cùng anh chị em hòa chung nhịp Khúc quân ca Trường Sa. Vì một cuộc họp quan trọng đột xuất, bà phải ở lại vào giờ chót nhưng vẫn cứ không nỡ, vẫn cứ muốn theo tàu ra đảo, ra với lính Trường Sa…
Đêm ấy, đêm đầu tiên chúng tôi được thức giữa biển, ngay boong trực thăng, bốn bề sóng vỗ, người thay bà làm vị trí trưởng đoàn của KN290, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khi được mời lên phát biểu, ông rất kiệm lời, chỉ muốn bày tỏ tình cảm thiêng liêng bằng mấy dòng thơ bà viết vội: “Em đã về Trường Sa/ Em có biết Trường Sa màu biển đỏ/ Máu anh đổ, tím bầm từng con sóng...”. Sóng, đâu chỉ biết “bạc đầu thương nhớ” mà còn “ tím bầm” bởi những mất mát, hy sinh.
Những vần thơ nặng trĩu cảm xúc, không thôi day dứt. Sau này, tôi còn đọc được những xúc cảm, hơn thế là một triết lý lựa chọn nơi bà: “Bởi anh cho nhiều nên lòng tôi nặng mãi/ Anh lính trẻ nhìn tôi, tôi nhìn ra lẽ sống”…
|
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM hoà chung giọng hát tiễn đưa anh chị em trên con tàu KN290 ra đảo Trường Sa. Ảnh: Ái Mỹ. |
Hẳn nhiên, bà luôn bảo, đó đơn giản chỉ là tình cảm, là lòng biết ơn, là niềm tự hào của bà với Trường Sa, với lính biển, bà “ năn nỉ”, em đừng nghĩ là thơ. Nhưng có thơ nào mà không khởi nguồn từ cảm xúc để nơi chốn sau cùng là nỗi thấu cảm của con tim. Có lẽ, với một người được “dân cử” như bà, có nỗi thấu cảm nào ngoài thấu hiểu nhân dân.
Trưa ở Trường Sa Lớn, giữa cái nắng gắt đầu hè, mấy đứa trẻ say mê thưởng thức món kem cây, quà của bà - Chủ tịch HĐND TP.HCM, Nguyễn Thị Quyết Tâm, vừa gửi theo tàu ra đảo.
Cũng tại Trường Sa Lớn, khi chị Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó chủ tịch UBND quận 12, vừa đặt chân lên đảo, bỗng nghe có ai gọi tên mình, đúng hơn là tiếng reo. Như quán tính, chị nhìn lại. Một gương mặt chiến sĩ, mừng rỡ, chạy lại ôm chầm lấy chị, - Con nè, con là Hậu, bạn học của con gái cô nè! - Hậu, ở phường Hiệp Thành đây phải hôn…
|
Bà Trịnh Thị Mỹ Lan xúc động hỏi thăm chiến sĩ trẻ ở đảo Tốc Tan. Ảnh: Ái Mỹ. |
Chị chỉ kịp hỏi lại thằng nhỏ mấy câu rồi ôm chặt lấy nó, như ôm lấy đứa con bé bỏng xa nhà. Trên vai chị, nó cười, còn chị lại khóc. Chỉ biết dúi cho thằng nhỏ mấy cái thẻ sim điện thoại, để ngoài giờ trực chiến, nó xin phép chỉ huy gọi về nhà…
Qua tới An Bang, tôi lại bắt gặp hình ảnh tương tự, chị Hoàng Thị Tố Nga, Phó bí thư thường trực quận 1, tình cờ gặp được chiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Nhà Thiện ở một con hẻm trên đường Lê Thị Riêng. Mẹ Thiện bị tai biến, cha làm bảo vệ. Chị Nga cứ xúc động nắm tay cậu chiến sĩ bộ binh, thăm hỏi cả người ở nhà. Vừa trở ra tàu, chị leo lên boong, đón sóng để gọi về đất liền, nhắc mọi người đến nhà thăm mẹ và hỗ trợ cho gia đình Thiện.
|
Bà Hoàng Thị Tố Nga vui mừng khi gặp lại cư dân quận 1 - Nguyễn Ngọc Thiện, chiến sĩ bộ binh trên đảo An Bang. Ảnh: Ái Mỹ. |
Có quá nhiều điều, nhiều thứ bạn được mang theo về từ đảo; chỉ một hải trình ngắn nhưng bạn sẽ lớn lên rất nhiều bởi sự đắp bồi và vô tận của biển khơi, của ý chí vô biên về chủ quyền Tổ quốc.
Đêm trước ngày lễ Độc lập, tôi tình cờ ngồi và nghe nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đàn và hát những ca khúc của anh về Biển và Mẹ, Mẹ và Tổ quốc. Tất cả là một. Là hằng số văn hóa Việt Nam. Nơi một phần thanh âm Tổ quốc dội về từ biển cả, biển được vẽ nên dáng nên hình từ tâm thức đàn bà…
Tâm Thư