Đến đây, chỉ cần đặt chân lên những chuyến phà kỷ niệm, vượt dòng Cổ Chiên là đến ngay ấp Cồn Chim - vùng du lịch đậm chất quê dân dã, hồn hậu kiểu miền Tây chính gốc.
Ân tình, ai bán mà mua!
Tôi vốn không đặt nhiều kỳ vọng vào kiểu du lịch miệt vườn. Tôi sợ cái kiểu người ta cố tình làm cho nó có vẻ quê. Nhưng khi vượt dòng Cổ Chiên, bỏ lại hết xe cộ bên này bờ như bỏ lại hết những bận bịu lo toan ở sau lưng, bước sang bờ bên kia không chỉ là vùng du lịch, mà đó còn là thế giới của những giá trị văn hóa xưa cũ.
Tôi gọi du lịch ở Cồn Chim (xã Long Hòa, tỉnh Trà Vinh) là trải nghiệm du lịch miệt vườn thứ thiệt. Những thú ăn, chơi đặc trưng của người miền Tây sông nước phiên bản gốc đều có thể tìm được ở đây, bởi vùng du lịch này không cố tình làm du lịch kiểu nhà quê mà do chính những người nhà quê thứ thiệt làm du lịch nên nó tự nhiên mộc mạc, dân dã, tự nhiên giữ được cái hồn quê đậm đà.
Đến Hòa Minh, ngồi đò chừng 5 phút là qua được Cồn Chim. Bỏ hết xe cộ ở bên kia bờ cũng giống như bỏ hết gánh nặng của vòng quay hằng ngày lại bên ấy. Bước qua bờ bên này là những mái nhà lá đơn sơ, nền đất mát rượi, những chiếc lu đựng nước có tuổi đời đôi khi còn lớn hơn chính bạn.
Những đứa con nít trong xóm có thể tung tăng chạy chơi quanh mà không sợ xe cộ hay kẻ xấu. Cuộc sống của người dân ở cù lao như cách biệt với cuộc sống xô bồ nơi đô thị. Nó chậm rãi, yên tĩnh; gần như chỉ có tiếng gió xào xạc, tiếng của người dân quê đi làm đồng, tiếng của mấy đứa nhỏ chơi chọi lon trên đường.
Là vùng đất nổi nằm giữa dòng Cổ Chiên hiền hòa nên quanh năm gió thổi mát rượi, người già trẻ nhỏ tha hồ hít thở khí trời trong lành mà không cần phải cầu cứu đến máy điều hòa như ở thành thị. Ở đây có chừng hơn 20 hộ sinh sống nên chỉ bước ra cửa là nhẵn mặt nhau. Xe cộ, đồ đạc thậm chí bỏ hẳn ngoài đường cũng không ai thèm lấy. Nhưng ở kiểu biệt lập lắm lúc cũng buồn, chưa kể, mỗi lần cần ăn uống hay mua sắm cũng bất tiện.
Chú Tư Quờn, bí thư ấp, quả quyết: “Sống riết quen rồi. Lúc trước, tui được cấp trên kêu qua bên kia bờ, vô đất liền làm việc nhưng tui thích ở đây với bà con chòm xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Cần ăn thì tôm tép, cá cua, gà vịt có sẵn. Dù không giàu nhưng tôi thấy cũng đủ.
Hồi trước, bà con chỉ nuôi tôm, cua theo kinh tế đặc trưng của địa phương. Giờ bà con trong xóm đồng lòng làm du lịch nữa thì sẽ không lo nghèo. Mình làm du lịch phải giữ nét đặc trưng. Mỗi nhà phục vụ những món sở trường của mình, không trùng lắp nhau sẽ không có tình trạng cạnh tranh, giành giật. Không chỉ vậy, bà con còn hỗ trợ giới thiệu khách cho nhau. Cứ cuối tuần, khách phương xa lại tới chơi tấp nập”.
Những ông chủ, bà chủ kinh doanh dịch vụ du lịch ở đây đều thật thà hiếm có. Có lẽ đây cũng là điểm níu chân du khách. Đúng như câu slogan làm du lịch của cả xóm là “Về Cồn Chim - người quê chỉ có tấm lòng”, đến nhà nào, khách dù lạ hay quen cũng đều được mời vào nhà chơi, uống miếng trà làm đầu câu chuyện.
Họ không câu nệ bạn sẽ ăn bao nhiêu cái bánh hay mua bao nhiêu trái dừa, mà khi đặt chân đến nhà, ai cũng là khách quý. Mỗi nhà sẽ làm những món đặc sản khác nhau để đãi khách. Nhà cô Sáu Giàu bán bánh xèo thì mời khách món nước nấu sả uống cho ấm bụng. Nhà cô Ba Vân ở gần đó có món nước đậu rang, nước hoa đậu biếc nhà trồng ăn kèm với mứt gừng homemade…
Về Cồn Chim, tôi đi du lịch nhưng không có cảm giác là khách. Người dân ở đây cho tôi cảm giác như lâu ngày về thăm người thân. Họ gần gũi mà thật thà, nhiệt tình mà không quá vồn vã. Dù bạn đi một mình, họ vẫn không để bạn cảm thấy cô độc. Kiểu du lịch homestay ở đây không giống bất kỳ homestay ở một nơi nào, nó amateur mộtcách đáng yêu.
Một gia đình thường có cha mẹ, con cái, vợ chồng cùng làm. Bước vào mỗi hộ, bạn sẽ gặp lại cả một nếp nhà của miền Tây xưa. Nếu người vợ lo đổ bánh xèo thì người chồng sẽ ra ngồi mời trà tiếp chuyện khách. Đến nhà cô Ba Sữa làm bánh lá mơ, chú Ba vào bếp khuấy nước cốt dừa thì cô Ba sẽ ra thăm hỏi khách, tranh thủ giới thiệu các dịch vụ của bà con xung quanh.
Gặp đúng khách dễ thương, dù bán 5 mâm bánh lá chỉ lời 50.000 đồng, cô chú cũng tặng thêm mâm nữa để khách ở lại nói chuyện lâu hơn... “Có đáng là bao, vài chục ngàn ăn rồi cũng hết. Mình ăn thì hết chứ cho mấy cô chú ăn thì còn. Nghĩa tình có mua cũng không được vì đâu ai bán”, cô Ba cười hồn hậu khoe hàm răng sún.
Hồn hậu mà tinh tế
Về đây, cả một trời tuổi thơ của thế hệ 6x, 7x, 8x ùa về. Nhưng “làm du lịch mà chỉ nhắm đến người lớn tuổi là thua. Mình làm du lịch phải tiếp cận người trẻ và thu hút nhiều đối tượng”, lứa thanh niên được đi học đại học ở đây quả quyết như thế. Có lẽ vì quyết tâm đó của những người làm du lịch ở Cồn Chim nên lứa 9x trở đi cũng thích thú không kém với khung cảnh nơi này, bởi dù nhà ở gần đó, chỉ cách một con sông mà đây là lần đầu tiên họ được thấy những thứ dân dã này.
Một người dân ấp Cồn Chim tâm sự: “Tụi nhỏ bây giờ quanh năm đi học rồi cắm mặt vô điện thoại, rảnh rỗi đôi chút cũng chỉ có thể chạy vào trung tâm thương mại hưởng máy lạnh tránh nóng. Chúng làm gì biết mấy trò chơi dân gian một thuở, nên người lớn chúng ta có trách nhiệm giới thiệu cho con cháu mình biết… Vậy là khá nhiều trò chơi kinh điển như bắn đạn (bi), kéo co, chọi lon, nhảy dây, trèo cây hái trái; xếp hình từ lá dừa, câu cua, bắt cá... được đưa vào danh mục dịch vụ phục vụ khách.
Làm du lịch thời nay không thể quên đầu tư những khung cảnh để check-in sống ảo. Chỉ cần về Cồn Chim một chuyến, bạn sẽ thu hoạch hình sống ảo cho cả năm. Từ dàn mướp xanh mướt mắt, hàng dừa rợp bóng hai bên đường, bờ cỏ lau, lối đi vào nhà được trang trí bằng hoa mười giờ dân dã hoặc buồng dừa nước trĩu quả… đến nhà vệ sinh cũng… có tính giải trí khi được gắn biển hiệu “Kho vàng” với lối đi đầy hoa thật thơ mộng… đều có thể là nơi cho ra đời những bức ảnh kỷ niệm đậm chất mộc mạc, dân dã.
Khi đến đây du lịch, bạn sẽ được khuyến cáo đi bộ hoặc đạp xe đạp khám phá khắp xóm và cũng tiện dừng chân chụp ảnh. Vào nhà, bạn tha hồ bỏ dép đi chân trần trên nền đất mát rượi. Bạn cũng có thể xách cần câu ra đồng kiếm con cá rồi… chụp hình. Quan trọng hơn, những người dân nơi đây làm vậy để đảm bảo môi trường sống không bị làm phiền bởi tiếng ồn, không bị biến chất bởi những thứ xa xỉ của thành thị.
Có thể dịch vụ ở xóm Cồn Chim chưa thể chuyên nghiệp như những khu du lịch khác nhưng một ngày ở đây thật thỏa mãn. Thứ tôi nhận về là tình cảm, là văn hóa, là nếp nhà nhiều hơn một chuyến du lịch trải nghiệm đơn thuần. Rời vùng đất nhỏ bé nép mình bên dòng Cổ Chiên, có điều gì đó thật đẹp vẫn đọng lại trong tôi. Bạn hãy thử một lần về Cồn Chim để cảm nhận tấm lòng của người quê.
Đi du lịch chắc chắn không thể bỏ qua ẩm thực địa phương. Đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của một vùng du lịch. Thức ăn nơi đây được chế biến từ nguyên liệu tươi sống, tự nhiên.
Khi bạn muốn ăn cua thì sẽ cùng chủ nhà câu cua lên làm. Bạn muốn ăn bánh xèo thì ra vườn hái rau rồi cùng nhau đổ bánh. Còn khi bạn muốn uống nước dừa hay ăn ly chè dừa nước thanh mát sẽ được cô chủ đích thân trèo dừa hái trái hoặc bơi xuồng đi chặt dừa nước… cho nên món nào cũng tươi roi rói. Ở đây, mọi thứ đều thân thiện với môi trường, từ ống hút cỏ bàng đến ghế gỗ, chén sành…
Tiêu Hà