Về Châu Phong ăn gỏi sầu đâu

19/06/2023 - 07:42

PNO - Nếu về Châu Phong (An Giang) mà chưa nếm qua món gỏi sầu đâu là một thiếu sót lớn. Lá sầu đâu trộn gỏi có vị đắng nhưng vẫn có vị ngọt lạ.

 

Người dân Châu Phong luôn tự hào về món gỏi sầu đâu  quê mình
Người dân Châu Phong luôn tự hào về món gỏi sầu đâu quê mình

Ngày 20/5/2023, tại chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52, món gỏi sầu đâu của An Giang được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng xác lập Kỷ lục châu Á về giá trị ẩm thực giai đoạn 2022-2023. Điều này làm nức lòng người dân An Giang, đặc biệt là bà con xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Những cây sầu đâu đã mang lại hương vị rất riêng cho một món ăn quê nay xếp vào hàng đặc sản.

Quanh các con đường tại ấp Vĩnh Tường 1, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang và dọc theo những con đường bên bờ sông Hậu trên địa bàn xã Châu Phong là những cây sầu đâu to mà vòng tay của 2-3 người ôm mới xuể. Có cây đã hơn 100 năm tuổi. Bà con nơi đây không cần phải bón phân hay tốn công chăm sóc mà những hàng sầu đâu vẫn vươn mình phát triển đồng thời mang đến hương vị khác biệt so với sầu đâu mọc tại những vùng khác.

Chị Võ Trúc Giang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi lớn lên ở Châu Phong. Từ nhỏ, tôi đã ăn sầu đâu Châu Phong. Sau đó, tôi được đi nhiều nơi, nếm thử sầu đâu các nơi khác thì thấy đắng nghét, rất khó nuốt. Trong khi đó, sầu đâu quê tôi khi ăn vào có hậu ngọt. Tôi không biết là do thổ nhưỡng hay như thế nào bởi vì cùng giống sầu đâu quê, tôi cho người thân đem về vùng khác trồng thì ăn cũng không ngon”.

Nướng khô để làm gỏi
Nướng khô để làm gỏi

Chính sự đặc biệt của vị đắng nhưng có hậu ngọt ấy làm nên điều khác biệt khi thực khách được thưởng thức gỏi sầu đâu Châu Phong. Vừa qua, khi món gỏi sầu đâu được vinh danh, không riêng chị Giang mà người dân An Giang rất vui mừng. Một người dân thị xã Tân Châu bày tỏ: “Tôi rất tự hào về danh hiệu món gỏi quê mình vừa đạt được. Trong món gỏi sầu đâu có đủ ngũ vị (đắng, chua, cay, mặn, ngọt): đắng của sầu đâu, sau đó, có vị ngọt hậu, vị chua chua, mặn mặn của mắm me, vị cay của ớt”.

Để làm gỏi sầu đâu, tùy thói quen và sở thích của mỗi gia đình mà có những cách chế biến khác nhau. Thật ra, bí quyết để làm nên món ăn này không quá phức tạp nhưng cần “đúng bài”. Lá sầu đâu trụng với nước sôi (ngon nhất là trụng với nước cơm sôi được nấu bằng củi) cho bớt vị đắng rồi trộn cùng thịt ba rọi luộc xắt mỏng, khô cá lóc hoặc khô cá sặc rằn nướng xé nhỏ, dưa leo và xoài xanh bằm sợi (tùy sở thích mà có thể thêm tôm sú luộc bóc vỏ). Sau đó, trộn đều tất cả với nước mắm ớt pha chua, ngọt cho vừa khẩu vị rồi rắc thêm một ít rau thơm, vài lát ớt cho dĩa gỏi có màu sắc hấp dẫn.

Mắm me - tinh túy của món gỏi sầu đâu
Mắm me - tinh túy của món gỏi sầu đâu

Vậy nhưng dù thế nào, mắm me vẫn là tinh túy của món ăn. Me mua về cho vào tô nhỏ, thêm ít nước rồi dầm nát. Tiếp đến, cho nước cốt me vào chảo, thêm nước mắm, đường, tỏi, ớt đã băm vào khuấy đều. Chén nước mắm me ngon khi được làm kẹo kẹo, ngọt ngọt, chua chua. Mắm me được trộn thẳng vào gỏi. Vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị mặn của khô cùng vị chua của nước mắm me hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu đâu Châu Phong thấm dần vào vị giác gây hứng thú cho người thưởng thức.

Chị Võ Trúc Giang chia sẻ: “Nhà tôi chỉ trộn lá sầu đâu với dưa leo, khô, xoài để gỏi có vị chua, rưới thêm một ít mắm me. Tuy nhiên, một số gia đình khác có thể trộn thêm cà chua, thịt luộc vào gỏi sầu đâu. Gia đình tôi thường trụng nhanh lá sầu đâu qua nước sôi sau khi rửa sạch. Khi đó, sầu đâu sẽ có vị thơm đặc trưng, màu xanh hấp dẫn; riêng bông thì không trụng mà để tươi trộn chung. Sầu đâu có tính hàn cao, nếu đường ruột yếu không nên dùng nhiều”.

Hiện nay, sầu đâu là nguồn phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình. Khi sầu đâu vào mùa thường được bán với giá 50.000-60.000 đồng/kg, còn khi cao điểm hút hàng, lá sầu đâu có giá 80.000 đồng/kg. Đặc biệt, lá sầu đâu kèm bông lên đến 150.000 đồng/kg. 

Tháng Chín có thể thu hoạch lá non nhưng ngon nhất vẫn là khi sầu đâu bắt đầu có bông vì lúc đó, đọt sầu đâu sẽ ngọt hơn. Sầu đâu chỉ trổ bông vào mùa đông.

Cây sầu đâu cứ thế bao năm bám rễ giữ đất và che mát cho người dân Châu Phong. Nếu đến đây mà chưa nếm qua món gỏi sầu đâu là một thiếu sót lớn. Lá sầu đâu trộn gỏi có vị đắng nhưng vẫn có vị ngọt lạ. Chính vị ngọt thanh, đắng mà không chát là điểm làm nên sự khác biệt của cây sầu đâu nơi này. 

Bài và ảnh: Huyền Thoại

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI