Về bộ ảnh chu du các miền thế giới

14/02/2017 - 17:00

PNO - Cảm giác ấm áp, tĩnh tại, yêu thương và trân quý - đó là những gì truyền đến người đối diện với Mẹ tôi.

Bộ ảnh đã chu du qua nhiều nước trên thế giới, là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tác giả Trần Việt Văn.

Mấy năm gần đây, Trần Việt Văn đặt câu hỏi tại sao mình đi chụp khắp nơi mà không dừng lại ở chính người thân của mình. Thế rồi nhiếp ảnh gia chụp ảnh mẹ như để cất giữ những ký ức, cô đọng lại những khoảnh khắc mà sau này sẽ trở nên quý giá với anh. Nhưng những gì anh làm đã “có giá” ngay trong hiện tại.

Ve bo anh chu du cac mien the gioi
 

Một phần bộ ảnh Mẹ tôi đã đoạt giải và được ghi nhận tại nhiều cuộc thi ảnh quốc tế ở Mỹ (International Photo Awards), Italia (Sipa), Nhật Bản (Tokyo Foto Awards), Anh (ND Awards)… và đặc biệt được chọn triển lãm cá nhân tại Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế Photometria (Hy Lạp). Cuốn sách ảnh Mẹ tôi ra đời sau đó nhận được sự đồng cảm của người xem, bởi câu chuyện về mẹ mà Việt Văn kể bằng ảnh không dừng lại là cảm xúc của riêng anh, mà còn khơi dậy những rung cảm về tình mẫu tử, tình cảm gia đình của bao người.

Người mẹ trong cuốn sách ảnh Mẹ tôi là PGS-TS Lê Thị Ðức Hạnh, là nhà nghiên cứu và phê bình ở Viện Văn học. Ðến nay, bà đã có bảy cuốn sách in riêng và 31 cuốn in chung được xuất bản. Chồng bà là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Việt Ngữ. Ông từng nhận Giải thưởng Nhà nước vào năm 2012 và đã qua đời cách đây tròn hai năm.

Việt Văn kể, những ngày chụp ảnh mẹ, anh khám phá ra nhiều điều bất ngờ; từ những lá thư của bố gửi mẹ ngày xưa, chiếc mâm đồng bà ngoại cho mẹ thời chiến tranh, cho đến sợi dây chuyền bố tặng, tấm thiệp cưới đơn sơ hồi năm 1965, sổ học bạ loại giỏi của mẹ thời đi học ở Hà Ðông… Những kỷ vật của ký ức xưa mà nay “người còn, người mất” đó được Trần Việt Văn “tua” lại như những thước phim nghệ thuật.

Ve bo anh chu du cac mien the gioi
 

Mới đây, trên tạp chí nhiếp ảnh đương đại Dodho của Tây Ban Nha, đi cùng những bức ảnh, tác giả từng ba năm liên tiếp đoạt giải cuộc thi ảnh hàng đầu châu Âu Px3-Paris (Pháp) và có ảnh được hãng Win-Initiative (Mỹ) sưu tập đích thân kể lại câu chuyện về Mẹ tôi.

Anh viết: “Tôi bắt đầu chụp ảnh mẹ khi bà bắt đầu trở bệnh nặng, từ cách đây khoảng mười tháng. Rồi tôi vẫn chụp cho đến khi sức khỏe của mẹ khá hơn, cho đến giờ. Tôi mong có thể lưu giữ những khoảnh khắc về mẹ không chỉ trong tâm trí mình, mà còn trong sự hiện hữu của nhiếp ảnh. Mẹ tôi nay 83 tuổi, bà là người vợ tháo vát, người mẹ ân cần, người phụ nữ có ý chí, nghị lực mạnh mẽ.

Nhờ tự học, bà trở thành nhà nghiên cứu và phê bình văn học có nhiều đóng góp thông qua nhiều tác phẩm nổi tiếng và một trong số đó đã được trao tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Mẹ có hai người con, là tôi (hiện làm nghề báo) và anh trai tôi (hoạt động nghệ thuật). Vượt qua bao khó khăn, cơ cực, nhất là trong giai đoạn chiến tranh, bà đã nuôi dạy các con nên người.

Gia đình tôi đón nhận cuộc sống an bình cho đến cuối năm 2012, khi cha tôi lâm bệnh hiểm nghèo. Trong gần hai năm, bố tôi điều trị bệnh ở viện cũng như ở nhà, mẹ luôn túc trực chăm sóc ông hàng ngày. Bà không bao giờ than phiền, dù tôi biết quãng thời gian khó khăn đó khiến mẹ kiệt sức. Những cơn đau nhức của chứng loãng xương và căn bệnh viêm khớp xương bắt đầu hành hạ mẹ. 

Bà phải ăn và thực hiện vệ sinh cá nhân trên giường, chịu đựng những cơn đau và mất ngủ dai dẳng. Gia đình tôi đã tìm đến nhiều phương pháp điều trị, từ tiêm, châm cứu, bổ sung thảo dược… Sau một thời gian chống chọi với những cơn đau, nay mẹ tôi đã có thể đi lại và tự chăm sóc được bản thân… Ngay khi có thể ngồi dậy, bà chải tóc và trang điểm, làm những việc như vốn quen với một người phụ nữ Hà Nội xưa thanh lịch và tinh tế.

Ve bo anh chu du cac mien the gioi
 

Mẹ tôi không thoải mái khi đứng trước ống kính, nhưng rồi bà đồng ý để tôi chụp hình bà, bởi vì đó là một cách và thể hiện tình yêu với con và nhận thấy điều gì quan trọng với tôi thì cũng quan trọng với bà. Quả thực, quá trình tôi chụp ảnh mẹ mình là quá trình tôi được kết nối với bà, khiến tôi hiểu thêm về mẹ. Có một điều tôi muốn nói lúc này, đó là giờ đây niềm hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy mẹ mỗi buổi sáng thức dậy. Bởi tôi biết sinh-lão-bệnh-tử là quy luật muôn đời”.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI