|
Trình bơi "ướt nhẹp" hành khách bên cạnh là có thật |
“Đến Bến Tre nhiều nhưng đây là lần đầu tiên mình đến vui chơi đúng vào dịp tết cổ truyền. Một không khí sông nước trong lành, hiền hòa và người Bến Tre cũng đặc biệt thân thiện, hiền hòa. Một ngày được về nhà bạn nướng tôm tươi thơm phức mùi quê, không có giới hạn của đất khách hay quê nhà, vẫn một quê hương như thế.
Buổi chiều trôi trên sông chặt dừa nước, một cảm giác nhẹ nhàng thong thả và rất đẹp như người Bến Tre. Một cái tết quê thơ mộng, sẽ quay lại dài ngày để khám phá nét đẹp nơi này”, luật sư Anh Loan vẫn miên man không dứt với những kỷ niệm ngọt ngào về một vùng sông nước lắng đọng hồn quê.
|
"Tôm nướng thơm phức đây" - chị Anh Loan rôm rả rao hàng |
Đi cùng mẹ con chị Anh Loan là gia đình chị Mỹ Ly (kinh doanh, cũng ở TPHCM). Cộng luôn với gia chủ ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre, đội hình lên đến gần chục trẻ em, có bé biết bơi, có bé chưa nhưng không sao vì gia chủ đã mượn sẵn một chiếc ghe “to bự” của mợ Sáu hàng xóm, bảo đảm tuyệt đối an toàn với một số vật dụng làm phao được thủ sẵn.
Hồi hộp, bỡ ngỡ, lóng ngóng là điều không tránh khỏi của các bé và cả người lớn khi lần đầu bước chân xuống ghe, trải nghiệm cảm giác bồng bềnh, chênh chao đầy phiêu lưu, hứng khởi. Anh Hữu Anh - chồng chị Mỹ Ly - là phi công cũng công nhận giữ thăng bằng trên sông nước khó không kém gì trên bầu trời.
|
Cố giữ thăng bằng khi bước xuống ghe |
|
Cả đoàn hồi hộp và mê tít với trải nghiệm bồng bềnh nơi sông nước miền Tây |
Các bé sau vài phút làm quen với khoang ghe, ổn định chỗ ngồi đã năn nỉ được cầm cây dầm tập bơi. Bơi tưởng không khó mà khó không tưởng. Thao tác sai một tí có khi ghe không lướt tới mà mái dầm vẫy nước ướt áo người bên cạnh, có khi xuồng ghe không tiến được cũng chẳng lùi, cứ xoay tròn tại chỗ khiến cả đội được một phen… “rối loạn tiền đình”.
Mợ Sáu chủ ghe kiêm hướng dẫn viên du lịch vừa bơi xuồng vừa trả lời không kịp thở với những câu hỏi dồn dập của các bé (tính luôn "các bé" tuổi đã U40, U50 nhưng kiến thức miền quê chỉ vào tầm “sửu nhi”). Kia là cây bần có trái bần chua, về đêm đom đóm đeo tỏa sáng lung linh, xập xình như những dây đèn điện. Kia là bập dừa nước - chiếc phao đầu tiên của bất cứ đứa trẻ miền Tây nào tập bơi trong mương vũng rồi ra sông…
Chiếc ghe thì cũng là phương tiện giao thông trên sông như xuồng nhưng ghe lớn hơn xuồng.
Còn con nước lớn ròng là sao? Và sao là nước xuôi, nước ngược? Trước những câu hỏi tới tấp, mợ Sáu thị phạm bằng cách buông tay dầm và chiếc ghe cứ thế tự trôi theo dòng - nước xuôi là đây, còn nước ngược thì phải nặng tay chèo chống.
Trời xanh mây trắng, nước sông đầy ắp liếm chân bờ, hoa cúc, hoa mai, vạn thọ... nhà ai khoe sắc, soi bóng ven sông tạo cho lòng người cảm giác yên bình, thư thái.
Bỗng cả ghe nhao nhao khi thấy vật gì màu nâu nâu ngộ ngộ ở ven sông. Thì ra là mấy buồng dừa nước. Tắp ghe vào, mợ Sáu dùng dao bửa thử. Hên thiệt! Buồng dừa nước đã vừa ăn.
Cả đội há hốc khi mình được quyền tự ý chặt, khiêng về, không cần xin ai cũng chẳng cần trả tiền, cà thẻ hay chuyển khoản. Của tự nhiên mà! Ở quê sướng thiệt!
|
Cả ghe "trúng mánh" với buồng dừa nước do mợ Sáu chặt đem về |
|
Chị Mỹ Ly dân Sài Gòn cũng rành chặt dừa nước |
Khi lựa cây dừa để bẻ trái xuống uống, chị Anh Loan loay hoay mãi, dừa trái màu xanh, màu vàng, chẳng biết chọn trái nào, cây nào nên cứ hỏi: “Mợ Sáu! Trái dừa này ngon không? Trái dừa này đã chín chưa?”.
Dân quê gốc Quảng Ngãi, sống ở Sài Gòn nay về Bến Tre, dùng từ nghe ngây thơ mà thương thiệt thương! Dân Bến Tre "sửa": "Phải hỏi là dừa này nạo chưa mới đúng nhen!".
“Ủa, nạo là sao?”, khách tròn xoe mắt, hỏi. Dân Bến Tre lại phải quơ tay quơ chân cắt nghĩa.
"Nạo" ở đây không phải là dùng bàn nạo mà nạo, mà là dùng muỗng inox để múc cái dừa (cơm dừa) rồi ăn. Dân sành điệu còn khéo chặt vỏ dừa xanh thành muỗng để múc cái, ăn như vậy “nghe đồn” sẽ béo hơn múc bằng muỗng inox.
Trái dừa vừa nạo tức là đã phát triển đến giai đoạn vừa uống, nước dừa ngọt thơm, không còn vị chua như khi còn non, cái mới “váng cháo” và nước dừa cũng không lên gas như khi trái dừa đã về tuổi... trung niên, cái đã cứng cạy (cái dầy và hơi cứng, phải dùng dao, lưỡi hái hoặc đũa bếp để cạy ra làm mứt dừa).
Dân Bến Tre chốt: “Túm lại, trái dừa nạo là trái dừa ở độ vào xuân”.
|
Mượn nón lá vừa để che nắng vừa để "giả dạng" thôn nữ miền Tây |
|
Đêm dạo bước ngắm hoa kiểng trên đường Hùng Vương TP. Bến Tre |
|
Kẹo bông gòn nhìn là mê, ăn là ghiền! |
Tết này, nhờ về Bến Tre chơi, kiến thức và kỹ năng “dừa học”, “ghe xuồng học” của hai hộ Sài Gòn... tiến bộ đáng kể. Du xuân trên xuồng ghe còn tậu được bộ ảnh lung linh, lầy lội không đụng hàng để mà khoe hoặc cất riêng lâu lâu len lén ngắm, tủm tỉm cười...
Tô Diệu Hiền