PNO - PNO - Bố nhập ngũ năm 1959, “tranh thủ” về Hà Tĩnh cưới mẹ năm 1960 rồi hành quân biền biệt. Tuổi 19, mẹ phải chịu bao khổ cực, đắng cay khi đơn độc làm dâu trong gia đình nghèo khó lại đông người.
Rồi mẹ lặn lội đi tìm nơi đơn vị bố đóng quân. Sau mười năm với bao lần ngược xuôi Trung - Bắc tìm bố, mẹ dâng tràn hạnh phúc khi lần đầu mang thai. Những năm sau đó, thêm ba đứa con chào đời trong nụ cười hòa nước mắt của mẹ. Tôi là con trai thứ ba trong nhà. Bố vẫn như cánh chim thấp thoáng nơi trời xa, một tay mẹ chắt chiu nuôi bầy con lớn khôn.
Như “thông lệ”, lần lượt bốn anh em tôi khi đến mùa hè năm học lớp 6 sẽ được mẹ dẫn ra đồng học cách mót lạc, mót lúa phụ vào bữa cơm gia đình. Hè năm ấy, đến lượt tôi. Tôi và mẹ mỗi người cầm một cái mủng và một cái liềm ra đồng. Trưa nắng chói chang, mẹ bảo tôi đội nón. Nhìn cái nón ngả màu, rách tả tơi, tôi chỉ muốn mếu. Cánh đồng ấy vốn là nơi tôi vẫn thường cùng đám bạn đánh khăng, đánh đáo, thả diều… Đó là chốn thiên đường của tôi - nhưng không phải hôm nay. Ủ rũ theo sau mẹ, lòng tôi nặng trĩu, chân như đeo đá. Đám bạn đang chơi đùa chợt nháo nhác khi thấy bộ dạng “kỳ lạ” của tôi, lao nhao hỏi: “Mày đi đâu đấy?” Tôi ngượng chín người, ấp úng: “Tao… tao… đi mót lúa”. Tiếng cuối cùng thoát khỏi miệng tôi thì cũng là lúc đám bạn cười phá lên. Tôi chỉ ước mình biến mất khỏi cánh đồng ngay lập tức.
Về sau, khi quan sát mẹ, tôi dần học được cách vượt qua nỗi mắc cỡ lúc làm những công việc ấy. Mẹ đúng là “thợ đụng”, bất chấp những lời đàm tiếu. Ai thuê việc gì mẹ cũng nhận làm, kể cả những công việc độc hại mà không có dụng cụ bảo vệ sức khỏe như phun thuốc sâu, thuốc diệt cỏ… Mẹ gom từng đồng tiền công ít ỏi để mua thêm cho tôi vài cuốn sách cũ. Đặt sách vào tay tôi, mẹ bảo: “Mình không ăn trộm, không ăn cắp nên không có gì phải ngượng khi lao động. Mẹ muốn con có thể đương đầu với mọi khó khăn, không từ chối bất cứ công việc nào, miễn là không làm điều xấu. Nhưng, quan trọng nhất là con phải học để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn này”.
Tôi đậu đại học tại TP.HCM cũng là lúc chuỗi ngày vất vả bội phần của mẹ bắt đầu. Trước đó, những trận bão liên miên cướp hết của cải, công sức lao động, phá tan nhà cửa của gia đình. Mẹ chạy đi vay từ xóm trong ra xóm ngoài để tôi có lộ phí đi đường. Mấy đêm trước ngày tôi nhập học, vì nhà vẫn chưa sửa, trời mưa dột ướt giường làm mẹ trở mình thở dài cả đêm. Cầm những đồng tiền mẹ đưa, lòng tôi đau nhói.
Chuyện học của tôi ngày càng cần nhiều tiền. Những lúc ấy, tôi lại về nhà với lý do… thăm mẹ, rồi rụt rè hỏi: “Mẹ mới bán gà à?”. Mẹ hiểu ý, cười: “Con cần bao nhiêu?”. Tôi không dám nói cụ thể số tiền muốn xin: “Mẹ cho con bao nhiêu cũng được ạ”. Không dám nhận tiền trực tiếp từ tay mẹ vì sợ phải nhìn thấy nỗi vất vả hằn trên khuôn mặt mẹ, tôi… tránh né: “Mẹ để tiền trên bàn cho con nghen”. Những yêu thương vô bờ bến và lời nhắn nhủ “Con phải học để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn” của mẹ là động lực để tôi bền chí hơn trên con đường học tập, nghiên cứu và sẻ chia kiến thức đến các bạn trẻ.
Gần mười năm nay mẹ bị thoái hóa khớp gối, đau đớn và đi lại rất khó khăn, đã chữa trị nhiều nơi mà không thuyên giảm. Có lần về nhà, tôi thấy mẹ lấy một sợi vải, cuốn chặt từng ngón chân để máu dồn về đầu ngón chân. Khi các đầu ngón chân thâm tím, mẹ lấy cây kim châm vào đó cho máu bắn ra ngoài. Chưa hết, mẹ lấy tay bóp mạnh vào đầu ngón chân để máu ra nhiều hơn. Sau phút sững sờ, tôi hốt hoảng ngăn mẹ. Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt tuyệt vọng, đau đớn, nói như van xin: “Cứ để mẹ làm. Như vậy mẹ thấy dễ chịu hơn!”. Lẽ nào mẹ lấy cái đau này để khỏa lấp cái đau khác? Tôi thất thần buông tay mẹ. Mũi kim kia như đang đâm thẳng cả vào tim tôi.
Mẹ còn mang nhiều bệnh khác - kết quả của những năm lao lực vì các con. Bác sĩ khuyên mẹ nên ăn kiêng. Có lần về thăm mẹ, chị gái tôi nói: “Chân mẹ đi không được thì đừng ăn nhiều, kẻo tăng ký rồi đổ bệnh”. Tôi hiểu chị đau lòng thế nào khi nói ra lời ấy.
Sau hơn 40 năm vất vả nuôi con, căn nhà nhỏ xíu chộn rộn ngày nào giờ chỉ còn bố mẹ. Niềm vui mỗi ngày của mẹ gói gọn trong việc chăm sóc đàn gà và mong Tết mau đến để con cháu quay về, nhận mỗi đứa vài con gà. Hết Tết, con cháu hối hả kéo nhau đi, mẹ lại cặm cụi vãi thóc cho đàn gà mới và mong Tết lại chóng về.
Những ngày tháng làm nghiên cứu sinh tại Đại học Passau của Đức, lòng tôi khắc khoải nỗi niềm không thể kề cận sớm hôm chăm sóc mẹ. Những cuộc điện thoại, lá thư tay, hay những lần hiếm hoi được nhìn thấy mẹ qua cửa sổ Skype càng nối dài nỗi nhớ. Khi những thử thách nơi xứ người ùa đến, hình ảnh mẹ lại hiện về trong tim tôi với giọng nói ấm áp: “Đừng sợ khó khăn. Hãy học tốt để về sớm, nấu cơm cho mẹ ăn”.
Mẹ kính yêu, con vẫn đang miệt mài đi về phía giấc mơ đó và xin mẹ hãy bên con dài lâu!