Vẽ bẩn lên toa tàu Metro 1: Lại là "graffiti"?

12/06/2022 - 09:20

PNO - Vụ 2 toa tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bị xịt sơn, vẽ bậy không phải là lần đầu tiên nghệ thuật graffiti khiến dư luận bất bình. Nếu cứ vẽ vô tội vạ như thế thì graffiti khó lòng thoát mác “vẽ bậy”, “phá hoại”.

2 toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đặt ở depot Long Bình bị xịt sơn, vẽ bậy. Ảnh A.K.
2 toa tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đặt ở depot Long Bình bị xịt sơn, vẽ bậy - Ảnh: A.K.

Từ chiều 11/6, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết 2 trong tổng số 17 toa tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đặt ở depot Long Bình (thuộc TP. Thủ Đức) bị vẽ bậy. Nét vẽ bằng sơn xịt, mang bóng dáng của graffiti (nghệ thuật vẽ tranh tường) - thuộc nhóm các loại hình nghệ thuật đường phố được giới trẻ yêu thích.

Trên thế giới, graffiti xuất hiện từ khá sớm và luôn gây ra tranh cãi bởi một bộ phận người trẻ “chiếm dụng” tường nhà dân, những bức tường trống khu vực tàu điện ngầm, trạm điện thoại... làm nơi sáng tạo. Họ vẽ trong lén lút, không được sự đồng thuận từ chủ nhà, chính quyền nên suốt nhiều năm qua, graffiti bị xem là “mỹ thuật phá hoại”.

Du nhập vào Việt Nam, loại hình nghệ thuật này vẫn không khác với những bức tường chi chít nét vẽ nghệch ngoạc, trống đâu vẽ đó, làm mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ đam mê tìm cách đưa graffiti đến gần hơn với công chúng, để graffiti được công nhận là nghệ thuật chân chính, không phải là vô tri, phá hoại.

Những nét vẽ phác thảo tại chung cư Nguyễn Đình Chiểu
Những nét vẽ phác thảo tại chung cư Nguyễn Đình Chiểu trước khi lên màu chính thức

Nỗ lực này các nhóm các bạn trẻ không đơn độc khi Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TPHCM đã phối hợp với Hội đồng nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia tổ chức dự án Saigon Urban Arts 2021. Đây là hoạt động nhằm tạo ra sân chơi đúng nghĩa cho những bạn trẻ yêu thích graffiti, và mang lại cái nhìn tích cực hơn cho nghệ thuật đường phố.

Liên tục trong 2 năm, các cuộc thi, triển lãm, toạ đàm về graffiti được tổ chức. Tại TPHCM, mảng tường tại chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu và villa 48 Nguyễn Đình Chiểu (cùng thuộc phường Đa Kao, quận 1) được phủ lên 2 bức tranh graffiti mang thông điệp ca ngợi hòa bình.

Mọi cố gắng từ cộng đồng graffiti chân chính nói chung và Saigon Urban Arts 2021 nói riêng đạt được một số kết quả nhất định nhưng nay, khi những người trẻ vô ý thức khác bạ đâu vẽ đó, dư luận lại bất bình, "ném đá" graffiti.

Cuối năm 2017, toa tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy.
Cuối năm 2017, toa tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy

Khó có thể khẳng định 2 toa tàu Metro 1 kia được xịt vẽ bởi những người trẻ nghiêm túc với graffiti,  nhưng chắc chắn đây là hành vi phá hoại, gây ra những tổn thất tài chính, tổn hại tài sản quốc gia.

Vào cuối năm 2017, khi tuyến tàu sắt Cát Linh - Hà Đông đang dần hoàn thiện, những hình ảnh graffiti cũng xuất hiện trên thân tàu khiến dư luận bức xúc. Chủ đầu tư thời điểm đó phải mời chuyên gia để tẩy xoá, lấy lại màu sơn ban đầu của thân tàu. Việc này vô cùng tốn thời gian và chi phí.

Ban quan lý công trình tàu sắt Cát Linh - Hà Đông thừa nhận việc buông lỏng quản lý, chưa giám sát kỹ nên mới xảy ra sự vụ phá hoại gây thiệt hại. Nhưng kết quả này không chỉ từ sự buông lỏng quản lý mà còn từ phía những người vẽ vô ý thức, cố tình phá hoại. Để răn đe những cá nhân này, cần áp dụng các chế tài mạnh, đủ sức tạo ra bài học chung cho cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó là việc giáo dục ý thức.

Không dễ để tạo nên cộng đồng những người đam mê graffiti chân chính, văn minh ngoài việc họ phải tự giác nâng cao ý thức của chính bản thân và cộng đồng của mình. Những người chơi graffiti luôn mong được mọi người công nhận thì điều đầu tiên, họ phải vẽ đúng nơi, đúng chỗ còn nếu thích vẽ bậy thì đừng nguỵ biện đó là sáng tạo bởi chúng là "rác phẩm" không phải tác phẩm!

Minh Tú 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI