Về Bắc Ninh: Một ngày nghe chuyện trăm năm

24/11/2021 - 06:38

PNO - Đình, chùa với tuổi đời hàng trăm năm tạo nên vẻ đẹp cổ kính, quyến rũ cho Bắc Ninh. Bỏ lại những xô bồ, ồn ào của phố thị, du khách có thể tìm thấy sự bình yên, tĩnh lặng trong tâm hồn khi được đắm mình trong những không gian hoài cổ này.

“Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh” (*)

Xe bon bon theo Quốc lộ 18 từ Nội Bài về Bắc Ninh. Những ruộng lúa bạt ngàn xanh mướt, những vườn cây xanh um tươi tốt thu hết vào tầm mắt. Đẩy nhẹ tấm kính chắn, tôi tranh thủ hít một hơi thật sâu, lòng chợt thấy nhẹ nhõm vô cùng. Tạm rời TP. Bắc Ninh, xe lên đường về Tiên Du, Thuận Thành - những nơi lưu giữ nhiều điều đặc biệt của mảnh đất này.

Đền Đô
Đền Đô

Xe chạy dọc theo sông Đuống - con sông mà thời học sinh ai cũng từng nghe qua ít nhất một lần. Sông mênh mông, nước lững lờ trôi. Chiếc thuyền câu xa xa chòng chành giữa biển nước khiến tôi chợt thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên. 

Ánh nắng rọi xuống mặt sông đôi lúc ánh lên những tia sáng bàng bạc đẹp mắt. Những rặng tre già run mình trước từng cơn gió. Hai bên đường, những ruộng ngô, khoai xanh tươi mơn mởn, cùng với đó là những vườn cây trái sum suê như hoàn chỉnh cho bức tranh quê đẹp giản dị và bình yên. Bao năm đã qua, sông Đuống vẫn đẹp, vẫn khiến người ta khắc khoải nhớ thương dẫu chỉ là lữ khách chứ không phải Hoàng Cầm - người con của mảnh đất này.

Vùng đất của những bảo vật quốc gia 

Chúng tôi chọn đến thăm những đình, chùa cổ ở Bắc Ninh. Xe rẽ phải, đi vào làng Đình Tổ. Tháp Bút cao cao vươn lên nền trời xanh báo hiệu điểm đến đầu tiên - chùa Bút Tháp. Tiếng lá xào xạc vang lên giữa không gian tĩnh mịch nghe bình yên đến lạ. Bước qua dãy nhà ngang phủ đầy rêu phong, gỗ đã sờn màu, khuôn viên chùa hiện ra hoành tráng với những mái ngói cong vút. 

Không ai biết chính xác chùa được xây dựng năm nào. Có tài liệu cho rằng chùa xuất hiện dưới đời vua Trần Thánh Tông vào khoảng thế kỷ XIII. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, khoảng năm 1647, chùa được hoàn thành theo kiểu nội công ngoại quốc, có quy mô, cấu trúc giống với hiện tại. Đây cũng là ngôi chùa cổ có cấu trúc còn tương đối hoàn chỉnh đến nay. 

Tượng Pháp Vân chùa Dâu - bảo vật quốc gia
Tượng Pháp Vân chùa Dâu - bảo vật quốc gia

Bên trong chùa Bút Tháp hiện lưu giữ bốn bảo vật quốc gia. Trong đó, không thể không nhắc đến bức tượng Bồ tát quan âm ngàn mắt ngàn tay được xem là tuyệt phẩm điêu khắc, với độ tinh xảo thể hiện qua từng chi tiết nhỏ. Trong khi đó, bộ ba pho tượng Tam thế với gương mặt phúc hậu mang đến cảm giác bình an. 

Nằm trong Tích thiện am, Cửu phẩm liên hoa gồm chín tầng, thể hiện chín kiếp tu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông… tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác… được khắc họa tinh xảo. Sắc vàng óng ánh nổi bật trên nền sơn đỏ trông thật bắt mắt. Chiếc cầu thang gỗ dẫn lên các tầng chỉ vừa một người đi. Sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử, ngay cả chiến tranh loạn lạc, từng bậc thang nhỏ vẫn hiện diện ở đây để kể câu chuyện về gu thẩm mỹ, trình độ chế tác điêu luyện của tiền nhân. Mùi hương trầm thoảng bay theo gió như xua tan những muộn phiền ngoài kia.

Men theo con đường nhỏ đầy cây xanh, chúng tôi đến chùa Dâu. Đây là ngôi chùa cổ xưa nhất tại Việt Nam (được cho rằng xây dựng vào khoảng đầu Công nguyên), dẫu các dấu tích đầu tiên đã không còn. Sắc nâu trầm ấm của gỗ pha màu cam đất của gạch ngói mang đến cảm giác ấm áp, gần gũi.

Trông xa, ngôi chùa có phần nhỏ bé với những lớp cửa tưởng chừng chỉ cao quá đầu người một chút nhưng bên trong lại rộng thênh thang. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được một số cột gỗ có tuổi đời hàng trăm năm. 

Càng tiến sâu vào trong, sự tĩnh mịch càng tăng. Trong ánh sáng vừa đủ tỏ tầm nhìn, bức tượng màu đồng hun cao gần 2 mét hiện lên với gương mặt phúc hậu, được mặc áo, đội nón đầy màu sắc. Đó chính là Pháp Vân, vị thần đứng đầu trong Tứ pháp - tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bức tượng này cũng chính là một trong những bảo vật quốc gia.

Bộ tượng Phật tam thế (bảo vật quốc gia) trong chùa Bút Tháp
Bộ tượng Phật tam thế (bảo vật quốc gia) trong chùa Bút Tháp

Gọi là chùa nhưng nơi đây là sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam trong buổi đầu sơ khai. Pháp Vân được thờ cúng rộng rãi nên chùa Dâu trở thành trung tâm tín ngưỡng của vùng và cả nước trong quá khứ.

Trước sự bỡ ngỡ của người khách phương xa, một phụ nữ địa phương tóc bạc phơ mời nước nói chuyện. Truyền thuyết về Man Nương - người phụ nữ được cho rằng khai sinh ra Tứ pháp được lần giở lại. Giữa không gian nhuốm màu hoài cổ, mỗi chuyện kể đều thú vị lạ kỳ. Chẳng ai xác tín được những câu chuyện ấy nhưng lòng tin vào điều thiện, sức mạnh con người và những mưu cầu hạnh phúc, bình an đều có giá trị. 

Cái nắng giữa trưa có phần gắt gỏng. Tuy nhiên, không gian xanh mát tại chùa Phật Tích đã xua tan tất cả. Cây bồ đề, cây đa to tướng phủ mát đường đi, với những bậc thang khá dốc dẫn lên chánh điện. Nếu hai ngôi chùa trước được xây trên địa thế bằng phẳng thì công trình này lại tựa vào vách núi, vẫn với cấu trúc nội công ngoại quốc đặc trưng.

Một điểm khá giống nhau ở những ngôi chùa này là dùng nhiều vật liệu gỗ, gợi sự mộc mạc, bình yên, hòa nhịp với thiên nhiên. Không gian chánh điện có phần rực rỡ với những chi tiết sơn son thếp vàng. Pho tượng Phật A Di Đà cao lớn ở đây có tuổi đời khoảng 1.000 năm cũng là tượng Phật cổ xưa nhất xác định được niên đại tại Việt Nam. 

Những đường nét mềm mại, uyển chuyển trên bức tượng như nói thay sự khéo léo, trình độ tay nghề đỉnh cao của ông cha ngày xưa. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lý - một giai đoạn rực rỡ trong lịch sử Việt Nam. So với tượng Phật của thời Đường tại Trung Quốc, tượng Phật nhà Lý thanh thoát, thon gọn hơn. 

Hát quan họ ở đền Đô
Hát quan họ ở đền Đô

Sân chùa là một khoảng rộng với những tán cây cao vút. Hai bên tòa tam bảo, những tượng đá phủ đầy rêu phong như điểm tô cho sự trầm mặc của nơi này. Mười pho tượng cũng chính là bảo vật quốc gia đang được chùa lưu giữ, gồm năm cặp linh thú: voi, trâu, sư tử, tê giác, ngựa. Chúng xuất hiện cùng lúc với ngôi chùa, vào khoảng năm 1057.

Phần lớn các bức tượng được chế tác từ đá nguyên khối tinh xảo, trừ con trâu bên trái được ghép từ hai tảng đá. Chúng đều liên quan mật thiết đến giáo lý nhà Phật, tượng trưng cho sức mạnh, tinh thần, sự giải thoát…

Nghe câu quan họ, đi tìm người thương

Cơn gió chiều cùng ánh nắng đã dịu đi tạo cho lòng người cảm giác khoan khoái. Đền Đô - nơi thờ tám vị vua nhà Lý - là điểm dừng chân cuối cho chuyến hành trình vỏn vẹn một ngày. Sự trang nghiêm, tĩnh mịch của đền khiến lòng người như lắng lại. Quanh đền, nơi nào cũng nhuốm màu thời gian, như nhắc nhớ rằng sự bình yên của hiện tại là kết quả của rất nhiều biến cố, hy sinh trong lịch sử. 

Trên những chiếc thuyền rồng nơi thủy đình, các liền anh, liền chị đang ngân nga mấy làn điệu quan họ quen thuộc như muốn níu chân du khách. Chiếc thuyền nhẹ trôi theo nhịp chèo khua. Chúng tôi đã từng được nghe quan họ đôi lần tại Sài Gòn nhưng cảm giác được thưởng thức chúng ngay tại quê hương của nó thật khác. Có thể chính những dấu ấn trăm năm tại đây đã tạo nên một phần cảm giác nhớ thương, khắc khoải này. 

Những tia nắng cuối ngày dần tắt. Tiếng hát vẫn văng vẳng giữa tiếng người nhộn nhịp nơi sân đền trong một buổi chiều đẹp: “Ai về Nội Duệ, Cầu Lim/ Nghe câu quan họ, đi tìm người thương”. 

 Bài và ảnh: Thành Lâm

(*) Trích bài thơ Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI