Về An Giang thăm cặp cây “báu vật” trên 300 tuổi

11/10/2024 - 11:49

PNO - Đó là cặp cây vải thiều trên 300 tuổi ở chùa Svây Ta Hôn (huyện Tri Tôn, An Giang), được công nhận là “Cây di sản” vào năm 2013.

Sở dĩ, cặp cây vải thiều trên được người miền Tây ưu ái đặt cho cái tên “báu vật” là bởi, năm nào cả hai cây cùng ra trái thì năm đó thời tiết mưa thuận gió hòa, nông dân bội thu mùa màng và ngược lại. Cặp cây có tuổi đời trên 300 năm, được công nhận là một trong những cây cổ thụ lâu đời của miền Tây, đồng thời cặp cây đã soán luôn ngôi vị “cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam” của “cụ tổ” vải thiều (có tuổi đời hơn 200 năm) ở Hải Dương.

Được trồng trong sân chùa từ thời đất nước còn chìm trong chiến tranh, trải qua hàng thế kỷ, nếm trải biết bao mưa bom lửa đạn nhưng cặp cây vẫn bình yên vững chãi tỏa bóng mát trong sân chùa. Để gìn giữ và bảo tồn cây quý, năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm An Giang đã tổ chức lễ công bố và trao bằng "Cây di sản Việt Nam" cho 2 cây vải thiều này.

An Giang nói riêng và miền Tây nói chung không phải là đất… vải như Hải Dương, tuy nhiên, cặp cây vải phát triển rất khỏe mạnh, thẳng tắp và khá cao lớn với chiều cao trên 30m, tán rộng hơn 50m, thân to khoảng 3 - 4 người ôm mới xuể.

Theo người dân ở đây, thân lớn nhưng cây lại ra trái khá nhỏ, dù vậy, hương vị lại rất đặc biệt khiến những ai ăn một lần là nhớ mãi. Mùa vải chín, nhiều người lớn và trẻ con thường đến đây hái vải ăn và chơi đùa rất vui. Ngoài ra, vào những dịp lễ tết, người dân cũng thường hay đến chùa tụ tập vui chơi và khấn cầu “cụ” vải một năm thời tiết thuận lợi, vụ mùa bội thu.

Nếu có dịp ghé Tri Tôn, An Giang bạn hãy đến chùa để tận mắt ngắm và chụp hình check-in với “cụ” vải di sản.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham quan, khám phá kiến trúc đặc trưng của ngôi chùa Svây Ta Hôn xinh đẹp cũng như thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên ở hai bên đường đi, bất kể vào thời điểm nào trong năm.

Bài và ảnh: Lan Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI