Vay tiêu dùng sao cho hiệu quả?

17/08/2019 - 12:18

PNO - Vay tín chấp hoặc vay tiêu dùng là hình thức vay không cần tài sản thế chấp, giải ngân trong vòng 2-3 ngày, hạn mức cho vay cao. Nhưng để vay được tín chấp hiệu quả, an toàn, khách hàng cũng cần những lưu ý.

Điều kiện để vay tín chấp

Do không cần tài sản thế chấp nên uy tín của người đi vay vô cùng quan trọng. Đó còn gọi là điểm tín dụng. Khách hàng có điểm tín dụng cao sẽ được phê duyệt nhanh hơn, hỗ trợ vay cao hơn. Điểm tín dụng bao gồm các yếu tố: thu nhập, nơi công tác, vị trí làm việc, ngành nghề công tác, lịch sử trả nợ. 

Ngoài hồ sơ pháp lý cá nhân và chứng minh thu nhập thì lịch sử tín dụng là yếu tố khá quan trọng. Nếu khách chưa từng đi vay các tổ chức tín dụng sẽ không có lịch sử tín dụng. Khi khách có khoản vay là bắt đầu có thông tin tín dụng và lịch sử tín dụng. Hiện nay, các ngân hàng có thể kiểm tra thông tin tín dụng của khách thông qua cổng thông tin của Ngân hàng Nhà nước.

Vay tieu dung sao cho hieu qua?
Do không cần tài sản thế chấp nên uy tín của người đi vay vô cùng quan trọng

Nếu khách có lịch sử trả nợ chậm, không trả nợ dẫn đến nợ xấu ở một ngân hàng nào đó thì có khả năng không thể vay ở bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Khách phải chờ từ 3-5 năm, sau khi nợ xấu được xóa trên hệ thống thì mới có thể vay. Để có lịch sử tín dụng tốt, cần trả nợ đúng hạn quy định (bao gồm tiền gốc và tiền lãi), trả nợ đúng hạn các khoản phải thanh toán của thẻ tín dụng. Không nên trễ dù chỉ một ngày vì khách có thể trả thêm các khoản lãi phát sinh. 

Nhiều người nghĩ rằng chưa từng vay vốn ở đâu thì lịch sử tín dụng sẽ uy tín. Theo ông Đỗ Tấn Trúc - Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM - khách hàng chưa từng vay vốn không thể gọi là uy tín bởi không có lịch sử trả nợ trên hệ thống nên các ngân hàng khó đánh giá. Khách hàng phải vay từ 3-5 năm, trả nợ tốt mới gọi là uy tín. Cũng có khách hàng từng vay nhưng cứ chuyển ngân hàng liên tục. Với khách hàng không gắn bó như thế, các ngân hàng khó tin tưởng. 

Mức lãi suất mỗi nơi mỗi khác

Tùy theo khách vay tại ngân hàng hay công ty tài chính, công ty bảo hiểm nhân thọ mà lãi suất, thủ tục vay khác nhau. 

Nếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất của các ngân hàng này có điểm chung là khá ưu đãi, thấp hơn so với các tổ chức tài chính khác, dao động từ 12-16%/năm. Hạn mức cho vay tín chấp tối đa 15 tháng lương, thời gian vay từ 3-60 tháng, phương thức trả nợ tính trên dư nợ vay ban đầu. 

Để vay được tín chấp tại nhóm ngân hàng có 100% vốn nước ngoài hoặc ngân hàng nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam, thường khó hơn. Chẳng hạn, khách hàng phải có thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng và chuyển khoản qua ngân hàng hoặc khách phải đang sở hữu thẻ tín dụng của ngân hàng đó. Bù lại, khách được vay đến 10 lần lương và tối đa 500 triệu đồng, kỳ hạn vay linh hoạt từ 12-60 tháng, giải ngân nhanh (2-3 ngày), không cần bảo lãnh của công ty. Khách vay tại nhóm ngân hàng này còn được ưu tiên cấp thẻ tín dụng. 

Vay tieu dung sao cho hieu qua?
Nhiều ngân hàng, công ty tài chính cải tiến cho vay tín chấp trực tuyến, giờ đây khách hàng có thể tham khảo hợp đồng, khoản vay qua các ứng dụng

Ở các công ty tài chính, do không được huy động vốn từ khách hàng cá nhân như ngân hàng mà phải huy động vốn đầu vào từ ngân hàng và doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay tương đối cao hơn. Thế nhưng, lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào nguồn vốn huy động rẻ hay đắt.

Ví dụ, Công ty Tài chính Prudential Finance có được nguồn vốn hỗ trợ từ công ty mẹ là Công ty Bảo hiểm Prudential, HD Saison có nguồn vốn từ ngân hàng HD Bank… đồng nghĩa với việc các công ty này có nguồn vốn giá rẻ nên lãi suất cho vay sẽ thấp hơn so với một số công ty tài chính khác. Có công ty tài chính có lãi suất từ 18-35% nhưng có những công ty có lãi suất 40-50%. Mức lãi suất này tương đương mức lãi suất vay qua thẻ tín dụng của các ngân hàng hiện nay (22,9-35%). Trong khi đó, thủ tục vay tại các công ty tài chính dễ hơn, giải ngân nhanh hơn. 

Ngoài ra, hiện các công ty bảo hiểm có nhiều gói vay tín chấp qua bảo hiểm nhân thọ với mức lãi suất rất thấp: từ 1,66%/tháng. Theo đó, khách chỉ cần đóng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực từ một năm trở lên đều được hỗ trợ vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện cũng cho vay tín chấp dựa trên hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của khách. Hình thức vay này có nhiều ưu điểm: khách không cần chứng minh thu nhập, có khoản vay lớn gấp 100 lần phí đóng hằng tháng, thời gian vay linh động từ 6-36 tháng, duyệt hồ sơ nhanh trong vòng 2-3 ngày, có thể trả trước hạn bất cứ lúc nào, miễn toàn bộ phí làm hồ sơ vay. 

Ngoài cho vay tín chấp tiền mặt, các ngân hàng và công ty tài chính còn cho vay thông qua hình thức phát hành thẻ tín dụng với tính năng rút tiền miễn phí (trước đây khoảng 3-4%/lần rút), rút được 90% hạn mức thẻ, lãi suất ưu đãi 1,4-1,8%/tháng. Hồ sơ mở thẻ tín dụng tương đối dễ hơn thủ tục vay. Tại một số công ty tài chính, khách hàng đã từng mua hàng trả góp sẽ được hỗ trợ mở thẻ tận nơi trong vòng 3 ngày. 

Cần lưu ý gì?

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết: “Các ngân hàng hiện nay quản lý theo KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc), tức là giao chỉ tiêu huy động, cho vay, phát hành thẻ. Để đạt được chỉ tiêu, nhiều nhân viên sẽ tìm mọi cách để chiêu dụ khách vay, mở thẻ, thậm chí tư vấn lập lờ về các khoản phí, lãi suất. Trong khi đó, kiến thức về sử dụng thẻ tín dụng của người dùng vẫn chưa đủ, dẫn đến nhiều thiệt hại”.

Việc miễn phí rút tiền tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được nguồn vốn khi cần. Tuy nhiên, khách cần tìm hiểu kỹ thẻ đó được miễn phí rút trong điều kiện nào, rút ở đâu, thời gian giảm lãi suất là bao lâu để tránh phí oan uổng. Các tổ chức tín dụng thường đưa ra thông báo ưu đãi giảm phí khi rút tiền, giảm lãi suất nhưng không cho khách biết các chương trình trên có thời hạn rất ngắn, sau đó mức phí và lãi suất sẽ trở về như cũ. Một số công ty tài chính chỉ miễn phí rút tiền tại bưu điện nhưng để miễn phí, khách hàng phải đăng ký thông qua số tổng đài. 

Khi vay tín chấp tại công ty tài chính, nên vay số tiền nhỏ dưới 50 triệu đồng và thời gian ngắn hạn từ hai năm trở lại, không nên vay số tiền lớn vì lãi suất khá cao. Nên tham khảo nhiều tổ chức tín dụng để có thể so sánh mức lãi suất nhưng cần tìm hiểu kỹ. 

Các tổ chức tín dụng đều sử dụng lãi suất giảm dần trên dư nợ gốc. Nên nhờ nhân viên tư vấn tính thử mỗi tháng cần trả bao nhiêu. Nên sử dụng công cụ tính khoản vay trên website của các tổ chức tín dụng để tham khảo, đối chiếu với thực tế trong hợp đồng. Khi ký hợp đồng, phải xem mức lãi suất ghi trên hợp đồng có đúng như nhân viên tư vấn hay không, số tiền phải trả hằng tháng có đúng với tính toán của nhân viên đã tính trước không… 

Xuất hiện nhiều ngân hàng, công ty tài chính... ma

Hiện có nhiều công ty chỉ có chức năng kết nối thông tin, tư vấn tài chính nhưng lại tự nhận là công ty tài chính, tạo nhiều ứng dụng (app) để cho vay với lãi suất “cắt cổ” đến 730%/năm, phương thức đòi nợ bằng cách hăm dọa, khủng bố khách hàng. Thậm chí thời gian qua, trên thị trường xuất hiện nhiều “ngân hàng”, “công ty tài chính” có tên lạ như An Tâm Bank, BV Credit, Shark Credit…

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết: “Hiện tại trong hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam không có “ngân hàng” hoặc “công ty tài chính” nào có các tên gọi trên. Đó đều là các tổ chức “ma”, do họ tự phong để lừa người vay. Khách hàng trước khi vay tín chấp tại các tổ chức tín dụng, nhất là các công ty tài chính, cần tra soát trên hệ thống Ngân hàng Nhà nước xem tổ chức đó có được cấp phép và chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước không”. 

Thanh Hoa

Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua email:   tuvantaichinh@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI