Mặc dù Hội Phụ nữ các cấp đã nỗ lực tuyên truyền giúp chị em thấy rõ bản chất của các dịch vụ cho vay tiêu dùng nhanh, tín dụng đen, cho vay nặng lãi... nhưng nhiều chị vẫn tự mình rơi vào cái “bẫy” nợ nần, mất khả năng chi trả, bị chủ nợ gây áp lực, siết nợ, đe dọa...
Quên mình đang... thiếu nợ!
Mới đây, chị N.T.H., ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM, đã tìm đến Báo Phụ Nữ xin được “cứu giúp”. “Chuyện là năm 2013 tôi có vay 45 triệu đồng làm vốn mở xưởng may. Năm đầu tiên tôi trả nợ đúng cam kết, mỗi tháng trả hơn 2 triệu đồng và đã trả được hơn 25 triệu đồng. Nhưng sau đó, do làm ăn thất bại, tôi không có tiền trả nữa. Công ty có nhắc nợ ba lần rồi thôi nên tôi… quên. Đến tháng 9/2019 vừa qua họ ra thông báo đòi nợ xấu với số tiền lên đến 170 triệu đồng” - chị H. sụt sùi.
Xác minh vụ việc cho thấy, số tiền mà chị H. phải trả đã được thỏa thuận trong hợp đồng mà chị đã ký với công ty tài chính. Theo đó, chị H. sẽ phải trả tiền vay và lãi suất 1,85%/tháng trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, sau khi trả được nửa đoạn đường thì chị H. không tiếp tục trả nữa. 170 triệu đồng là các khoản tiền gốc, lãi và phí phát sinh do vi phạm hợp đồng trong 49 tháng tính từ thời điểm chị H. không tiếp tục trả nợ.
|
Để cảnh tỉnh chị em về việc vay nặng lãi, các buổi truyền thông được Hội LHPN Q.6 đưa về tận các khu phố |
Được phân tích rõ về khoản tiền phải trả, chị H. nước mắt lưng tròng, đưa tay đấm vào ngực mình thùm thụp tự trách mình... dại.
Tình trạng “quên” trả nợ là khá phổ biến. Bà N.T.K., ngụ Q.Gò Vấp, vay 35 triệu đồng của một tổ chức tín dụng để mua xe máy. Trả nợ được 9 tháng thì bà mất khả năng chi trả. Sau khi bị gọi điện và gửi thư đòi nợ nhiều lần thì bà K. hủy số điện thoại cũ và chuyển chỗ trọ. Sau hai năm tìm kiếm, tháng 8/2019 vừa qua, tổ chức tín dụng đã gửi thư đòi nợ về nơi thường trú của bà tại Vĩnh Long. Lúc này bà K. mới tá hỏa vì số nợ lên đến gần 100 triệu đồng, gấp nhiều lần khoản nợ.
Hội đã nỗ lực truyền thông... Thời gian qua, Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ tan cửa nát nhà khi vay tiêu dùng nhanh, tín dụng đen, vay nặng lãi… Cụ thể, để đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN Q.11 đã phối hợp với công an quận thực hiện truyền thông về phòng, chống tội phạm cho vay nặng lãi và tội phạm lừa đảo qua mạng trong cán bộ, hội viên với hàng chục cuộc, thực hiện từ cấp quận đến cấp phường. Phía công an đã phân tích để chị em thấy bản chất, thủ đoạn của cho vay nặng lãi để giúp chị em hiểu được sự nguy hiểm mà cảnh giác. Tương tự, tại Q.4, Hội LHPN quận đã phối hợp với ngành công an tổ chức tọa đàm về nguy cơ rơi vào “bẫy” nợ nần cho nhóm chị em lao động tự do có nhiều thời gian nhàn rỗi từ cấp quận đến các phường. Tại quận 5, các buổi truyền thông chống tín dụng đen còn được đưa về tận khu phố. Từng khu phố thuộc 15 phường còn lập quỹ từ tiền nhàn rỗi để giúp chị em nghèo khi hữu sự… Tuy nhiên, những hoạt động của Hội Phụ nữ vẫn không thể ngăn chặn hết được vấn nạn cho vay nặng lãi. Bà Lương Thanh Trúc nói rằng, trong khi Hội Phụ nữ nỗ lực truyền thông về tác hại của việc vay tín dụng đen và giới thiệu các nguồn vốn của Hội thì các nhóm cho vay nặng lãi cũng đổi hình thức “tiếp thị”. Họ “tấn công” nạn nhân qua tin nhắn điện thoại, qua Facebook, Zalo, gửi danh thiếp đến tận nhà, tận tay chị em ở các ngã tư, ở chợ, công sở, trường học… Họ “giải ngân” chỉ trong vòng 1-2 tiếng mà không cần thủ tục ràng buộc gì với người vay… |
Tương tự, cách nay ba năm chị N.T.P.T., ngụ Q.Bình Thạnh, vay tín dụng đen hơn 60 triệu đồng để làm ăn. Đến nay chị đã trả tổng cộng gần 400 triệu đồng nhưng vẫn chưa hết nợ. Cuối cùng chị phải bán nhà và bỏ trốn. Hay tin con gái bị truy sát vì nợ nần, bà Thúy, mẹ chị T., gọi đến Báo Phụ Nữ nghẹn ngào: “Tôi không kêu cứu cho con gái tôi, mẹ con nó dắt díu nhau đi trốn nợ biệt tăm rồi, nhà cũng đã mất. Nhưng tôi mong Báo Phụ Nữ hãy lên tiếng cảnh tỉnh những chị em khác đừng dại dột chui đầu vào cái “rọ” tín dụng đen, vay tiêu dùng dễ dàng, vay nặng lãi... mà tan cửa nát nhà”.
Đừng tự mua dây buộc mình!
Dù các công ty tài chính - chủ nợ của chị H., chị T. và bà K. - đang hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép, nhưng theo phân tích của bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - thực chất lãi suất vay tiền của các hợp đồng là không hề “rẻ” như chị em lầm tưởng.
Thông thường, để đảm bảo khoản vay, khi vừa ký hợp đồng, họ đã buộc người vay chi trả tiền bảo hiểm với số tiền xấp xỉ 7-10% của khoản vay. Sau đó, nếu vi phạm hợp đồng, họ sẽ nhân thêm phí phạt hợp đồng.
Bà Trúc khuyên các chị em “đừng tự mua dây buộc mình” mà phải cân nhắc thật kỹ khi quyết định vay một khoản tiền nào đó và chỉ vay khi thật cần thiết. Bà Trúc cũng cho biết, nhiều trường hợp đi vay chỉ để làm đẹp, mua sắm trang sức, mua đồ thời trang... để rồi khi đổ nợ, các chị phải bán đổ bán tháo món đồ mình đã sắm cũng không được 1/100 khoản tiền phải trả.
Trong các cuộc truyền thông, bà Quách Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội LHPN Q.8 - luôn cảnh báo, đi vay nợ và để vỡ nợ hầu hết đều là lỗi của chính các chị em, bởi các chị chính là “tay hòm chìa khóa”, nắm rõ từng khoản thu nhập và chi tiêu cho cuộc sống của gia đình.
Nguyên tắc bao đời nay là “có vay có trả”, nên cho dù vay tiền để làm gì thì các chị cũng cần tính đến việc trả nợ, trả lãi. Và để gìn giữ mái ấm gia đình, các chị em tuyệt đối đừng bao giờ dính vào tín dụng đen bởi khi vỡ nợ, không ai cứu nổi.
Vay tín chấp đúng luật vẫn dễ lún nợ và có nguy cơ bị khởi kiện Cho vay tín chấp, vay tiêu dùng nhanh của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính là hoạt động hợp pháp và lãi suất cao. “Hợp pháp” là vì luật pháp hiện hành cho phép các hoạt động này (theo quy định của Bộ Luật dân sự và Luật Các tổ chức tín dụng). Còn “lãi suất cao” là vì lãi suất vay tín dụng, không thế chấp, dù được chia rất nhỏ thì khách hàng vẫn phải chịu lãi suất rất cao. Tôi xin chia sẻ về trường hợp của một thân chủ mà tôi tư vấn pháp luật để thấy rõ về thực chất của hình thức vay nợ này: chị Chi là một người nội trợ tại Q.12. Tháng 6/2019, chị vay tín chấp của một tổ chức tín dụng tại Q.Tân Bình một khoản tiền là 33 triệu đồng, nhưng bị trừ hơn 1,8 triệu đồng tiền bảo hiểm khoản vay, nên thực nhận chỉ còn hơn 31 triệu đồng. Theo hợp đồng vay, chị Chi phải trả góp toàn bộ gốc và lãi trong 24 tháng, mỗi tháng 2.143.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền chị Chi phải trả đúng hợp đồng là 51.432.000 đồng, chưa kể tiền bảo hiểm khoản vay. Sau 3 tháng trả nợ, chị muốn tất toán khoản vay và được cho biết phải trả thêm 34.095.000 đồng. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 4 tháng, chị Chi đã phải trả hơn 7,3 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay 33 triệu đồng (thực chất chỉ nhận hơn 31 triệu đồng), lãi suất xấp xỉ 6%/tháng, cao gấp 4,3-7,5 lần so với lãi suất ngân hàng (hiện chỉ từ 0,8 đến 1,4%/tháng). Vì sao các chị em dễ lún nợ, vỡ nợ và bị kiện ra tòa? Đó là do chủ quan, ngây thơ của người vay. Trong từng điều khoản hợp đồng, người ta đã chi tiết việc trả nợ, trả lãi ra sao, quy định cả việc trả chậm sẽ bị tính phạt; tháng nào không trả sẽ bị cộng dồn tiền lãi vào tiền gốc, lũy tiến thành lãi suất mới… Cho nên không thể có chuyện “không ngờ nợ phát sinh nhiều như vậy”. Vấn đề ở đây là khi vay các chị đã không tính đến việc trả nợ. Đến khi bị đòi nợ, bị khởi kiện thì chị em mới tá hỏa vì khoản nợ từ vài chục triệu đã phát sinh thành hàng trăm triệu. Các chị trách không ai nhắc nợ. Xin thưa, nợ vẫn còn thì chủ nợ được quyền đòi. Hơn nữa, hợp đồng vay thường kéo dài từ 18-36 tháng thì phải hết thời hạn này các công ty tài chính, ngân hàng mới có thể khẳng định nợ xấu và khởi kiện. Theo đúng luật, thời hạn hai năm kể từ ngày kết thúc trong hợp đồng, họ vẫn còn quyền khởi kiện... Nói tóm lại, có vay nợ thì phải trả. Việc trả nợ là nghĩa vụ bắt buộc. Luật sự Đoàn Trọng Nghĩa (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM) |
Nghi Anh