Ngư dân bỏ tàu, mặc ngân hàng xử lý
Ngư dân T.C. tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, trước đây, do vốn liếng có hạn nên ông chỉ dám đầu tư những con tàu gỗ công suất vài trăm CV (mã lực). Nhờ có Nghị định 67 (hỗ trợ ngư dân vay 95% giá trị con tàu với lãi suất ưu đãi để đóng tàu sắt), ông C. trở thành ông chủ lớn của chiếc tàu sắt hiện đại có giá gần 10 tỷ đồng, với công suất trên 811CV, tải trọng trên 200 tấn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn khi ra khơi.
|
Nhiều tàu rơi vào tình trạng cứ ra khơi là lỗ, khiến ngư dân không có nguồn thu để trả nợ |
Thế nhưng, tàu đưa vào hoạt động chưa lâu, nguồn thủy hải sản suy giảm, việc khai thác không hiệu quả, lại thêm dịch COVID-19 khiến giá nhiều loại hải sản bị giảm phân nửa. Chi phí (nhiên liệu, tiền công cho ngư phủ…) mỗi chuyến vươn khơi của ông C. dao động gần 100 triệu đồng, nhưng thu về chỉ được 1/3, càng ra khơi càng lỗ. Chiếc tàu sắt của ông C. nằm bờ nhiều ngày nay.
“Mỗi năm phải trả lãi ngân hàng gần 1 tỷ đồng, chia làm nhiều kỳ. Nhưng do không đủ tiền đóng lãi, khoản vay của tôi đã chuyển thành nợ xấu, bị ngân hàng “hăm he” thu tàu, khởi kiện” – ông C. nói.
Ngoài Cà Mau, tình trạng nợ xấu do vay đóng tàu rồi khai thác không hiệu quả còn xảy ra tại các tỉnh có vùng biển trên khắp cả nước. Đã có chủ tàu vì vay “quá tay”, nhưng khai thác không hiệu quả, không trả được nợ, rơi vào nợ xấu nên buộc ngân hàng phải khởi kiện.
Một ngư dân tại ấp 3 xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre được ngân hàng BIDV hỗ trợ vay 9,794 tỷ đồng để đóng tàu, làm dịch vụ hậu cần nghề cá (cung cấp nước ngọt, nhiên liệu cho tàu cá trên biển và vận chuyển thủy hải sản đánh bắt được vào bờ). Tuy nhiên cũng lỗ liên tục thời gian dài nên ngư dân này mất khả năng chi trả, tàu đành nằm bờ.
“Tôi chỉ mới trả nợ ngân hàng được 1,3 tỷ đồng thì không còn gồng nổi nữa. Mới đây ngân hàng đã khởi kiện để xử lý thu hồi nợ và hiện tòa án đang thi hành án” – ngư dân này nói.
Ngân hàng cũng vướng thế khó
Nghị định 67 rất được kỳ vọng giúp hiện đại hóa nghề cá, hỗ trợ nhiều cho ngư dân bám biển giữ các ngư trường tại biển Đông. Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu ngày càng gia tăng do ngư dân hoạt động không hiệu quả. Riêng ngân hàng thì cũng gặp khó trong việc thu hồi nợ từ tài sản là tàu thuyền, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngân hàng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Cà Mau, đến nay các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 34 chủ tàu (10 tàu thép, 17 tàu gỗ, 7 tàu composite) với tổng số tiền cam kết cho vay là hơn 357 tỷ đồng.
“Hiện có không ít tàu hoạt động thua lỗ, cầm chừng vì khai thác hải sản trên biển đã không còn thuận lợi, nguồn thủy hải sản tự nhiên đã cạn kiệt nghiêm trọng do ngư dân ta còn khai thác theo kiểu tận diệt, số lượng tàu đánh bắt khá dày. Tính đến 31/12/2019, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là 308 tỷ đồng, trong đó nợ xấu hơn 146 tỷ đồng” – NHNN chi nhánh Cà Mau thông tin.
|
Hiện rất nhiều tàu vỏ sắt đóng mới nhưng phải nằm bờ vì hoạt động không hiệu quả |
Theo ông Lê Huỳnh – Phó giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Cà Mau, hiện ngân hàng BIDV đang cho vay theo Nghị định 67 là hơn 140 tỷ đồng. Trong đó, 70-80% ngư dân vay đóng tàu lớn đều gặp khó khăn do khai thác không hiệu quả, 20% còn lại khai thác được nhưng đều là các tàu nhỏ.
“Những khoản vay nợ quá hạn nhiều lần sẽ bị ngân hàng chuyển thành nợ xấu vì hiện chưa có cơ chế của Nhà nước về giữ nguyên nhóm nợ đối với lĩnh vực này” – ông Lê Huỳnh nói.
Trước đây, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cấp bảo hiểm trước cho ngư dân, sau đó Nhà nước hỗ trợ thanh toán lại. Hiện cơ chế hỗ trợ này đã bỏ nên việc mua bảo hiểm khó khăn do doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu ngư dân phải thanh toán tiền trước mới bán. Thậm chí vì sợ rủi ro, các doanh nghiệp bảo hiểm còn thông báo ngừng bán. Trong khi đó, đối với tàu có vốn vay từ Nghị định 67 bắt buộc phải mua bảo hiểm trước khi ra khơi. Nếu không mua được bảo hiểm thì ngân hàng “buộc chân” không cho tàu hoạt động.
Nhưng điều khiến các ngân hàng lo ngại là hoạt động thu hồi nợ từ tài sản tàu thuyền gặp rất nhiều gian truân so với các loại tài sản khác.
Theo ông Lê Huỳnh, hiện có hai chiếc tàu sắt vay tại BIDV đang đậu bờ không còn hoạt động, đã gỉ sét, ngư dân để ngân hàng xử lý, nếu có thưa kiện thì họ cũng chấp nhận. Hiện Chính phủ cũng có cơ chế chuyển nhượng tàu vay theo Nghị định 67 nhưng người chuyển nhượng thấy không hiệu quả nên họ không dám nhận. Nếu về lâu dài mà ngư dân không trả nợ buộc các ngân hàng phải kiện ra tòa để bán phát mãi tàu, mặc dù biết rằng giá trị định giá thấp hơn giá trị vay, nhưng có còn hơn không vì tàu sắt để lâu sẽ hư mục. Thậm chí có nhiều con tàu khi bán phát mãi nhiều năm cũng không có doanh nghiệp nào dám mua do từng có người tử nạn trên tàu.
Trước thực trạng này, các ngư dân đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ thêm kinh phí bảo trì. Ví dụ lưới đánh bắt trang bị cho tàu cây kinh phí ít, nhưng lưới đánh bắt dành cho tàu sắt phải đầu tư từ 4-5 tỷ đồng. Khi lưới rách, nếu ngư dân tái đầu tư thì hụt vốn, dẫn đến không có vốn để khai thác tiếp.
Ngoài ra cần cho vay thêm để tái cơ cấu hàng năm, kéo dài thêm thời gian cho vay đến 20 năm thay vì 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu, 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vật liệu mới. Đồng thời khi phát sinh không khai thác hoạt động được thì ngân hàng vẫn hỗ trợ lãi suất giống như cho vay ban đầu, không tính quá hạn. Chi phí bảo hiểm cũng nên hỗ trợ 100% như trước.
“Tất cả kiến nghị này của ngư dân đều trình lên Chính phủ nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng nên các ngân hàng không có cơ sở để hỗ trợ ngư dân” – ông Lê Huỳnh nói.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 gia tăng theo từng năm, ví dụ trong năm 2007 tỷ lệ nợ xấu là 3% nhưng đến năm 2018 tăng lên 17%. Nhưng tính đến cuối năm 2019 tỷ lệ nợ xấu là 33% với tổng dư nợ cho vay khoảng 10.500 tỷ đồng. |
Thanh Hoa