Từ ý tưởng đến hơn 100 lần… thất bại
Năm 2017, anh Biết vào TP.HCM lập nghiệp và thường xuyên đăng ký các phong trào khởi nghiệp nhưng đều… không thành công. Trong một lần nhận cá từ quê nhà gửi vào “chi viện”, trong lúc đánh vảy cá, anh Biết phát hiện dưới ánh mặt trời, vảy cá óng ánh rất đẹp. “Sao mình không làm gì từ những chiếc vảy lung linh này?” - anh nghĩ. Bắt đầu từ ý tưởng ốp vảy cá vào tranh cá, chủ yếu tạo sự sống động, chân thật cho bức tranh, sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, sản phẩm tranh cá của anh đã được chào đón.
|
Hoa từ vảy cá càng tươi và đẹp hơn khi được tưới nước |
Trong quá tình sản xuất tranh, anh Biết nhận ra nhiều vảy cá có độ cong, có hoa văn đẹp và rất giống cánh hoa. Từ đó, ý tưởng làm hoa từ vảy cá ra đời.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thử nghiệm, dự án hoa vảy cá gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là làm sao khử được hết mùi tanh của vảy cá. Mọi phương pháp đều thất bại, từ ngâm hóa chất, luộc vảy cá ở nhiệt độ cao, sử dụng dung dịch khử mùi… “Làm sao để khử toàn bộ mùi tanh của vảy cá nhưng vẫn giữ được lớp xà cừ óng ánh trên vảy cá là điều tôi trăn trở nhất. Cuối cùng, việc đưa enzim từ trái thơm nữ hoàng để triệt tiêu mùi tanh của vảy cá đã được áp dụng và thành công” - anh Lê Ngọc Biết chia sẻ.
Giải quyết xong mùi tanh, việc nhuộm màu cho vảy cá cũng khiến anh Biết “bạc tóc”, khi công thức sơn trực tiếp, dùng thuốc nhuộm tóc… đều thất bại.
Sau hơn 100 lần thử nghiệm, phương pháp ép màu theo đúng yêu cầu anh mong muốn đã thành công. Nhóm nghiên cứu của anh Biết đã nhuộm vảy cá trong điều kiện áp suất, nhiệt độ cao… qua nhiều lần canh chỉnh để tìm nhiệt độ phù hợp. Với công thức này, vảy cá có thể bền theo thời gian vì màu đã ngấm sâu vào bên trong chiếc vảy.
Việc tẩy rửa mùi tanh và nhuộm màu cho vảy cá phải đảm bảo về mặt thẩm mỹ là điều tất yếu, song việc bảo vệ sức khỏe cho người chơi hoa cũng được anh Biết chú trọng khi những hợp chất tác động vào vảy cá đều có thể nếm được, ăn được trong quá trình chế tác.
“Chúng tôi có thể khẳng định sẽ bảo hành cho khách hàng trọn đời vì vảy cá đã nhuộm thì rất khó bay màu. Khi không sử dụng, khách chỉ cần đóng gói cẩn thận, lúc nào muốn chưng thì lấy ra tưới nhẹ hoặc phơi sương một đêm, tự khắc hoa sẽ nở và tươi tắn trở lại” - anh Lê Ngọc Biết cho biết.
|
Tranh cá đính vảy cá |
Tạo được công việc cho người khuyết tật và hơn thế…
Hiện tại, gia đình anh Biết sinh sống tại huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đang thu gom vảy cá từ người dân trong khu vực với mức giá từ 10.000-100.000 đồng/kg tùy kích cỡ vảy, sau đó sơ chế, chuyển vào TP.HCM tiếp tục gia công, chế tác. Vảy cá thường được lấy từ cá mai, cá chuồn, cá mối, cá mó, cá chép và loại to nhất là cá chép vua (còn gọi cá hô) để chế tác thành hoa hồng, hoa lan. Việc thu gom vảy cá đã góp phần không nhỏ cải thiện môi trường biển địa phương bởi các làng chài ở huyện Tuy An đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ vảy cá khó phân hủy.
Với công việc hiện tại, anh Biết đang nhờ sự hỗ trợ gia công sản phẩm của hơn 50 nhân viên. Đặc biệt, những nhân viên này đều là những người khiếm thính, khuyết tật chân. Anh Biết chia sẻ: “Chỉ cần các bạn có đôi tay khỏe, công ty sẽ đến đào tạo nghề tận nhà và giao nhận hàng hóa tại nhà, giúp các bạn không phải di chuyển khó khăn”.
|
Anh Lê Ngọc Biết bên những sản phẩm tâm đắc |
Chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (ngụ huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhân viên cửa hàng, chia sẻ: “Thông qua trung tâm giới thiệu việc làm, tôi biết đến anh Biết và xin đến đây làm việc. Ngày đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi phải uốn vảy cá thành cánh hoa, trong khi tay tôi chỉ khỏe một bên, tay còn lại rất yếu. Cũng nhờ các bạn trong cửa hàng tận tình hướng dẫn, tôi đã dần quen với công việc và tự tin hơn”.
Trái ngọt
Với sự cố gắng không mệt mỏi, nhóm nghiên cứu của anh Biết đã hái được quả ngọt, sản phẩm dần tiếp cận với nhiều người qua các cuộc thi khởi nghiệp và được đánh giá rất cao.
Hoa làm từ vảy cá có mức giá không chênh lệch quá nhiều so với giá cả các loại hoa giả trên thị trường. Tuy nhiên, với những bức tranh “khủng”, có số ngày thi công được tính bằng tháng, cùng nguyên liệu vảy cá thuộc hàng ngoại hạng từ những con cá nặng hàng trăm ký ở vùng sông Mê Kông, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, giá có thể lên đến hơn 100 triệu đồng.
|
Vảy cá nở hoa từ đôi tay khéo léo |
“Tôi từng bán một bức tranh cá dài 3m, các vảy cá đều phải lấy từ loài cá hô nặng 300kg ở tận vùng sông Mê Kông. Giá vảy cá không cao nhưng chi phí vận chuyển về rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, tranh cá được đính trên tấm gỗ nguyên khối dài hơn 3m và tốn gần 12 tháng để thực hiện, khiến giá trị bức tranh lên rất cao” - anh Biết cho hay.
Cửa hàng Vava nằm trên đường Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM) của anh Biết đang trưng bày nhiều mẫu mã tranh, hoa từ vảy cá, luôn trong tình trạng sản phẩm sản xuất không đủ tiêu thụ, các thợ gia công phải tăng cường cho kịp hàng khách đặt. “Khách mua tranh, hoa chủ yếu cho các dịp tân gia hoặc lễ, tết với phân khúc dao động từ 1-5 triệu đồng. Những bạn trẻ có nhu cầu tặng hoa cho nhau cũng thường ưa chuộng các loại hoa có giá từ 100.000-500.000 đồng/bó. Bên cạnh đó, do đây cũng là một loại hoa phong thủy (làm từ vảy cá chép) nên được nhiều người ưa chuộng mua về trang trí trên bàn làm việc, góc kinh doanh, cầu mong tài lộc” - chị Phạm Như Quỳnh, người đồng sáng lập Công ty cổ phần Vảy Vàng, chia sẻ.
Mỗi bức tranh có kích thước 50cm sẽ đính khoảng… 10.000 cái vảy. Hoa làm từ vảy cá gồm có hồng, tulip, địa lan, cúc đồng tiền, mai, đào được kết hợp với các sản vật từ biển như san hô, vỏ ốc xà cừ, nang mực, râu/vỏ tôm hùm, tảo biển… Sắp tới, chị Như Quỳnh cùng anh Ngọc Biết sẽ tiếp tục sử dụng những phế phẩm khác của biển quê nhà (nang mực, xương cá…) để tạo nên những sản phẩm nghệ thuật “không đụng hàng”. |
Hiện tại, thương hiệu tranh, hoa vảy cá Vảy Vàng của anh Biết đã xuất khẩu đi thị trường Nhật, Bỉ, Hà Lan và Mỹ.
Với sự cố gắng không ngừng, anh Biết không những đã biến vảy cá, một loại rác thải khó phân hủy với mùi hôi tanh, thành những bức tranh sinh động, những cánh hoa xinh đẹp, mà còn khiến bạn bè các nước thán phục sự khéo léo, thông minh của người Việt thông qua các sản phẩm được trưng bày tại nhiều quốc gia.
“Vảy cá nở hoa”, vùng đất gió biển lại thêm niềm vui mới, bà con làng chài có thêm thu nhập từ những thứ tưởng chừng bỏ đi, những người khuyết tật có thêm niềm tin yêu khi mình vẫn còn có thể làm đẹp cho đời.
Bài và ảnh: Tam Nguyên