Con gái ơi,
Sẽ đến một ngày ba trao đổi với con quan niệm về hạnh phúc. Thế nào là hạnh phúc? Một câu hỏi không dễ dàng có mẫu số chung, vì rằng, nó thuộc về cảm giác, chứ không hẳn sở hữu được những gì đã tận tai nghe, tay sờ, mắt thấy…
Thí dụ, hạnh phúc là được thưởng thức món ăn ngon, khoái khẩu, tận hưởng cả hương vị của thiên nhiên tuyệt vời trong miệng; rồi cảm thấy ngoài sân mây trắng hơn, gió mát hơn, tiếng chim hót cũng quyến rũ hơn. Ấy là những ngày tươi đẹp. Điều này đúng lắm, nhưng vẫn chưa đủ.
|
Hạnh phúc vốn không có công thức, nhưng bản chất hạnh phúc phải là niềm vui - Ảnh minh họa |
Vẫn chưa đủ? Xin cứ hỏi… ông Trạng Quỳnh. Rằng, ngày kia chúa Trịnh than thở do ăn không ngon nên ngủ không yên, mọi món ngon vật lạ trên đời dâng lên, chúa cũng chê ỏng chê eo. Ông Trạng Quỳnh nói rằng, có cách giúp chúa. Bèn mời chúa về nhà. Ngay lập tức, ông trổ tài nấu bếp. Có điều không rõ trạng nấu những gì mà từ sáng đến sẫm tối vẫn chưa xong. Hỏi thì ông đáp: “Chờ thêm một chút”.
Chờ mãi cũng thế, lúc đó, chúa đã đói lả bèn nói: “Có gì mang lên cũng được”. Được lời như cởi tấm lòng, Trạng dâng lên cơm hẩm, cá khô nhưng chúa cũng vét sạch niêu. Không chỉ thế, ăn ngon còn là lúc người ta toàn tâm toàn ý vào việc ăn, chứ không len lỏi vào đó những âu lo thấp thỏm, không yên...
Đã ăn ngon thì hạnh phúc còn là ngủ ngon. Ngủ đẫy giấc từ đêm tới sáng, thức dậy bao nhiêu là hưng phấn của ngày mới ùa tới. Kìa, xem một người ngủ trong resort đẳng cấp siêu sao, ngoài trời gió biển lồng lộng, trong phòng âm nhạc du dương, chăn êm lại nệm ấm. Kìa, xem một người ngủ trong nhà của mình, chẳng có tiện nghi gì ghê gớm cả.
Vậy, hai người này, ai ngủ ngon hơn? Đều y hệt nhau, không khác gì miễn là họ nhẹ nhàng, dễ dàng chợp mắt và ngủ sâu, không trằn trọc, hồi hộp, chập chờn mộng mị…
Thế thì, hạnh phúc là gì con gái ơi?
Là gì còn tùy vào lựa chọn của mỗi người. Trong sự lựa chọn ấy, ba biết chắc chắn rằng, dứt khoát hạnh phúc không đến với những ai “thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào”, thấy người ta sắm cái này, cái kia dù không có nhu cầu nhưng mình cũng bắt chước cho bằng được. Một khi cứ nhong nhóng đua đòi theo người khác, không có điểm dừng ắt hạnh phúc lùi gót và bất hạnh bước tới.
Có phải hạnh phúc chỉ dành riêng cho những ai may mắn? Có thể lắm, cứ xem kìa, có người mới lọt lòng cất tiếng khóc oe oe đã “đẻ bọc điều”, đã thừa hưởng một khối tài sản kếch xù, đã được trang bị lẫn hưởng thụ mọi vật chất tốt nhất. Con đường vào đời thênh thang rộng mở, đã thấy chân trời chói ngời ánh sáng. Vậy, những ai không như thế ắt số phận không mỉm cười, ắt tăm tối?
Chẳng phải đâu con!
Họ vẫn cảm thấy hạnh phúc nếu họ không cho rằng mình đang đi trên con đường hẹp. Điều này làm sao có thể nhận ra? Đơn giản lắm, hãy nhìn về những ai khác còn thua kém hơn, để thấy mình chưa hẳn đã “sinh ra dưới một ngôi sao xấu”. Nói cách khác, trong bất kỳ tình huống tồi tệ nào, con người ta vẫn còn có hạnh phúc, nếu họ nghĩ rằng, may mà mình chưa đến nỗi rơi vào điều tệ hại hơn nữa. Thế thì, tình huống này vẫn không là “cái đinh” gì, vẫn có cách tháo gỡ, không gì phải tuyệt vọng, la toáng lên...
Hóa ra hạnh phúc đơn giản thế ư? Vâng, chỉ có thế. Nhưng rồi không chỉ có thế, cái khó nhất vẫn là bản thân con phải thay đổi từ nhận thức. Thay đổi như thế nào có tính chất then chốt và bền vững dài lâu? Theo ba, vẫn là giữ lấy một tâm niệm xuyên suốt cả đời: hạnh phúc là lúc ta hài lòng với những gì đang có. Cái đang có này là do mình chủ động, tự do lựa chọn lấy nó.
Mà, cái đang có này ở mỗi người, chắc gì đã giống nhau. Không ai giống ai, có thể mình thấy hài lòng nhưng người khác lại không và ngược lại. Điều này rất đỗi bình thường để thấy rằng, dù tin hay không thì không một ai đứng trước tình cảnh mọi cánh cửa đều khép lại.Mọi cánh cửa trên trần gian này đều mở ra, vấn đề là sự lựa chọn lấy nó như thế nào, chứ không phải phăm phăm chạy theo, rượt theo cánh cửa mở của người khác.
Bao giờ các bậc làm cha làm mẹ cũng mong muốn cho con hạnh phúc. Vì lẽ đó, thông thường mọi kỳ vọng, hy vọng tốt đẹp nhất vẫn là sự gửi gắm bắt đầu từ cái tên, do đó, cái tên không chỉ nhằm phân biệt mỗi cá nhân trong xã hội mà còn có ý nghĩa đó nữa.
Giả sử rằng, về sau trên hành trình phấn đấu, người đó không đạt được ý nguyện như cái tên ba mẹ đặt cho thì sao? Thì vẫn không sao cả. Miễn là người đó đã sống, nỗ lực, tự ý thức về công việc của mình. Tất nhiên công việc đó không tách khỏi trách nhiệm đối với cộng đồng.
Mỗi người sinh ra đã là một bình hoa
Chịu trách nhiệm đã gắn gì vào đó
Cuộc đời tôi đã ý thức thế nào
Hỡi sắc hoa những gam màu rực rỡ?
Bài thơ này ba đã viết tặng cho con, nhằm nhắn nhủ: sắc hoa ấy thế nào, chính là sự phản ánh hạnh phúc của đời con. Tự con chọn bông hoa cho chính đời mình, chứ không vì đua đòi, cả nể hoặc bắt chước ai khác, miễn là con cảm thấy ưng ý và hài lòng.
Như ba đã nói, hài lòng với những gì đang có, chứ không phải đã có, hãy nhìn vào hiện tại, nhìn vào từng phút giây đang sống thì đó mới là cảm giác hiện hữu của hạnh phúc.
Hạnh phúc không đứng yên, nó vận động trong từng khoảnh khắc, vậy thì sự hài lòng của con cũng không dẫm chân tại chỗ. Hãy nhớ, đừng quên để có cách thích ứng, đổi mới theo nó, nói đúng hơn một khi con có sự chủ động lựa chọn thì hạnh phúc mới theo con mãi mãi.
Con gái ơi,
Hạnh phúc không là một thứ “đặc sản” có tính chất “đặc quyền”, “đặc lợi” dành riêng cho một ai mà ai ai cũng có thể tìm thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vậy, bản chất của hạnh phúc là gì? Vẫn là niềm vui sống. Cảm giác này có được vẫn là từ sự lựa chọn của chính mình.
Lê Minh Quốc