Người lớn nghĩ đơn giản rằng, hết dịch có thể đi học trực tiếp thì cho trẻ đến trường, mà quên rằng, đối với một đứa trẻ, để chuyển giao, thay đổi hình thức học tập là một hành trình không dễ dàng, cần có thời gian để “nhả” nhiều thói quen cũ, thích nghi với nền nếp mới.
Phải làm quen lại từ đầu
Chị Nguyễn Tú Linh, phụ huynh lớp Một một trường tiểu học quốc tế tại Q.7 (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi rất mừng khi sau tết con có thể đến trường song cũng khá lo lắng. Bởi lúc mới vào năm học, con chưa kịp biết bàn học, lớp học thì đã phải làm quen với máy vi tính và lớp học ảo tại nhà. Thời gian đó, cả mẹ và con đều vất vả để tập cho con có thể học. Sau một học kỳ, con gần như quen và thích nghi được với việc học online thì lại chuẩn bị học trực tiếp. Con phải đối diện với quá nhiều sự thay đổi khiến tôi trăn trở”.
|
Thầy cô, cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ tâm lý, thói quen khi chuyển giao từ học trực tuyến sang trực tiếp - ẢNH: PHÚC TRẦN |
Khi trò chuyện với các phụ huynh khác, chị Linh thấy nhiều người cũng có chung tâm trạng tội nghiệp và lo lắng cho con. Hiện, các con đã quen với việc đi học là bước trở vào phòng, ngồi vào chiếc bàn của mình, mở máy tính và nói chuyện với thầy cô, với bạn qua màn hình máy tính. Từ chỗ chưa vui, đến giờ con đã thích nghi, học tốt, biết đọc biết viết và đã quen với khái niệm đi học là sẽ làm tuần tự những bước như vậy. “Đến nay, con hình thành luôn thói quen tâm lý như lười ra ngoài, thích ở trong nhà. Rủ con đến trường để làm quen, con hỏi “đi học không phải vào phòng hả mẹ?”… Tôi biết hành trình để đưa con đến trường cần phải chuẩn bị nhiều, phải giải thích để con hiểu, làm quen dần với nền nếp mới. Từ việc đi học là ra cửa, đến trường, đến lớp học thay vì đi vào phòng như thời gian qua. Có lẽ sẽ khó khăn cho con”, chị Tú Linh trăn trở.
Chị Minh Phương có con gái học lớp Hai tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) kể, trước khi dịch xảy ra, bé rất thích ra ngoài cùng mẹ. Nhưng từ khi giãn cách phải ở nhà học online, đến nay, cô bé thích ở nhà hơn. Mẹ rủ ra ngoài liền nói là con chưa tiêm vắc-xin, hoặc sợ dịch. Thay vào đó, ngoài giờ học online, bé chuyển sang thích chơi các trò chơi trên máy tính, làm YouTube, xem ti vi… Mỗi ngày, con bé dùng điện thoại khoảng hai giờ cho việc học online và nhiều giờ làm bạn với các thiết bị công nghệ. Những ngày này, chị Phương phải tách con ra khỏi điện thoại, ti vi dần; tập cho con dậy sớm, thường xuyên chở con đi ngang trường học, rủ mẹ bạn học của con cùng đưa con đến công viên vào cuối tuần để giúp con có thể bớt sốc khi trở lại trường.
Cần có thời gian
Theo các nhà sư phạm, để chuyển giao từ hình thức học này sang hình thức khác là chuyện không dễ dàng với người dạy và nhất là người học. Nhiều thói quen, nền nếp bắt buộc phải thay đổi theo và cần có thời gian để học sinh thích nghi. Cũng như thời gian đầu phải làm quen với việc học trực tuyến, một mình đối diện với chiếc máy, thao tác vào lớp được thực hiện bằng tay, muốn phát biểu phải nhìn vào camera và nói… thì khi đi học trực tiếp, các con cũng cần thời gian y như vậy để quen với việc đi học là đến trường, tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè; mặc đồng phục, ra sân tập thể dục…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường quốc tế Hoàng Gia (Q.7), cho biết: Khi chuyển giao, các con cần thời gian thích ứng từ không gian học tập, nền nếp, giao tiếp… Tất cả những thay đổi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các con, kể cả tâm lý. Vì thế, thầy cô lẫn cha mẹ phải cố gắng cùng con thích nghi. Nhà trường cần có hướng dẫn để các con có thể hào hứng đến trường.
Để trẻ dễ dàng thích ứng với việc đến trường sắp tới, phụ huynh phải chú trọng xây dựng tâm lý cho trẻ ngay từ bây giờ. Cha mẹ thường xuyên nói với con về việc đến trường, giúp con dậy sớm để tạo ra “đồng hồ sinh học” cho bản thân, nhắc nhớ cho trẻ thời gian đến trường, tạo mối quan hệ giữa thầy cô, bạn bè thông qua những cuộc gọi hay đưa trẻ đến trường để tạo sự thích thú, tò mò về trường học. Các bậc phụ huynh cũng nên cùng trẻ chuẩn bị “hành trang đến trường” để trẻ cảm thấy đến trường là niềm vui và giúp trẻ biết được những dụng cụ cần thiết khi đến trường…
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ đã phải học online trong thời gian dài, bị lệ thuộc vào thiết bị điện tử, dần coi các thiết bị này là thứ không thể thiếu. Cái gì đã thành thói quen thì phải có thời gian để thay đổi từ từ. Nếu làm đúng cách thì khoảng hai tuần, trẻ sẽ bỏ được sự lệ thuộc vào máy tính, điện thoại. Việc thứ nhất cần làm là phụ huynh hãy giải thích nguy cơ xấu mà các thiết bị điện tử gây ra. Tiếp đến, phụ huynh phải làm gương cho con. Đừng bắt con không chơi máy còn bản thân mình thì suốt ngày xem điện thoại. Các thành viên trong nhà nên quy định thời gian sử dụng máy mỗi ngày. Hãy rủ con cùng chơi các trò vận động, tham gia sinh hoạt cùng gia đình để trẻ bận rộn và thấy cuộc sống còn nhiều điều ý nghĩa hơn là ngồi ù lì trên máy tính.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp JobWay, đưa ra lời khuyên, phụ huynh cần tận dụng thời gian nghỉ tết sắp tới để giúp con điều chỉnh dần. Cha mẹ có thể hướng con đến những trò vui chơi ngoài trời, cùng nhau trồng cây, dọn dẹp trang trí nhà cửa đón tết. Kéo con thoát dần không gian số để bước vào môi trường học tập, sinh hoạt trực tiếp. Trong giai đoạn đầu đi học lại, không nên đặt áp lực về điểm số, kiến thức mà nên quan sát, lắng nghe và thấu hiểu trẻ nhiều hơn.
Tiêu Hà - Thanh Huyền