Vạt rau chào xuân

29/01/2024 - 14:42

PNO - Tết xưa, nhà nào có vườn rau xanh, được xem là có “view” đẹp để chụp hình. Thời nay cũng vậy.

Khoảnh đất trước sân quanh năm bỏ trống, chỉ đến khi tháng Chạp về, mẹ tôi mới gieo trồng các loại rau quen thuộc, để đầu xuân có vườn rau xanh đón tết. Chúng tôi hay nói vui rằng, mẹ bao giờ cũng ưu ái, mong chờ, hy vọng ở mùa xuân; các mùa khác mà… biết được, coi chừng mẹ bị… phân bì.

Tinh thần chờ xuân của mẹ lan sang chị em tôi, đứa nào cũng háo hức tết. Tháng Chạp, trong lòng tự nhiên thấy sự chuyển mình rõ rệt của thời tiết và cảnh sắc. Lúc này, ba mẹ tôi bắt đầu lên luống, gieo các loại rau thường trồng vào mùa xuân - các loại rau họ cải, hành, ngò, khổ qua, dưa leo…

Tháng Chạp bao giờ cũng rộn ràng, hối hả, người ta làm nốt những việc cần làm trong tháng Chạp để chào đón tháng Giêng. Những hàng rau xanh non tơ ngay trước nhà là bằng chứng xuân rõ ràng nhất, là bức tranh mùa xuân sinh động và rất đỗi nên thơ. Ký ức chúng tôi in đậm hình ảnh mấy luống rau xanh trước nhà.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Chị tôi luôn nhắc về rổ rau sống có xà lách, tần ô, hành, ngò và các loại rau gia vị khác. Anh tôi thì bảo, rau cải ngọt nấu canh chỉ có ở quê tôi là rau mềm, có mùi thơm đặc trưng. Riêng tôi thích mùi thơm dịu dàng của rau tần ô (có nơi gọi là rau cải cúc). Mỗi khi mẹ nấu canh tần ô, mùi thơm của nồi canh tỏa ra thơm nức. Rổ rau sống lác đác những cọng tần ô, cọng ngò non mướt, mới đích thị là rau mùa xuân. 

Nhiều người thắc mắc tại sao rau ngày xưa thơm hơn rau bây giờ. Tôi thì cho rằng, có lẽ ngày nay cuộc sống đủ đầy, có quá nhiều sự lựa chọn cho một bữa cơm ngon nên việc cảm nhận mùi thơm của rau cỏ mùa xuân đã vơi đi ít nhiều. Tôi cũng tin, nhà ai từng có mấy vạt rau ngày tết, hẳn sẽ cảm nhận được mùi vị sống mãi với thời gian, với kỷ niệm. Nhất là những người xa quê, mùi của rau mùa xuân vẫn luôn thơm ngát, vị của rau mùa xuân luôn thanh ngọt. 

Ở nông thôn, nhà khá giả hay nhà còn khó khăn, thời kỳ “đổi mới” hay thời hiện tại, trước sân mỗi nhà đều có những luống rau xuân nõn nà. Thật thiếu sót nếu ai đó bỏ đất hoang, đi chợ mua rau. Dù biết rằng rau xuân rất rẻ, nhưng mùa xuân luôn ưu ái con người, chỉ cần gieo hạt xuống, không tốn quá nhiều công sức hay phân bón, rau vẫn cứ thế mà lớn, sẽ có rau sạch dùng vài ba tháng ròng.

Tết xưa, nhà nào có vườn rau xanh, được xem là có “view” đẹp để chụp hình. Thời nay cũng vậy, dù xã hội tiến bộ tới đâu, việc chụp hình bên luống hoa cải, bên vạt tần ô với những bông hoa vàng cũng khiến người ta nao lòng, như thể ta đang đứng giữa trời rộng thênh thang, được ôm cả mùa xuân. Mùa xuân thật biết cách vỗ về, nâng niu, động viên con người. 

Xuân về, cỏ cây hồn nhiên đâm chồi nảy lộc, gieo bao ước vọng cho nhân gian. Xuân về, lòng tôi lại mơ màng về những luống rau của mẹ. Tôi tự hào khi được sinh ra ở nông thôn, được lớn lên bên những luống rau tuổi thơ. Để hôm nay, khi đất trời vào xuân, tâm hồn tôi lại bị đánh thức bởi biết bao ký ức tươi đẹp.

Ảnh mang tính minh họa - Ảnh: NVCC
Ảnh mang tính minh họa - Ảnh: NVCC

Những kỷ niệm bên vạt rau xuân tưởng chừng ngủ quên, nhưng năm nào cũng vậy, xuân về, nỗi nhớ như cuốn phim quay chậm. Tôi nhớ ba là người ngâm hạt, đợi hạt nảy mầm rồi đánh luống, xuống giống. Ba gieo khá dày, nên khi rau lên chừng nửa gang tay là mẹ nhổ bớt, ăn dần.

Tôi đứng ngoài bờ rào, khi mẹ nhổ được một nắm trên tay, tôi liền đưa cái rổ tre cho mẹ bỏ rau vào. Rau đầy rổ thì tôi bê ra giếng, múc nước rửa rau. Trẻ nông thôn biết ăn rau từ bé, cảm nhận vị ngọt ngon của rau từ bé, có lẽ vì thế mà hình ảnh rau xuân là bức tranh mùa xuân thanh bình nhất, tươi đẹp nhất, ấn tượng nhất mỗi khi xuân về. 

Song Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI