Vật lộn giữa tình yêu, COVID-19 và… phong tục

28/08/2020 - 08:30

PNO - Trong rất nhiều điều nảy sinh từ dịch bệnh, có một vấn đề mang tên “không-thể-cưới”. Trở ngại này đổ ập lên các cặp đôi đang hăm hở nên duyên, đã sẵn sàng mọi sự để danh chính ngôn thuận về một nhà. Hoãn cưới, hủy cưới, chuyển đổi hình thức thành hôn là điều bắt buộc phải làm theo các lệnh giãn cách; trong khi tập quán xã hội và văn hóa cưới xin chưa “chuyển mình” kịp. Các cặp đôi đối diện thế nào với hai thực tế này?

Dịch bệnh đảo lộn cuộc sống cả nhân loại. Những dự định về tương lai, công việc, nhà cửa đều phải hoãn lại hoặc hủy bỏ. Biết bao cảnh khóc cười giữa những ngày cuộc sống như đóng băng, những dự định đã được vạch sẵn trong đầu không biết bao giờ mới được thực hiện. Và chuyện cưới xin của những đôi bạn trẻ cũng không nằm ngoài vòng xoay đó. Người ta buộc phải lựa chọn phương án cho riêng mình, hoặc… không có phương án gì cả, bởi lúc này trời tính không bằng COVID-19 tính!

“Mười người cũng cưới, một người cũng cưới!”

Bà Phạm Thị Thưởng đã tuyên bố như vậy với ông bà thông gia khi nghe lệnh giãn cách xã hội sẽ không được dỡ bỏ sau 14 ngày đầu tiên hồi tháng Tư. Trần Ngọc Huyền con gái bà Thưởng và Nguyễn Huân đã yêu nhau hơn ba năm. Cùng sống ở TP.HCM, hai em đã mơ về một tương lai không xa sẽ dành dụm đủ tiền cho một đám cưới đẹp như cổ tích. Giấc mơ đang đến rất gần thì gặp… COVID-19. Mâm cỗ đã đặt, ảnh cưới đã xong, khách khứa cũng đã nhận thiệp mời, nhưng tất cả đành phải gác lại. 

Nguyễn Huân và Trần Ngọc Huyền đã kịp thành vợ thành chồng trước khi dịch COVID-19 quay trở lại
Nguyễn Huân và Trần Ngọc Huyền đã kịp thành vợ thành chồng trước khi dịch COVID-19 quay trở lại

Lần hoãn cưới thứ nhất, hai bên thông gia chỉ tiếc nuối vì để lỡ ngày lành tháng tốt. Các thủ tục nhanh chóng xếp lại. Kết thúc đợt giãn cách thứ nhất, một cuộc họp gia đình ấn định ngày cưới mới vào cuối tháng Sáu dương lịch. Lúc này bà Thưởng tuyên bố trước hai họ rằng, nếu đến ngày cưới mà dịch bùng phát trở lại, lễ cưới bằng mọi giá vẫn phải diễn ra. Bà khẳng định sẽ không để con gái “quá tam ba bận”, mà sẽ cưới bằng mọi cách, dù ngày ấy có thể chẳng ai chứng kiến, hoặc chỉ có cô dâu chú rể và cha mẹ hai bên. Sự quyết tâm đó nảy sinh một lý do khá… ngộ nghĩnh: “Đã hoãn lần một, lại hoãn lần hai thì mất duyên con gái, cưới lần thứ ba thì xui xẻo lắm!”.

Cùng hoãn cưới trong đợt giãn cách xã hội lần thứ nhất, chị Trần Ly Na (trú Quảng Nam) lại một lần nữa phải hoãn cưới trong đợt bùng phát COVID-19 lần hai. Tái hôn sau 10 năm ly hôn, chị Na đã mơ về một đám cưới hoành tráng, bởi vì hoàn cảnh mà lần kết hôn đầu tiên chị chưa được tận hưởng ngày vui đúng nghĩa. Chị Na tâm sự: “Đã chờ được 10 năm thì chờ thêm vài tháng nữa cũng không hề chi. Đời mình khổ nhiều rồi, bây giờ chẳng nhẽ tới cái đám cưới cũng không được trọn vẹn? Ngày xưa bố mẹ tôi gả con trong tủi thân, nước mắt, thì bây giờ tôi cưới lại phải thật hoành tráng để bố mẹ có thể ngẩng mặt với xóm giềng”.

Nhiều phương án đã được đưa ra như rút ngắn thủ tục, giảm bớt khách mời, nhưng chị Na vẫn quyết tâm chờ và giữ nguyên phương án ban đầu. Nói là vậy, nhưng trong lòng chị đang vô cùng lo lắng, bất an bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến vô cùng phức tạp, chưa biết điểm dừng. Lễ cưới có thể chờ, nhưng cuộc sống ổn định, một mái ấm mới sau 10 năm thanh xuân quạnh quẽ có lẽ đã không thể chờ thêm nữa…

Cưới… chờ!

Ngoài 30 tuổi mới tính đến chuyện kết hôn, chị Nguyễn Quỳnh Linh (Đà Nẵng) không ngờ ngày đại sự của mình lại trở thành vấn đề đau đầu cho cả gia đình, dòng họ suốt nhiều tháng nay.

Dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu kết thúc, trong khi Đà Nẵng vẫn đang giãn cách xã hội lần thứ hai kể từ sau tết Nguyên đán. Quỳnh Linh rơi vào mớ bòng bong. Đăng ký kết hôn từ đầu năm 2020, đến nay, Quỳnh Linh đã có thai hơn năm tháng. Sau nhiều lần bị hoãn kế hoạch cưới vì dịch bệnh, Linh và chồng quyết định sẽ dời ngày cưới… cho đến khi nào con ra đời cứng cáp.

Quỳnh Linh chia sẻ: “Ban đầu khi biết có em bé trong thời điểm lễ cưới bị hoãn vì dịch bệnh, tụi mình khá lo lắng. Bản thân mình cảm thấy stress vì áp lực chưa ra mắt gia đình, đồng nghiệp, bạn bè bằng một tiệc cưới mà đã có con. Nhưng sau một thời gian stress mà dịch bệnh vẫn không có dấu hiệu dừng, mình đành tìm cách hiểu. Mình đã ngoài 30 tuổi, việc chọn một phương án tốt cho bản thân và cả gia đình, người thân, bạn bè (vượt qua một số lời đàm tiếu, tâm lý đánh giá của một số người có tư tưởng khắt khe), thì mình nghĩ nên tự làm và quyết tâm thực hiện”.

 Thế nhưng, luật bất thành văn xưa nay của người Việt là lễ cưới không chỉ do cô dâu chú rể quyết định, mà là chuyện đại sự của cả dòng họ. Nếu chỉ đăng ký kết hôn mà không làm lễ rước dâu thì không “tính”, khiến mọi việc trở nên căng thẳng. Trong khi đó, gia đình chồng của Quỳnh Linh vốn là người Bắc, lại rất trọng lễ nghi, việc Quỳnh Linh có thai trước khi cưới cũng là điều khiến nhà trai băn khoăn. Họ mong muốn có một đám cưới cấp tốc, vừa kịp với chút thời gian ít ỏi khi hết giãn cách xã hội, vừa đủ thủ tục trước khi em bé chào đời, chấp nhận cả việc bà con có thể sẽ không đến đông đủ. 

Để “xúc tiến” đám cưới siêu tốc ấy, mẹ chồng của Quỳnh Linh dù ngoài 70 tuổi, nhưng vừa sau cách ly xã hội đợt một, đã bắt xe vào Đà Nẵng chờ đợi hơn hai tuần. Thời gian này là lúc đối thoại với gia đình hai bên, và bà vẫn hy vọng nếu tổ chức cưới thì bà ở lại lo luôn, còn nếu không tổ chức thời điểm đó, thì coi như một chuyến thăm con dâu sắp sinh. Thậm chí, bà còn mang cả áo dài, quà mừng để sẵn sàng làm lễ cưới cho con trai mình.

Vợ chồng chị Nguyễn Quỳnh Linh quyết định dời ngày cưới cho đến khi đứa con đầu lòng cứng cáp và cả hai sẵn sàng cho một lễ cưới ấm cúng, trọn vẹn
Vợ chồng chị Nguyễn Quỳnh Linh quyết định dời ngày cưới cho đến khi đứa con đầu lòng cứng cáp và cả hai sẵn sàng cho một lễ cưới ấm cúng, trọn vẹn

Đám cưới “chuẩn” phong tục Việt Nam vốn đã nhiều phép tắc lễ nghi, nhưng để giữ đúng những khuôn khổ ấy giữa lớp lớp dịch bệnh bủa vây, không chỉ gây khó khăn trong khâu tổ chức, mà còn khiến đôi trẻ mệt mỏi, chán chường. Niềm vui, sự háo hức cho ngày trọng đại đã thay bằng nỗi hoài nghi, thậm chí là lo sợ đối với một cô dâu có thai trước khi cưới như Quỳnh Linh.

Có lúc cô còn nghĩ: hay “cưới cho rồi” để đồng nghiệp khỏi thắc mắc, hàng xóm thôi đàm tiếu, và nội ngoại hai bên đẹp lòng, nhưng rồi cô đã kịp tỉnh táo để nhận ra rằng, đặt trong hoàn cảnh dịch bệnh và việc có em bé, thì sự an toàn của mọi người và tâm lý, mong muốn của cô dâu chú rể vẫn quan trọng hơn bất cứ điều gì. Và sự quyết tâm này đã khiến vợ chồng Quỳnh Linh thuyết phục được mọi người không phải tổ chức một lễ hỏi - cưới gấp gáp, mà thay vào đó là một mâm cơm ra mắt ông bà ở quê chồng, và tiệc báo hỷ sẽ tổ chức sau vào một thời điểm thích hợp. 

Cuộc sống hiện đại lại bị đặt trong bối cảnh đất nước còn nặng lễ nghi như nước ta, khiến những lễ cưới lâu nay trở thành màn trình diễn giữa hai họ với nhau, giữa cô dâu chú rể với đồng nghiệp, xóm làng. Sự xuất hiện bất ngờ của dịch bệnh với cuộc sống “bình thường mới”, xen kẽ các đợt dịch, có lẽ sẽ là đòn bẩy để phong tục cưới xin nặng nề lễ nghi phải đứng trước một sự thay đổi, những thủ tục rườm rà phải chấp nhận không còn thời gian để trình diễn.

Quỳnh Linh đã chọn phương án chờ đến khi tâm lý sẵn sàng, chị Ly Na chọn sẽ kiên định với một lễ cưới hoành tráng, còn Huyền và Huân chấp nhận cưới vội để yên lòng gia đình. Mỗi người một cách, tùy điều kiện riêng. Còn với những cặp đôi đang và sẽ cưới nhau trong những ngày tháng mông lung sắp đến, họ buộc phải hiểu mình cần nhất điều gì trong ngày trọng đại, để có những cách chọn lựa tối ưu nhất cho mình.

Hà Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI