Khi cặp song sinh Thanh - Thúy được mười tháng tuổi thì chồng bà Hiệp đột ngột qua đời, bỏ lại bà một nách năm con, mà đứa lớn nhất lúc đó mới mười tuổi.
Hai mươi chín tuổi góa chồng, không đi bước nữa, bà Hiệp tảo tần nuôi các con ăn học nên người rồi dựng vợ, gả chồng cho chúng. Ba người con đầu kết hôn xa với một ít vốn liếng khởi nghiệp và cuộc sống đã ổn định. Riêng cặp song sinh Thanh - Thúy, giống nhau như hai giọt nước, và quấn quýt nhau từ bé, nên khi trưởng thành được bà Hiệp cho một căn nhà đồng sở hữu thuộc khu Xóm Mới, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Bà dặn: “Sau này hai con có thể bán nhà rồi chia đôi, hoặc đứa nào muốn sở hữu căn nhà thì phải trả cho đứa còn lại 50% giá trị căn nhà”. Còn căn nhà đang ở, bà Hiệp dự định viết di chúc chia đều cho các con.
Việc đời khó lường, năm ba mươi tuổi, Thanh lấy chồng ở xa, cần tiền lập nghiệp nên theo nguyện vọng của con, bà Hiệp cho tiền và nữ trang trị giá một tỷ đồng, tương đương nửa giá trị căn nhà nhưng lại “quên mất việc cấn trừ” cho rõ ràng là Thanh phải chuyển quyền sở hữu nửa căn nhà lại cho bà.
|
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, cô em Thúy kết hôn muộn hơn chị vài năm, nên vẫn ở tại căn nhà nêu trên. Nay Thúy muốn sở hữu toàn bộ căn nhà nên đã chuẩn bị tiền tương đương nửa giá trị căn nhà theo thời điểm hiện tại (ước tính hai tỷ đồng) để hoàn lại cho mẹ. Và nhân dịp Thanh về nước chơi, Thúy đã đề nghị chị mình ký giấy tặng lại phần của mình, đồng thời Thúy sẽ trả tiền cho mẹ. Nhưng Thanh nói ngang: “Mẹ đã cho tao, có giấy tờ hợp pháp hẳn hoi, mắc gì tặng hay chuyển nhượng cho mày?”.
Thúy cãi lại: “Khi lấy chồng chị đã nhận tài sản mẹ cho tương đương giá trị nửa căn nhà, nay còn đòi nữa là sao?”. Thanh lý sự cùn: “Mẹ cho tao tiền đâu có giấy tờ. Còn căn nhà chủ sở hữu có tên tao, nhà này trị giá sáu tỷ đồng, nên mày đưa ba tỷ thì tao ký sang tên cho”.
Nghe hai con cãi nhau, bà Hiệp bước ra nói với Thanh: “Mẹ đã chia phần theo nguyện vọng của con rồi. Nếu con không sang tên cho Thúy thì con sang tên lại cho mẹ vậy”. Thanh cãi lại bà Hiệp: “Mẹ đã cho con rồi thì con có quyền quyết định, số tiền một tỷ đồng xem như con mượn mẹ, năm sau làm ăn khấm khá con sẽ hoàn lại, còn căn nhà này là chuyện của con và Thúy. Mẹ đừng xen vào cho mệt, vài hôm nữa con về bên chồng rồi”.
Nghe câu chuyện của bà Hiệp, ai cũng lắc đầu chua chát: “Thời buổi vật giá leo thang nên lòng người cũng… “leo núi”. Đúng là gương mặt, ngoại hình giống nhau, nhưng tâm tính và sự lương thiện thì chưa chắc.
Hồng Duyên
|
Ảnh minh họa |
Cho tài sản cần pháp lý chặt chẽ Trong tình huống này, theo quy định tại điều 106, 107 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 thì: đất đai; nhà và công trình gắn liền với đất được gọi là bất động sản và quyền sở hữu đối với bất động sản, phải được đăng ký theo quy định. Nếu căn nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho hai người con của bà Hiệp, thì quyền sở hữu đã được xác lập đầy đủ, đúng pháp luật. Mặt khác, theo quy định tại điều 158 BLDS 2015 thì: quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Do vậy, người chị có quyền không chuyển quyền sở hữu cho mẹ hoặc em gái là đúng luật. Nhưng về lý, tình cảm, và đạo đức thì đáng phải suy ngẫm. Đối với việc bà Hiệp chia phần cho con một tỷ đồng, tương đương nửa giá trị căn nhà, thì vấn đề đặt ra là có ai biết việc này không? Và nếu có thì bao nhiêu người biết? Các cá nhân này có thể giúp bà Hiệp bằng cách đến tổ chức thừa phát lại lập vi bằng xác nhận sự việc trên hoặc ra làm chứng tại tòa án nếu xảy ra kiện tụng. Nếu không có người biết việc bà Hiệp “chia phần”, hoặc biết mà không muốn giúp bà Hiệp, nhưng người chị thừa nhận có mượn của mẹ một tỷ đồng, thì theo quy định tại điều 119 BLDS 2015, trường hợp này có thể xem là giao dịch dân sự bằng lời, mà nội dung của giao dịch là người con thừa nhận vay mượn tiền của mẹ ruột với thời gian thanh toán là “năm sau”. Chứng cứ của việc “vay mượn tiền” có thể được thu thập bằng một trong các cách thức: thuyết phục người chị đồng ý ra tổ chức thừa phát lại lập vi bằng thừa nhận việc mượn tiền; đến tổ chức công chứng lập hợp đồng vay tiền; lập biên bản họp các thành viên trong gia đình ghi nhận sự việc hoặc ghi âm, ghi hình… Về cách giải quyết pháp lý: người em có thể kiện ra tòa “tranh chấp tài sản chung” với người chị, tòa án sẽ định giá căn nhà và người em sẽ được ưu tiên mua lại nửa giá trị căn nhà (vì là người đang thực tế ở tại căn nhà này). Khi đó, nếu có chứng cứ, hoặc người làm chứng vạch trần sự việc, hoặc tại tòa án, người chị thừa nhận việc có mượn tiền mẹ, thì người chị sẽ nhận “tiền bán” nửa giá trị căn nhà, lấy tiền trả người mẹ, và bị buộc chuyển quyền sở hữu cho người em, thì xem như hoàn thành việc “cấn trừ nợ ba bên”. Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng việc “cấn trừ ba bên” trong trường hợp này sẽ mất thời gian và rắc rối, nếu giải pháp tố tụng thành công thì rất dễ bế tắc trong giải pháp hàn gắn tình cảm gia đình. Để giác ngộ, thay đổi nhận thức người chị theo hướng tích cực thật không dễ, nó phụ thuộc đạo đức, kinh nghiệm và bản lĩnh của thẩm phán, luật sư tham gia giải quyết vụ án, cũng như vai trò phối hợp của các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là những người con còn lại của bà Hiệp. Cuối cùng tôi cho rằng: tâm lý, tình cảm của con người vốn rất phức tạp, nó sẽ phức tạp hơn khi lòng vị tha giảm đi, tính ích kỷ tăng lên, đặc biệt là những gia đình mà các thành viên để tình cảm điều khiển lý trí. Riêng đối với bậc phụ huynh thì việc đối xử công bằng với các con thôi là chưa đủ, mà phải cần phải có thêm kiến thức, hiểu rõ tính cách các con, trong đó sự rõ ràng, minh bạch và đúng quy định pháp luật khi chia tài sản cho con là vô cùng cần thiết. Thạc sĩ luật Trần Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM) |