VAT 12% - nơi đầy hơn, chỗ vơi đi

01/09/2017 - 16:00

PNO - VAT “đánh” vào khâu cuối cùng của sản xuất kinh doanh, vào tiêu dùng thì không một mặt hàng, một người tiêu dùng nào thoát khỏi. Mà người dân, đặc biệt là dân nghèo, vẫn phải mua sắm.

Nhằm làm rõ những thông tin trái chiều về đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 30/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay: “Bộ Tài chính đánh giá, với mức điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ áp dụng, tác động đối với người thu nhập thấp, người nghèo là không nhiều”.

Trước đó, sáng cùng ngày, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính - cũng cho rằng, người nghèo mua rau, dưa ở chợ không bị ảnh hưởng khi tăng thuế VAT lên 12% . 

VAT 12% - noi dày hon, chõ voi di
Người dân, đặc biệt là dân nghèo, trong sinh hoạt luôn bị bủa vây bởi rất nhiều nhu cầu thiết yếu hàng ngày và vẫn phải mua sắm. Ảnh: Minh Thanh.

Thực tế, thông tin sẽ tăng thuế VAT đối với đa số mặt hàng tiêu dùng từ 10% hiện nay lên 12% vào năm 2019 và nhiều loại hàng hóa ưu tiên như nước sạch, thiết bị y tế, giáo dục từ 5% lên 10% đã gây chú ý đối với tất cả mọi thành phần trong xã hội.

Bởi, đây là sắc thuế đánh vào sự lưu thông hàng hóa tiêu dùng, người mua hàng trực tiếp gánh chịu. Đặc biệt, khi thuế VAT tăng lên, giá các loại hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng, hạn chế tiêu thụ, khiến việc đầu tư sản xuất, kinh doanh đình trệ; sự tận thu, không nuôi dưỡng nguồn thu khiến nền kinh tế quốc gia mất nhiều cơ hội phát triển và dễ lâm cảnh kiệt quệ. Người nghèo sẽ là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, đời sống người dân khốn khó, dễ dẫn đến các tệ nạn xã hội phát sinh. 

Trước thông tin tăng thuế này, bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - cũng đã đưa ra quan điểm: “Qua đề xuất điều chỉnh thuế này, người chịu ảnh hưởng ít là những người có thu nhập tốt hơn, còn người thua thiệt lại là những người nghèo, cận nghèo và có thu nhập thấp”. 

VAT 12% - noi dày hon, chõ voi di
Xin đừng tận thu với người nghèo! Ảnh: Minh Thanh.

Ngay cả rau, dưa “không chịu thuế VAT” như ông Thi đề cập thì những mặt hàng này cũng sẽ tăng giá vì chi phí VAT từ các mặt hàng đầu vào mà nhà sản xuất gánh chịu. VAT “đánh” vào khâu cuối cùng của sản xuất kinh doanh, vào tiêu dùng thì không một mặt hàng, một người tiêu dùng nào thoát khỏi. Mà người dân, đặc biệt là dân nghèo, trong sinh hoạt luôn bị bủa vây bởi rất nhiều nhu cầu thiết yếu hàng ngày và vẫn phải mua sắm. 

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh - chia sẻ: “Dù là thu nhập cao hay thấp thì mọi người tiêu dùng đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Nhưng do người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên mức thuế mà họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn. Tăng thuế VAT sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn, do vậy khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”. 

Mua một món hàng bất kỳ 20.000 đồng, thuế VAT 2.400 đồng, bằng một miếng đậu phụ và cũng xấp xỉ nửa bữa cơm từ thiện 5.000 đồng mà cậu bé 12 tuổi tên Đăng Duy - thí sinh chương trình Thần đồng âm nhạc - phải nếm trải dài ngày để có tiền học đàn.

Vì vậy, xin đừng tận thu với người nghèo. Người nghèo mới chính là tầng lớp chịu nhiều ảnh hưởng nhất trước bất cứ một biến động nào của nền kinh tế, của các quy định về tăng thuế. Những người này cần rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ, những chính sách an dân, ổn định thuế để ổn định cuộc sống.

Việc tăng thuế VAT, theo Bộ Tài chính, là nhằm “đảm bảo an toàn tài chính quốc gia”. Thực tế, công bố của Ngân hàng Thế giới vào giữa tháng 7/2017 cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ công tăng nhanh nhất thế giới.

Nợ công Việt Nam hiện lên đến 2,68 triệu tỷ đồng, tăng từ 36,5% GDP năm 2001 lên 62,2% GDP năm 2015. Tính đến giữa tháng 7/2017, nợ công Việt Nam tương đương khoảng 94,8 tỷ USD. 

Nợ công tăng nhanh với con số báo động là chỉ dấu cho tình trạng khủng hoảng ngân sách nhưng quan trọng hơn, là  sự khủng hoảng chính sách và khủng hoảng điều hành. Vì vậy, để làm giàu cho một nền kinh tế, không phải lúc nào cũng chọn phương án gia tăng nguồn thu mà phải xử lý ngay những “điểm đen” 
khủng hoảng. 

Chính sách tận thu thuế có thể làm kho bạc đầy hơn nhưng cũng có thể làm cho dân nghèo đi; ý chí phấn đấu của người dân có thể bị suy nhược.  Tận thu như vậy, liệu có nên chăng? 

Thủy Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI