VAS sẽ dạy gì về bài học sẻ chia?

15/04/2020 - 08:29

PNO - Những cách hành xử khác nhau trong đợt dịch bệnh kéo dài này khiến chúng ta nhận ra rằng, sau những lo lắng nối tiếp, không phải là tiền bạc, mà chính là lòng người.

Dịch bệnh kéo dài đã đặt nhiều doanh nghiệp lẫn người lao động vào hoàn cảnh khó khăn. Đằng sau những câu chuyện buồn của những người lao động nghèo bỗng dưng mất thu nhập, thì câu chuyện nhân ái, sẻ chia hằng ngày vẫn diễn ra ngoài kia, đã vỗ về chúng ta, rằng rồi dịch bệnh sẽ qua và con người nhờ nương nhau mà bước qua được giai đoạn khó khăn này.

Cũng ít ai hình dung ra rằng, trường học lại là nơi bị tác động nhiều như vậy. Học sinh không đến trường, đồng nghĩa nguồn sống chính của nhiều giáo viên bị cắt. Thế nhưng, rất vui khi có một số cơ sở ngoài công lập vẫn cố gắng chèo chống, duy trì mức thu nhập tối thiểu cho giáo viên của mình để họ đảm bảo cuộc sống với những nhu cầu thiết yếu. Và có rất nhiều trong số những giáo viên ngoài công lập vui lòng nhận mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng như là sự chia sẻ khó khăn đối với nhà trường. 

Nhưng câu chuyện của Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) thì khác. Trong lúc khó khăn, nhà trường vẫn đảm bảo lương cho tất cả giáo viên, công nhân viên bằng việc phớt lờ những khó khăn từ phía người học. Mặc ai khó khăn, VAS cứ ung dung tổ chức dạy học online và thu học phí như bình thường. Và tính như VAS, lợi nhuận vẫn thêm chứ chẳng thể bớt đồng nào, trong khi phụ huynh thì giữa muôn ngàn nỗi lo trong mùa dịch bệnh, còn phải gánh vác bớt vai trò của trường học trong những ngày con em họ không thể đến trường.

Trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, rất cần sự chia sẻ đến từ hai phía - nhà trường và gia đình, thì thông báo yêu cầu đóng tiền cho học phần 4 (học phí một năm chia làm bốn phần) trước ngày 25/4 của VAS thực sự làm người ta thấy nhói đau khi nghĩ về những người làm công tác giáo dục.

Khi phụ huynh gửi ý kiến thắc mắc, không đồng tình vì học phí học phần 3 có nhiều khoản chưa sử dụng (tiền ăn, xe đưa đón) sao không trừ vào học phần 4, thì nhận được câu trả lời là một thông báo khác, vẫn yêu cầu thanh toán học phí, còn khoản tiền ăn và tiền xe đưa đón được hứa sẽ thông báo sau. Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ lên tiếng không hẳn vì tiền bạc, mà vì không thể chấp nhận một sự vô lý như vậy đang tồn tại trong môi trường giáo dục mà họ tin tưởng để gửi gắm con mình.

Những cách hành xử khác nhau trong đợt dịch bệnh kéo dài này khiến chúng ta nhận ra rằng, sau những lo lắng nối tiếp, không phải là tiền bạc, mà chính là lòng người. Một VAS chỉ chực hành động để giữ lấy những gì thuộc về mình mà không cho thấy sự sẻ chia, rồi sẽ dạy gì cho học sinh về bài học chia sẻ? 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI