VAR ở World Cup: nỗi ám ảnh hay thần công lý?

23/06/2018 - 06:00

PNO - Một trong những cái mới và gây tranh cãi nhất tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup 2018 ở Nga chính là hệ thống trợ lý trọng tài video (video assistant referee, VAR).

Gây lạ lẫm cho nhiều khán giả là cảnh trọng tài chính trong trận Thụy Điển – Hàn Quốc ở vòng đấu bảng F ngày 18/6/2018 đã lúp xúp chạy vào khu vực khán đài để xem hình ảnh trên hệ thống VAR.

Trước đó, ông đã cho rằng không có phạt đền trong một pha tranh chấp bóng gần khung thành đội Hàn Quốc và quyết định cho trận đấu tiếp tục.

VAR o World Cup: noi am anh hay than cong ly?
Tổng hành dinh VAR tại Moscow trong World Cup 2018. (Ảnh: Sky Sports).

Nhưng vào phút 63, trên đường chạy lên giữa sân, không rõ do ông phân vân hay được thông báo từ ngoài sân, trọng tài đã rẽ trái chạy vào khu vực VAR.

- Trận Pháp – Úc (16/6) có 1 bàn thắng bằng đá phạt đền 11m của Pháp được xác định nhờ VAR vào phút 58.

- Trận Ma-rốc - Bồ Đào Nha (20/6), HLV người Pháp Renard Herve của Ma-rốc có lúc đã yêu cầu trọng tài sử dụng VAR, thậm chí ông ra dấu cái màn hình, nhưng bị trọng tài người Mỹ Mark Geiger phớt tỉnh Ănglê. Trận vòng đấu bảng này, Ma-rốc thua Bồ Đào Nha 0-1.

- Trận Đan Mạch – Úc (21/6), khi Đan Mạch đang dẫn trước 1-0 (bàn thắng phút thứ 7), vào phút 36, hệ thống trợ lý trọng tài VAR đã phát hiện lỗi chơi bóng bằng tay của cầu thủ Đan Mạch và trọng tài đã cho Úc đá quả phạt đền 11m ở phút 38 giúp tỷ số chung cuộc là 1-1.

Kết quả cho thấy một cầu thủ Hàn Quốc đã phạm lỗi nặng và Thụy Điển được hưởng quả phạt đền 11m đem lại bàn thắng duy nhất trong trận đấu ở phút 65. Sau đó, trên truyền thông xuất hiện những ý kiến cho rằng Thụy Điển đã thắng Hàn Quốc nhờ VAR.

Đây là lần đầu tiên công nghệ VAR được áp dụng cho một vòng chung kết FIFA World Cup. Hồi tháng 3/2018, Hội đồng Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (International Football Association Board, IFAB) tại Zurich – cơ quan chuyên ban hành các luật lệ về bóng đá, đã phê chuẩn việc sử dụng thường trực (permanently) VAR trong các trận bóng đá sau một thời gian thử nghiệm tại một số giải đấu lớn.

Trước đó, tại cuộc họp toàn thể thường niên 2016, IFAB đã cho phép thử nghiệm hệ thống VAR. Và VAR bắt đầu được ứng dụng vào tháng 8/2016 tại giải của Liên đoàn Bóng đá Bắc Mỹ (United Soccer League, USL) gồm 2 nước Mỹ và Canada.

Trước đây, các băng ghi hình trận đấu chỉ được coi như dữ liệu tham khảo để ban tổ chức xem lại sau trận đấu nếu có khiếu nại về các quyết định của trọng tài trên sân.

Việc sử dụng công nghệ phát lại (replay) video phục vụ trọng tài trong trận đấu chỉ mới được ứng dụng tại World Cup 2014 ở Brazil với hệ thống goal line giúp xác định quả bóng đã lăn qua vạch khung thành hay chưa.

Và với VAR ở World Cup tại Nga, bóng đá mới chính thức ứng dụng tính năng xem lại video toàn diện trong trận đấu.

Bạn đã thấy xuất hiện trong phần giới thiệu các trọng tài ở đầu trận đấu tại World Cup 2018 có thêm tổ trọng tài VAR gồm những trọng tài tới từ những nước khác nhau.

Cho tới khi World Cup 2018 đang diễn ra, hệ thống VAR vẫn có hai luồng ý kiến đối chọi nhau. Một bên cho rằng VAR giúp bóng đá chính xác và công bằng hơn. Bên kia nói rằng VAR làm cho bóng đá mất đi cái tính người (humanity) vốn được coi như một yếu tố giúp bóng đá luôn hấp dẫn và bất ngờ.

Những người không khoái VAR can thiệp vào trận đấu, khiến tất cả cùng chịu áp lực và căng thẳng, giải thích rằng ở các môn thể thao lập thành tích, khi vận động viên phải vượt qua chính các giới hạn của thể lực mình, tính chính xác càng cao càng tốt. Và đây là đất dụng võ cho các công nghệ chính xác. Còn ở các môn thi đấu thể thao tập thể như bóng đá, yếu tố con người là quan trọng sống còn.

Ngày 21/6/2018, báo Sky Sports (Anh) dẫn ý kiến của ông Sepp Blatter, người Thụy Sĩ 82 tuổi, cựu Chủ tịch FIFA,  nói rằng VAR thất bại vì nó khiến cho trọng tài mất đi cái tính kiên định, quả quyết khi ra các quyết định trên sân. Ông Blatter nhắc tới trận Bồ Đào Nha thắng Ma-rốc 1-0 hôm 20/6, bên thua đã cảm thấy một số quyết định của trọng tài là chống lại họ nhưng trọng tài đã không sử dụng VAR.

Trong khi đó, phe ủng hộ VAR nói rằng công nghệ này giúp trọng tài bắt chính xác hơn, làm lộ ra các tiểu xảo, chiêu trò chơi xấu của các cầu thủ trên sân. Nhờ vậy, các trận bóng đá sẽ chính xác hơn và bộ môn bóng đá sẽ trong sạch hơn.

VAR o World Cup: noi am anh hay than cong ly?

Hệ thống VAR trên sân. (Ảnh: Getty Images).

Thật ra, từ khi ra đời tới nay, bóng đá đã cho thấy một đặc điểm mà cũng là nhược điểm quả mình là có quá nhiều cầu thủ trên sân khiến cho việc kiểm soát toàn trận đấu khó thể bao trùm. Làm sao trọng tài chính và 2 trọng tài biên có thể bao quát toàn bộ sân quá rộng. Trọng tài đứng trên sân ngang bằng với cầu thủ nên không tránh khỏi những góc khuất, những lúc bị che chắn tầm nhìn,…

Trong khi đó, 22 cầu thủ trên sân là 22 con người có nhiều cá tính, không ít người đầy những tật, lắm chiêu trò. Ngay cả trọng tài cũng tham gia làm cho tình hình thêm... nhiễu nhương.

Với yếu tố con người, người ta chấp nhận chuyện không thể tránh khỏi sai sót. Nhưng chuyện cố ý giở chiêu trò gian lận, chơi xấu lại là điều phải loại bỏ. Trong những năm qua, FIFA luôn nỗ lực làm cho các trận bóng đá ngày càng thêm trong sạch và công bằng hơn.

Và công nghệ hiện đại là một trong những giải pháp mà FIFA ứng dụng để giúp trọng tài có đủ dữ liệu và quyết định chính xác hơn, đồng thời xóa bỏ dần những khoảng tối, điểm mù trên sân mà các cầu thủ có thể lợi dụng làm điều khuất tất.

Tuy nhiên, có lẽ, tốt cho tất cả là không nên lạm dụng công nghệ. Với đặc thù của bóng đá, VAR chỉ nên được dùng để tham chiếu ngay tại chỗ khi trọng tài phân vân hay có khiếu nại, đặc biệt trong những tình huống phức tạp. Nó không nên là một sự bắt buộc mà có thể khiến trọng tài bị căng thẳng, áp lực thay vì thêm tự tin với ý nghĩ mình được bọc lót, chống lưng khi cần thiết.

Liệu một trận bóng đá sẽ ra sao nếu như hễ sau mỗi quyết định của trọng tài là có một bên yêu cầu tham khảo VAR? Nếu lạm dụng công nghệ, trọng tài có thể bị biến thành một người máy trên sân, chịu sự điều khiển từ các hệ thống bên ngoài sân.

Cứ để cho trọng tài tiếp tục là "ông vua sân cỏ", bắt bóng đá bằng chính năng lực thật sự của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. FIFA World Cup trên sân cỏ không thể giống FIFA World Cup trong game.

VAR - Video Assistant Referee là hệ thống trợ giúp trọng tài bằng công nghệ video. Sau khi được IFAB cho phép thử nghiệm hồi năm 2016, VAR đã được thử nghiệm tại các giải FA và Carabao Cups mùa vừa qua, cũng như tại các liên đoàn bóng đá Đức và Ý.

Dựa trên hình ảnh do hệ thống camera trên sân ghi được, tổ trọng tài VAR sẽ theo dõi các diễn biến và tình huống trên sân thông qua các màn hình trong phòng điều khiển.

Theo quy định, tổ trọng tài VAR chỉ can thiệp vào trận đấu khi các trọng tài của nó phát hiện trọng tài chính trên sân có sai sót rõ ràng và hiển nhiên trong 4 trường hợp: ghi bàn, phạt đền 11 mét, phạt thẻ đỏ và nhận nhầm cầu thủ (khi đuổi ra khỏi sân).

Việc giới hạn VAR ở 4 tình huống này là nhằm giảm tới mức thấp nhất việc ảnh hưởng tới dòng chảy tự nhiên của trận bóng.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI