Vào ra chốn nhớ

01/02/2015 - 08:20

PNO - PNCN - Cuối năm này, khi đứa con gái lên bảy (sinh ra ở Mỹ) tỉ tê với tôi: “Sài Gòn của mẹ ở South Việt Nam, còn Hà Nội của cô Hạnh thì ở North, đúng không mẹ? Sài Gòn có mì gõ, còn Hà Nội có mì sủi cảo, miền North thì lạnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Những bức tường nhà tôi đã khá nhiều tranh ảnh, đồ đạc VN... nhưng vẫn luôn có cảm giác thiếu. Khi chốn ngụ cư của mình là một thành phố Mỹ ven biển có lịch sử hơn 100 năm, ngôi nhà chúng tôi đang ở được xây từ năm 1968 (còn “già” hơn cả tôi) với đặc trưng kiến trúc California thời đó: giản đơn, tiện dụng... nên không thể là một ngôi nhà Việt như tôi hằng mơ ước hồi mới khăn gói “chuyển nhà” sang đây.

Rồi càng sống, tám năm qua - hai đứa trẻ ra đời, tôi càng muốn chốn ra vào nương náu này của mình trở thành “nhà quê” hơn ở mức có thể. Để những đứa con (không có ký ức Việt) từ không gian Mỹ bên ngoài trở về là có thể hít thở chút không khí quê trong chốn nhà mình.

Một chút quê từ tiếng Việt vang trong nhà, món Việt thơm trên mâm, từ những bóng hình Sài Gòn, Hà Nội đâu đó đóng khung trên tường, bụi tre dầm chân góc nhà, chú tễu toe toét giữa kệ, từ việc xé tờ lịch âm dương ngũ hành mỗi ngày, thắp nén nhang trầm lên bàn thờ mỗi rằm... Cha mẹ thấy quê mà con cũng biết quê.

Vao ra chon nho

Con gái lên bảy rất thích món “mì gõ”, không chỉ ở cái tiệm mang tên “Quán Ngõ” sang trọng trong khu thương mại Việt ở Garden Grove - mà thích nhất vẫn là tô mì gõ từ bếp mẹ, từ chuyện mẹ: “Tối tối người ta đẩy cái xe mì (tựa như hình xe mì trên tường kia kìa) có mấy đứa nhỏ nhỏ (chỉ hơn con vài tuổi) đi rảo khắp ngõ hẻm cầm cái đồ đập đá gõ lắc cắc, đang đêm (có khi mưa lắc rắc) mà đói bụng nghe tiếng gõ thò đầu ra cửa gọi “Mì ơi!” thì chả còn gì sướng hơn, chục phút sau có tô mì nóng thơm điếc mũi bưng tới tận nhà (mấy chú giao pizza ở đây phóng xe cũng không nhanh vậy đâu ha con!). Là tô mì với nước dùng đậm đà, dậy mùi tóp mỡ hành phi và những miếng thịt luộc mỏng dính như tờ giấy...”.

Con gái - dĩ nhiên không thể cảm nhận tô mì của đêm Sài Gòn, mưa Sài Gòn, hẻm Sài Gòn, mùi vị Sài Gòn, những tiếng gõ, tiếng rao ký ức Sài Gòn... nhưng con đã rất thích món mì ấy, từ tay mẹ, từ lời mẹ và đã biết mì gõ chỉ có ở Sài Gòn. Sài Gòn có ngôi nhà cũ của mẹ, có ông bà ngoại cô chú của con.

Tám năm trước vợ chồng tôi quyết định chọn ngôi nhà này một phần cũng chỉ vì bước vào là thấy nó có cái giếng trời - gợi nhớ đến ngôi nhà cũ ở VN. Giếng trời nhỏ, chỉ chứa một bụi tre, dăm chậu kiểng, vài lẵng trầu bà, thường xuân, lan càng cua, hoa vẩy rồng... mà cứ ra vào qua lại là như thấy một khoảng trời xưa cũ.

Nhất là những ngày giáp Tết trở lạnh thế này, khi bếp sực lên mùi chiên xào nước mắm - thì với tôi - giếng trời sực lên màu áo len của bà nội, màu áo hoa của mẹ lúc tưới nước, tỉa cành những ngày tháng Chạp...

Vao ra chon nho

Ra Tết, chúng tôi định cải tạo bồn phun nước bỏ phế ở sân sau thành một cái ao nhỏ, không nuôi cá vì vùng này bọn hải âu lượn lờ chộp cá nhanh như cắt, mà sẽ thả những cụm bèo tây, hoa súng, thủy trúc... dầm chân ở đó và tìm một cái lu với gáo dừa...

Tôi từng được đọc nhận định thú vị: “Ao là một hệ sinh thái nhân văn rất độc đáo của người Việt” (GS Trần Quốc Vượng): “...càng xuống miền trũng, người Việt càng phải “đào ao vượt thổ” để có mảnh đất cao xây nhà và chỗ lún thành nơi chứa nước với nhiều chức năng: tưới vườn, nơi rửa chân tay - nông cụ (“Có rửa thì rửa chân tay, chớ rửa lông mày chết cá ao anh”), tắm giặt (“Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”), nơi thả bèo nuôi lợn, thả rau muống nuôi người, tầng dưới cá trắng tầng thấp nữa cá đen rồi bùn ao đầy ốc, trê...

Ao cũng là nơi nghỉ ngơi, tâm sự (“Đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn trông sao sao mờ”, “Trúc xinh trúc mọc bờ ao, em xinh em đứng nơi nào cũng xinh”, “Con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”...) và ao còn trở thành nơi giải trí, tổ chức trò chơi, sàn diễn rối nước... “ như thế chắc chắn tôi sẽ có quá nhiều chuyện để kể cho con về khái niệm ao trong chốn nhớ của chúng mình...

Vao ra chon nho

Như tô mì gõ, như ao nhỏ... được nhớ đúng lúc, đặt đúng nơi - chúng tôi khi bước vào (nhà) khi quay trở ra (thành phố Mỹ ngoài kia) đã tìm được sự bình an của kẻ xa quê luôn có chốn quay về.

 THÚY HÀ (Huntington Beach - California 12/2014)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI