Không muốn đi học do sợ bị đánh
Trong buổi tiệc liên hoan tổng kết năm học 2022-2023 và chia tay khối lớp Chín của Trường THCS Hưng Thủy, T.V.V. đã bị khoảng 30 bạn cùng lớp lấy xô nước đổ vào đầu rồi kéo lê ra nhà vệ sinh sau trường đánh hội đồng. Vài bạn học còn lấy dùi đánh trống đập mạnh vào đầu và lưng V. Hậu quả, V. phải nhập viện để điều trị chấn thương và bây giờ bị bệnh tâm thần.
Gia đình anh Vương mong Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy xem xét, tạo điều kiện để V. được đặc cách xét tuyển hoặc thi tuyển riêng để có cơ hội vào học lớp Mười trong năm học 2023-2024. Anh Vương cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ việc, xử lý các học sinh đã gây thương tật cho V.
Gần ngày khai giảng năm học 2023-2024, dư luận xôn xao về đoạn clip quay cảnh nữ sinh N.Y. - lớp Tám, Trường THCS Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh - bị hành hung, bị lột quần áo giữa ban ngày. Chị P.T.D. - người thân của Y. - kể, Y. sống với bà nội do cha mẹ đã ly hôn.
Trong 2 ngày 28 và 29/8, Y. bị một nhóm nữ sinh cùng trường 3 lần yêu cầu ra gần biển Thạch Kim đánh đập. Người bạn đi cùng Y. muốn can ngăn nhưng bị nhóm nữ sinh kia ngăn cản, còn đe dọa, ép phải cầm điện thoại quay clip.
Thấy Y. mệt mỏi, có vết bầm tím, gia đình gặng hỏi, mới biết Y. bị bạn học đánh đập. Chị P.T.D. xót xa: “Bố Y. đang làm việc ở Thái Lan đã phải về đưa con đi bệnh viện khám sức khỏe. Sau khi bị đánh, bị đe dọa, Y. bị tổn thương thể chất và tâm lý nên gia đình tạm thời cho Y. nghỉ học”. Theo chị D., nhóm nữ sinh đánh hội đồng Y. chỉ vì cho rằng Y. nói xấu mình. Gia đình Y. đã trình báo vụ việc với chính quyền địa phương và nhà trường để có biện pháp răn đe nhóm nữ sinh gây bạo lực này.
|
Thầy Hồ Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang) bên cạnh tấm bảng ghi số điện thoại của hiệu trưởng để học sinh phản ánh vụ việc bạo lực học đường - Ảnh: Hà Vinh |
Ngày 11/8, chị N.T.T.N. - ở phường An Cựu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế - đã có đơn trình báo công an phường về việc con chị là N.T.V. bị nhóm 4 học sinh lớp Bảy thuộc 3 trường THCS hành hung. Cụ thể, ngày 31/7, nhóm này đi xe đạp điện đến nhà hù dọa, ép buộc N.T.V. lên xe đến nhà thờ Phủ Cam (phường Phước Vĩnh) đánh đập và quay video. Tiếp đó, nhóm này tiếp tục đưa V. đến tượng đài Quang Trung (phường An Tây) đánh đập và quay video khiến thân thể V. bầm tím, tinh thần hoảng loạn.
Chị L.T.H. - ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - cho biết, năm học mới đã bắt đầu 1 tuần nhưng con gái chị không chịu đến trường do sợ bị bạn đánh. Hồi tháng 4/2023, con gái chị bị một nhóm bạn đánh hội đồng, quay clip tung lên mạng khiến tinh thần hoảng loạn, thương tích đầy mình.
Từ đầu năm 2023 đến nay, ở 3 tỉnh gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, đã xảy ra gần 80 vụ học sinh đánh bạn, trong đó có hơn 60 vụ đánh hội đồng.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh xảy ra 139 vụ bạo lực học đường. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, có tới 53 vụ. Ngoài bạo lực về thể chất, còn có tình trạng lập nhóm trên mạng xã hội để vu khống, nói xấu, đe dọa đánh hội đồng khiến một số học sinh lo sợ, không muốn đi học.
Ngừa bạo lực bằng môi trường hòa nhã, thân ái
Có kinh nghiệm tư vấn tâm lý cho nạn nhân bạo lực học đường, tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, thuộc Đại học Đà Nẵng - cho rằng, có thể nhận diện trẻ bị bạo lực học đường thông qua việc quan sát cơ thể, cảm xúc và về hành vi của trẻ. Chẳng hạn, trẻ bị bạo hành thường có nét mặt không tươi vui, ánh mắt sợ hãi, cơ thể co rúm lại, đi đứng không thoải mái, giọng nói yếu đuối, thường đi học rất trễ nhưng về nhà sớm, thường nói về những điều tiêu cực, bất ổn, bất công.
Theo tiến sĩ Hằng Phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, đứng đầu là do phim ảnh, sách báo, kế đến là do ảnh hưởng của bạo lực gia đình, thứ ba là do sự thờ ơ của những người xung quanh, thứ tư là do đặc điểm tâm lý, thứ năm là do bản tính của trẻ. Bạo lực xảy ra khi có sự mất cân bằng về quyền lực, khiến người này cảm thấy mình hơn người khác, được quyền xử lý người khác. Do đó, cần một giải pháp tổng thể từ 3 phía: nhà trường, phụ huynh, học sinh.
|
Một phiên tòa giả định về bạo lực học đường ở Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An - Ảnh: Mai Phương |
Về phía gia đình, cha mẹ không được lấy quyền của mình để áp đặt lên con, khiến con trở nên cam chịu. Ví dụ, khi con làm vỡ cái chén, cha mẹ phạt con thì khi làm vỡ cái đồ của bạn, con cũng chấp nhận chịu phạt. Thay vào đó, cha mẹ nên nói với con rằng lỡ làm vỡ đồ thì con cần xin lỗi, đồng thời cùng con bàn cách xử lý, không để việc tương tự xảy ra. Như vậy, con sẽ nhận ra rằng, mọi việc đều có thể được xử lý mà không cần dùng bạo lực. Về phía nhà trường, giáo viên cần tạo sự đoàn kết trong lớp, xử lý những vụ việc phát sinh một cách hòa nhã.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế - đánh giá, việc thấy bạn bị bạo hành mà không can ngăn, còn quay clip tung lên mạng cho thấy sự vô cảm đáng báo động của giới trẻ.
|
Một hoạt động trong chương trình “Điều con chưa nói” của Trung tâm Hỗ trợ tâm lý, giáo dục do tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, thuộc Đại học Đà Nẵng - điều hành - Ảnh: Đình Dũng |
Thầy Nguyễn Vũ - giáo viên Trường THPT chuyên Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, những học sinh gây bạo lực thường có gia đình bị rạn nứt tình cảm, cha mẹ ít quan tâm con cái. Ông cũng cho rằng, việc xử lý hành vi đánh bạn hiện nay chưa mang tính răn đe, tạo cảm giác rằng hành vi này không có gì nghiêm trọng.
Cô Hà Lê Hòa Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An - cho rằng, việc nhà trường xử lý hành vi bạo lực học đường chỉ giải quyết được phần ngọn. Do đó, cần sự vào cuộc của nhiều ngành. Chẳng hạn, sau những vụ học sinh đánh bạn, đại diện các cơ quan, ban, ngành cần đến tận nhà học sinh để tư vấn tâm lý, phân tích đúng sai và có biện pháp răn đe.
Hiệu trưởng trực tổng đài xử lý bạo lực học đường Trước cổng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An có treo tấm bảng lớn gi dòng chữ: “Khi bị bắt nạt, xâm hại hoặc chứng kiến bạn bị bắt nạt, xâm hại, học sinh hãy gọi số 111 hoặc số điện thoại của thầy hiệu trưởng 0974…”. Nhiều năm qua, nhờ số điện thoại “đường dây nóng” này, thầy Hồ Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - tiếp nhận thông tin và ngăn chặn được nhiều vụ học sinh hẹn đánh nhau. Theo thầy, nhờ có tổng đài, tình trạng học sinh văng tục, đánh nhau đã không còn. |
Tư vấn tâm lý giúp giảm bạo lực học đường Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT Quảng Trị và Tổ chức Plan International Việt Nam (Plan) phối hợp triển khai mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Thầy Nguyễn Đăng Quân - phụ trách Phòng Tư vấn tâm lý học đường, Trường THCS Xy, huyện Hướng Hóa - cho biết, sau khi được tư vấn tâm lý, hầu hết học sinh thay đổi về nhận thức và hành vi. Nếu như trước đây, học sinh im lặng khi chịu nhiều áp lực thì nay đã chủ động gặp thầy, cô giáo làm công tác tư vấn học đường để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và nghe hướng dẫn cách xử lý phù hợp. Trong năm học vừa qua, trường đã tư vấn tâm lý cho hơn 330 lượt học sinh và phụ huynh; số học sinh gây bạo lực hay bỏ học do bị bạn học đe dọa giảm đáng kể. |
Thuận Hóa-Phan Ngọc-Đình Dũng