Vào mùa tuyển sinh, nhiều học sinh phải điều trị tâm thần

06/08/2014 - 17:38

PNO - PN - Trước thông tin thí sinh Phạm Đức Tr. (ngụ Lâm Đồng) vì áp lực thi cử đã nhảy lầu tự tử vào ngày 25/6 và mới đây nhất, vào ngày 2/8, thí sinh Nguyễn Tấn T. (ngụ Quảng Ngãi) vì không trúng tuyển đại học nên đã mua bốn lít...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM cho biết: Thế hệ trẻ ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực và thách thức từ xã hội, cuộc sống, môi trường gia đình...; trong đó, rất nhiều yếu tố tác động tới khả năng giải quyết những thách thức này, cũng như duy trì được sự khỏe mạnh về tâm thần. Khi có vấn đề trong cuộc sống, bản thân mỗi chúng ta sẽ có một phản xạ. Tuy nhiên, với những người có bản lĩnh, có suy nghĩ thấu đáo thì tuy buồn đó, nhưng họ cũng vượt qua được. Còn với một số ít thì sẽ có những rối loạn thích ứng; nhất là các em nhỏ, chưa đủ sức khỏe cũng như kinh nghiệm để có những suy nghĩ tích cực nên có những hành động bất chấp hậu quả.

Vao mua tuyen sinh, nhieu hoc sinh phai dieu tri tam than

Ảnh chỉ có tính minh họa: Thí sinh sau khi hoàn thành thi đại học đợt 1 năm 2014 tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. (Ảnh: Phùng Huy).

* Đã có cuộc nghiên cứu nào về vấn đề này chưa, thưa bác sĩ?

- Theo y văn Hoa Kỳ, có từ 5-20% dân số khi gặp hoàn cảnh gây stress sẽ có các biểu hiện rối loạn thích ứng. Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát gần đây của Bộ Y tế, có đến 19,46% học sinh trong độ tuổi 10-16 gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần. Trong số các trường hợp tự tử, 10% ở độ tuổi 10-17.

Một kết quả của Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) đăng tải trên báo chí về kết quả nghiên cứu tự tử tại Việt Nam cũng cho thấy, có tới 25,4% người được hỏi có ý định tự tử. 15,6% người từng có kế hoạch tự tử và 4,2% người đã thực hiện hành vi này. Còn theo báo cáo chuyên đề sức khỏe tâm thần vị thành niên và thanh niên Việt Nam của Trường đại học Y tế công cộng năm 2010 cho thấy, 4,1% (409/10.044 em) nghĩ đến chuyện tự tử và 25% số này tìm cách kết thúc cuộc sống. Đáng lưu ý là tỷ lệ nữ giới nghĩ đến chuyện tự tử cao gấp hai lần nam giới. Tỷ lệ ở thành thị cao hơn nông thôn. Có tới 7,5% em tự gây thương tích nhằm tìm kiếm giải pháp thoát khỏi cảm xúc đau đớn và tâm lý căng thẳng.

Hàng năm, nhất là vào mùa tuyển sinh, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận khá nhiều trường hợp thí sinh bị sang chấn tâm lý trong quá trình học hành, thi cử. Có những trẻ thì bị trầm cảm, có trẻ thì bị rơi vào trạng thái lo âu, nhưng có những trẻ thì vừa bị lo âu vừa bị stress.

* Căng thẳng trong học hành, thi cử, áp lực thành công có phải nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn thích ứng, tự tử?

- Không phải trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoàn toàn là do học hành thi cử mà thực tế còn có nhiều yếu tố phức tạp liên quan. Có những trường hợp bản thân những đứa trẻ đã mắc bệnh rồi và khi gặp yếu tố nguy cơ thì bệnh mới bột phát. Các nguyên nhân, hoàn cảnh khiến trẻ thường bị sang chấn tâm lý là khi trẻ gặp phải những vấn đề về gia đình, tình cảm như bố mẹ ly hôn, bố mẹ - người lớn trách mắng, bạn trai/gái đòi chia tay, hay thi rớt đại học... Nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng đang nổi lên trong nhóm học sinh nói riêng và vị thành niên, thanh niên nói chung như: buồn chán, trầm cảm, có suy nghĩ và dự định tự tử.

* Biểu hiện của trẻ khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung và khi trẻ có ý định tự tử như thế nào thưa bác sĩ? Khi trẻ như vậy thì người thân cần làm gì?

- Khi gặp biến cố, trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường có những biểu hiện khác lạ so với sinh hoạt thường ngày như: thu mình lại, bỏ ăn, bỏ vui chơi, không nghe điện thoại, bỏ chương trình yêu thích, mất ngủ, sức khỏe giảm sút, ánh mắt đờ đẫn, sụt cân, nhức đầu, ngồi thừ ra không nói hoặc nói những câu rất tiêu cực; có những đứa trẻ hoảng loạn, có em bỏ nhà đi, có em thì tự tử.

Xác định rõ các yếu tố này giúp chúng ta xây dựng được các giải pháp can thiệp thích hợp để cải thiện vấn đề sức khỏe tâm thần cho các em. Khi trẻ gặp những biến cố, chúng ta nên lưu ý xem phản ứng từ các em như thế nào, để nếu cần thì đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Từ đó, sẽ có những giải pháp như tư vấn, động viên, giải thích cho trẻ hiểu; nâng cao thái độ lạc quan, giảm bớt lo âu cho trẻ. Thậm chí có những trường hợp có thể phải dùng thuốc hỗ trợ. Về lâu dài, gia đình, xã hội cần xây dựng cho trẻ một cuộc sống tinh thần lành mạnh, lạc quan. Dạy trẻ lối tư duy tích cực, thắng không kiêu, bại không nản, cho trẻ tập luyện thể thao, biết chia sẻ... Chúng ta phải chắp cánh cho những hoài bão ước mơ của trẻ chứ đừng biến nó thành áp lực.

 Tiến Đạt (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI