Vào lớp Mười: Sẽ gặp khó nếu chọn sai tổ hợp môn học

11/07/2024 - 06:16

PNO - Từ ngày 15/7, nhiều trường THPT tại TPHCM triển khai tư vấn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh vừa trúng tuyển lớp Mười chọn tổ hợp môn học trước khi bước vào năm học mới. Dù đã là năm thứ ba thực hiện chương trình mới ở bậc THPT, việc chọn tổ hợp môn lớp Mười vẫn còn mơ hồ, khó quyết định đối với phần lớn phụ huynh, học sinh.

Đã nghe nhưng chưa hiểu

Cuối tháng 3/2024, chị Ngọc Hương - phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp Mười tại quận 3 - đã được giáo viên chủ nhiệm lớp Chín của con nhắc nhở: khi chọn nguyện vọng vào trường THPT phải xem xét thêm về tổ hợp môn lớp Mười của trường đó. Nhưng đến nay, khi con đã trúng tuyển, chị vẫn chưa xác định được tổ hợp môn là gì, và con nên chọn tổ hợp môn nào để phù hợp với ngành nghề tương lai. “Tôi nghe là khi nào lên trường nhập học, nghe thầy cô tư vấn xong thì mới chọn. Con tôi chỉ nói mình muốn học toán, vật lý và tiếng Anh, còn môn sợ nhất là hóa học. Chứ nói có hợp với ngành nghề hay không thì cả mẹ và con đều không biết. Vì con vẫn chưa biết mình muốn học gì và làm gì” - chị chia sẻ.

Tương tự, Nguyệt Nga - học sinh (HS) vừa đậu vào một trường THPT tại quận Tân Phú - cho biết, khi đăng ký nguyện vọng, em đã chọn nhóm môn tự chọn là vật lý, hóa học, sinh học và địa lý. Nhưng đây chỉ là những môn học mà em yêu thích chứ không liên quan đến định hướng ngành nghề tương lai. Hiện tại, em vẫn tự hỏi không biết mình có được chọn lại tổ hợp không?

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2024 tại TPHCM kiểm tra thông tin tại điểm thi Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận)
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2024 tại TPHCM kiểm tra thông tin tại điểm thi Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận)

Ông Nguyễn Võ Đăng Khoa - Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết: ngay khi HS đăng ký nguyện vọng vào lớp Mười, sở đã khảo sát nhu cầu đăng ký nhóm môn học lựa chọn. Do đó, khi các trường THPT nhận danh sách HS trúng tuyển thì sẽ nhận được luôn thông tin môn học lựa chọn của các em. Điều này tạo điều kiện cho các trường trong việc sắp xếp các tổ hợp môn phù hợp, theo đúng chương trình mới.

Bà Đỗ Thị Việt Phương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) - thông tin: theo danh sách mà trường nhận được, HS chọn môn khá lung tung, lẫn lộn giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vì chưa được hướng dẫn. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, HS đã chọn ra hơn 60 tổ hợp, trường không thể nào đáp ứng đủ.

Năm học 2024-2025 đã là năm thứ ba thực hiện chương trình mới ở bậc THPT. Theo đó, HS sẽ học 8 môn bắt buộc là ngữ văn, toán, tiếng Anh, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Ngoài ra, HS phải chọn 4 trong số 9 môn học tự chọn theo năng lực, định hướng nghề nghiệp, gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Tuy nhiên, tùy theo tình hình, điều kiện, nhà trường sẽ tổ chức một số tổ hợp nhất định.

Tốn nhiều công sức nếu chọn sai

Năm nay, Trường THPT Võ Trường Toản có 6 tổ hợp lựa chọn, gồm 3 tổ hợp khoa học tự nhiên và 3 tổ hợp khoa học xã hội. Bà Đỗ Thị Việt Phương cho biết, HS được đăng ký nguyện vọng từ tổ hợp có sẵn, xếp theo thứ tự ưu tiên và 1 tổ hợp khác dựa theo sở thích. Nếu số lượng HS có nguyện vọng khác giống nhau lên đến khoảng 45 HS (1 lớp học) thì trường sẽ mở thêm tổ hợp thứ 7. Từ ngày 15 - 16/7, trường sẽ tổ chức tư vấn trực tiếp cho phụ huynh, HS. Nội dung giúp HS hiểu được thế nào là định hướng nghề nghiệp, các môn học nào nên đi cùng với nhau. Ví dụ, HS có thế mạnh xã hội mà chọn vật lý, hóa học đi chung với địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật thì vừa phải học nhiều, vừa không bổ trợ cho việc xét vào đại học...

Cũng theo bà, một số HS chỉ phát hiện thế mạnh, đam mê trong quá trình học cấp III nên có thể chọn sai tổ hợp. Do đó, cuối năm học, trường phải công khai kế hoạch chuyển đổi tổ hợp môn. Nếu HS có nhu cầu chuyển thì trường sẽ đáp ứng. Tuy nhiên, phụ huynh, HS phải cam kết về quyết định của mình. Bà nói thêm: “Năm học vừa rồi, trường có 2 HS lớp Mười xin chuyển từ tổ hợp tự nhiên sang tổ hợp xã hội. Khi đó, các em phải chấp nhận thiệt thòi nếu dùng phương thức xét tuyển học bạ để vào đại học, vì có thể sẽ bị khuyết 2 cột điểm của môn chuyển đổi. Đồng thời, các em phải mất thời gian tự học tại nhà và ôn luyện trên trường với thầy cô để bảo đảm yêu cầu cần đạt của môn học chuyển đổi. Việc có được chuyển hay không còn phụ thuộc vào đặc điểm của trường. Chẳng hạn HS muốn chuyển sang tổ hợp xã hội nhưng các lớp này đã đầy, không thể tiếp nhận thêm thì không thể chuyển”.

Tại Trường THPT Lương Văn Can (quận 8), bà Kim Nguyễn Quỳnh Giao - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường xây dựng 4 tổ hợp cho năm học mới. Đây là những tổ hợp hằng năm được HS chọn nhiều và nằm trong đa số tổ hợp xét tuyển vào đại học. Từ ngày 17/7, trường sẽ có 7 buổi tư vấn trực tiếp cho phụ huynh. Các thầy cô tổ trưởng bộ môn sẽ tư vấn dựa trên bảng điểm THCS, đồng thời nói rõ về chương trình học, cách kiểm tra đánh giá từng môn cho HS. Sau đó, phụ huynh, HS tiếp tục tham gia chương trình cung cấp thông tin chung của ban giám hiệu để đưa ra quyết định. Phụ huynh có 7 ngày để thay đổi tổ hợp trước khi trường phân lớp.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) - nhắn nhủ: “Khi toàn bộ HS đăng ký nhập học trực tiếp và đưa ra nguyện vọng tổ hợp, nhà trường mới định hướng, xây dựng tổ hợp làm sao đáp ứng được nhu cầu, quyền lợi của phụ huynh, HS. Nếu không thể học đúng theo nguyện vọng, HS sẽ được học chạy. Tức là học ở lớp này nhưng riêng một số môn học có thể học ở lớp khác. Trường sẽ tạo mọi điều kiện cho HS học hành thoải mái nên các em có thể yên tâm”.

3 yếu tố để chọn lựa tổ hợp môn học

Để tránh những sai lầm dẫn đến thiệt thòi về bảng điểm hay mất thời gian học lại, nhiều hiệu trưởng lưu ý phụ huynh, HS nên dựa vào 3 yếu tố để chọn lựa tổ hợp môn học. Một là sở thích để việc học không trở nên nhàm chán. Hai là năng lực để việc học không trở thành áp lực. Ba là các yếu tố khác như hoàn cảnh gia đình, truyền thống nghề nghiệp… để bảo đảm việc học tập trong tương lai được thuận lợi. HS tuyệt đối không được nghe theo bạn bè hay mong muốn của bất kỳ ai. Cha mẹ cũng không nên ép con em theo nguyện vọng của mình.

Ví dụ, HS thích tính toán, logic thì chọn tổ hợp khoa học tự nhiên; còn thích viết lách, tìm hiểu về văn hóa, xã hội thì chọn tổ hợp khoa học xã hội. Cha mẹ không nên tự quyết định để tránh trường hợp con thích viết lách, thích học lịch sử, địa lý mà ép con qua tự nhiên chỉ vì thấy con vẫn học tốt. Chỉ khi HS thật sự thích thì mới học được lâu dài.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI