Vào “khuôn”, đừng vào “khổ”

20/09/2021 - 07:55

PNO - Những ngày qua, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã thu hút nhiều chú ý của dư luận.

Dự thảo sửa đổi gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Những sửa đổi phần nào đề cập những gì luật hiện hành chưa theo kịp, như việc đào tạo nguồn nhân lực (điều 7 chương I), phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, không gian mạng, địa điểm chiếu phim công cộng, trụ sở của cơ quan ngoại giao (điều 19, 21, 22, 24 chương IV), phân loại phim (điều 32 chương IV), thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam (điều 44 chương VI). Công tác quảng bá xúc tiến phát triển điện ảnh và quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được dành hẳn một chương riêng (chương VI) cũng là điểm nổi bật của dự thảo, cho thấy nhận thức đúng đắn, kịp thời của Nhà nước về tầm quan trọng của nền điện ảnh. 

Tuy nhiên, những chính sách, cơ chế thúc đẩy điện ảnh phát triển lại khá mờ nhạt, chưa đi vào trọng tâm. Chương VI Quảng bá xúc tiến phát triển điện ảnh và quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh có 2 mục, 11 điều thì có đến 6 điều ở mục 1 Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh đề cập khá chi tiết các quy định xung quanh việc tổ chức các liên hoan phim quốc gia và quốc tế, các cuộc thi và giải thưởng điện ảnh, các tuần phim trong và ngoài nước, đều là những hoạt động mang tính giao lưu là chính.

Điện ảnh Việt Nam cần thêm những cưo chế hộ trợ để phát triển
Điện ảnh Việt Nam cần thêm những cơ chế thúc đẩy phim nội phát triển

Trong khi điều 44 Thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam chỉ đề cập chung chung là “giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam” và “Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể tại khoản 1 điều này”. Tương tự, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi cũng chưa cụ thể hóa được nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (mục 2), trong khi quỹ đã ra đời “trên giấy” được 14 năm.

Những vấn đề khác liên quan đến chính sách xây dựng, thúc đẩy công việc làm phim như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tác giả - tác phẩm, bảo hộ phim Việt, ưu đãi vốn - thuế cho những nhà làm phim trong và ngoài nước, xây dựng hệ sinh thái làm phim không được đề cập hoặc đề cập một cách rất mờ nhạt. Trong khi vấn đề liên quan đến việc quản lý phim ảnh lại được quy định cặn kẽ. Như quy định Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (điều 10 chương I) lên đến 18 điều so với luật hiện hành có 4 điều. Liên quan đến việc phân loại phim (chương IV) có 5 điều quy định, chủ yếu là chuyện giấy phép phân loại. 

Những gì dự thảo đưa ra chưa cho thấy mong muốn thúc đẩy phim nội phát triển, mà vẫn còn chăm chú đưa vào khuôn khổ quản lý. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ nên hướng đến mục đích đưa mọi thứ vào “khuôn”, chứ đừng làm “khổ” người trong cuộc, có vậy mới góp phần phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp như quan điểm Nhà nước đề ra trong Chiến lược phát triển điện ảnh năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI