Vào được thị trường Âu, Mỹ... trái cây rộng đường xuất khẩu

28/09/2020 - 11:23

PNO - Việc xuất khẩu được trái cây sang châu Âu, châu Mỹ giúp ngành hàng này giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8), lô hàng bưởi, dừa và thanh long đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang châu Âu với mức thuế suất 0%. 

Ít ngày sau đó, nhóm chuyên gia kiểm dịch thực vật từ Mỹ đã sang Việt Nam trực tiếp kiểm tra quá trình sơ chế, đóng gói, chiếu xạ các lô hàng theo yêu cầu từ phía Mỹ và công nhận “đạt yêu cầu”. Các chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản cũng đã trực tiếp tới Việt Nam để giám sát các lô hàng vải thiều tại Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Khi các lô trái cây được xuất sang Nhật, Mỹ, châu Âu thì thông tin “trái cây phải nằm chờ ở biên giới với Trung Quốc do nước này ngưng mua” cũng ngày một ít đi.

Chuyên gia Mỹ trực tiếp kiểm tra thanh long tại nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn (TP.HCM) trước khi xuất khẩu
Chuyên gia Mỹ trực tiếp kiểm tra thanh long tại nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn (TPHCM) trước khi xuất khẩu

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay, cục đã cấp khoảng 998 mã số vùng trồng trái cây các loại để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Cục cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này. Muốn xuất khẩu trái cây sang bất cứ nước nào, bắt buộc phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. 

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho hay, mỗi thị trường có những đòi hỏi riêng về quy trình, hàng rào kỹ thuật. Mỹ luôn yêu cầu các sản phẩm trái cây tươi phải được chiếu xạ, thông qua sự giám sát của cả phía Mỹ lẫn Việt Nam, còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì yêu cầu làm sạch trái cây bằng hơi nước nóng. Các thị trường khác không yêu cầu phía Việt Nam xử lý trái cây trước khi xuất khẩu nhưng yêu cầu phải quản lý từ gốc thông qua việc cấp mã số vùng trồng cho từng loại trái cây, từng địa phương phải tuân thủ các quy định của họ về các biện pháp bảo vệ thực vật. Trung Quốc cũng yêu cầu phải có mã số vùng trồng và áp dụng cho từng loại trái cây khác nhau. Ông Trung đánh giá, việc nâng cao chất lượng và chuẩn hóa quy trình sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch sẽ giúp trái cây Việt Nam đến được bất cứ thị trường nào.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA ngày càng nhiều hơn, các loại nông sản nói chung và trái cây nói riêng không chỉ hưởng những ưu đãi thuế quan mà quan trọng hơn, yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu sẽ giúp chúng ta chuẩn hóa ngành hàng này để vượt qua được những rào cản kỹ thuật, từ đó từng bước nâng cao tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu để vào được nhiều thị trường hơn. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI