Vào đại học mưu cầu danh lợi đã lỗi thời

21/03/2018 - 08:44

PNO - Từ nhiều năm qua, hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư vẫn tiếp tục thất nghiệp, trong khi các nhà máy, xí nghiệp thì lại đang rất cần những lao động có tay nghề.

Nhìn các em học sinh vật vờ trên lớp trong những ngày tháng oi bức này để bằng mọi giá đậu đại học cho bằng người ta, để cha mẹ vui lòng, để mong thay đổi đời mình, để chỉ là học tiếp vậy thôi... tôi thấy cần phải làm sao giúp các em có cái nhìn khác.

Vao dai hoc muu cau danh loi da loi thoi
Học sinh phổ thông đang nghe tư vấn tuyển sinh

Đường nghề vạn nẻo

Mới hết tháng Giêng mà nắng đã bắt đầu gay gắt. Trong lớp, học sinh (HS) mồ hôi đẫm lưng áo, má đỏ bừng, mi mắt như chỉ muốn khép lại để ngủ một giấc ngon lành. Dẫu biết rằng, phía trước là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, là con đường vào đại học (ĐH), là khát vọng của 12 năm đèn sách, thế nhưng hình ảnh của các em khiến chúng ta phải suy nghĩ. 

Ba mươi năm trước, thế hệ chúng tôi thiếu thốn nhiều thứ, từ cái ăn, cái mặc, sách vở… Còn nhớ, trên truyền hình thời đó, chương trình dành cho thiếu niên duy nhất là Những bông hoa nhỏ, bắt đầu vào đúng 7g và kéo dài 20-30 phút. Tối thứ Bảy thì có kịch nói hoặc cải lương.

Cả xóm chỉ một, hai gia đình có ti vi, muốn coi, phải lội bộ vài cây số. Nhưng điện từ bình ắc-quy chập choạng nên chẳng phải lúc nào ti vi cũng tỏ. Ngày đó, chúng tôi gần như thuộc lòng những vở cải lương như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Bên cầu dệt lụa hay Lưu Bình - Dương Lễ. Những đêm trăng, thỉnh thoảng chúng tôi còn “nhập vai” các nhân vật trong các vở cải lương.

Ít nhiều trong đầu óc non nớt của chúng tôi, những bi kịch đẫm nước mắt của thân phận đàn bà hay cái sự hiếu học, cái hào quang lấp lánh áo mão cân đai của Trạng nguyên cũng để lại dấu ấn sâu sắc. Thế hệ chúng tôi, nói không ngoa, là thế hệ của những “Trần Minh khố chuối”, vắt kiệt sức mình cho giấc mơ vinh quy bái tổ! 

Nghèo quá! Chúng tôi được dạy học để thay đổi cuộc đời. Một người biết chữ thôi trong làng đã được kính nể. Một người dạy học thì cả xóm gọi bằng thầy, kính hơn kính cha kính mẹ. Thế giới của những người có chữ là thế giới của trí tuệ và nhân phẩm. Nếu bị ai xách mé “có ăn có học mà như vậy!” là đau như bị trăm roi!

Vì vậy nên đã cắp sách đến trường, học càng cao người ta càng giữ mình cho xứng đáng. Bởi thế, đỗ ĐH với chúng tôi là điều rất đỗi tự hào không chỉ cho riêng bản thân mà còn cho cả dòng họ, xóm làng, là chạm được tay vào một thế giới khác.

Nhưng xã hội ngày nay đã khác rất nhiều. Nếu vẫn còn giữ ý nghĩ vào ĐH để có thể vinh quy bái tổ, để có thể ngẩng mặt với đời… thì e rằng không còn đúng lắm. Xã hội đang phát triển rất nhiều ngành nghề, cho nên học ĐH chưa hẳn là con đường duy nhất để vào đời, để kiếm sống, để thoát nghèo.

Chúng ta không khó để thấy một người bán trái cây dạo có thu nhập hàng tháng gấp hai ba lần lương giáo viên tốt nghiệp ĐH. Chúng ta cũng không khó để tìm một lão nông trồng bưởi với thu nhập mỗi năm tính bằng tiền tỷ, gấp chục lần lương của một anh công chức tốt nghiệp ĐH. Một người thợ cơ khí 5 năm kinh nghiệm có thể đạt mức lương bằng công chức, viên chức 10 năm…

Vao dai hoc muu cau danh loi da loi thoi
 

Với tình hình phổ cập bậc phổ thông và sự nở rộ ở bậc ĐH (ai muốn vào ĐH đều được đáp ứng) thì người có bằng ĐH bây giờ không còn là hiếm nữa. Và như một quy luật, đã không hiếm thì làm sao mà quý được. Chẳng thế mà từ nhiều năm qua, hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư vẫn tiếp tục thất nghiệp, trong khi các nhà máy, xí nghiệp thì lại đang rất cần những lao động có tay nghề.

Thế nên, để “mưu cầu” sự kính nể của người khác bằng tấm bằng ĐH bây giờ là không hợp thời nữa rồi! Đã đến lúc các em HS phải nghiêm túc nghĩ về tương lai của mình với vạn nẻo đường trong thế giới thay đổi chóng mặt như hiện nay. Có nhất thiết tất cả mấy triệu HS có học lực và năng lực rất khác nhau, cùng cố nhồi nhét kiến thức để vào ĐH? Có nhất thiết tất cả phải vào học ĐH bất kể đó là ĐH nào, học những gì và làm gì trong tương lai?

Quan trọng là học như thế nào

Là người làm giáo dục, tôi rất mong các em HS hãy tháo bỏ cái tư duy “học để nhờ tấm thân”, “học để không lam lũ”, “học để làm ông to bà lớn”. Không phải ai cũng có thể thành một nhà giáo, một bác sĩ, một kế toán hay một nhà quản trị doanh nghiệp.

Cái áo quá rộng không bao  giờ đem lại cho ta sự yên ổn. Khi ta không có khả năng mà cố gắng ngồi vào cái ghế không thuộc về mình, khác nào đứa trẻ khư khư ôm cây súng đạn đã lên nòng, có thể sẽ làm hại cho bao người khác.

Học ở đây là học để có tri thức, học để biết cách cư xử sao cho nhân văn, có kỹ năng đối diện với những vấn đề của cuộc sống... Vậy nên ĐH không phải là con đường sống chết phải theo, nếu bản thân không yêu thích, không đáp ứng được yêu cầu của việc học. Nhu cầu về kỹ sư công nghệ thông tin hiện rất lớn.

Hiện mỗi năm có hàng ngàn kỹ sư và cử nhân công nghệ thông tin ra trường, nhưng chỉ 10% trong số họ đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Điều ấy đồng nghĩa với 90% còn lại không đáp ứng. Thật là quá sững sờ! Thật là lãng phí thời gian, tiền bạc và đặc biệt là kỳ vọng của gia đình vào những tháng năm ấy.

Học, đặc biệt ở bậc ĐH, phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân người học. Nếu bản thân không ý thức nỗ lực, không tự giác, không say mê, thì trên đời này tuyệt đối không có cây đũa thần nào gõ vào để biến người ăn mày thành hoàng tử cả!

Hãy coi Harvard, hãy coi West Point, sinh viên của họ bước vào học với tâm thế như thế nào. Trường ĐH và giảng viên là một lẽ, nhưng quyết định đến hơn 70% sự thành bại trong học tập là ở chính bản thân chúng ta. Khi giữ một lối tư duy không cầu thị, không nỗ lực, thiếu động cơ và thiếu cả lòng tự trọng, mơ đến chiếc áo Trạng nguyên của thế kỷ XXI e là không thể! 

Khả Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI