Võ đường Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật không có đai cấp, trình độ môn sinh được khẳng định do công phu, khổ luyện từ thấp lên cao dần; càng lên cao, đòn thế càng phức tạp đòi hỏi tốn nhiều thời gian công sức.
Ngay từ sơ cấp, môn sinh ở đây đã được tập đấm đá bao cát, đấm đá có gắn tạ ở tay, cước pháp cực kỳ mãnh liệt khi tung đòn. Sở trường đòn tay với các pha nhập nội thần tốc, đây là môn võ cương nhu tương tế. Ngoài việc dạy võ thuật, chưởng môn Huỳnh Chí Dân còn chữa trị các bệnh phong thấp, trặc gân, gãy xương bằng phương pháp y học cổ truyền.
Tám vị tiên (bát tiên) trong Đạo giáo, được xem là những người bất tử, khi chu du về hạ giới… Chợ Lớn. Cả tám vị đều lướt khướt say, thi triển những chiêu thức võ học hư hư thực thực, thiên biến vạn hóa khiến người xem cứ gọi là… mê mẩn.
|
Chiêu pháp ném ly đá liên hoàn của Trương Quả Lão khi say |
Túy quyền - trong võ học, thực sự là một huyền thoại. Cái “phê” của môn võ say này chính từ đòn thế vô chiêu - hữu chiêu, loạng choạng tâm thế của kẻ… quắc cần câu, nhưng bất ngờ ảo diệu bởi đòn đánh đầy biến hóa. Võ học chốn giang hồ Sài Gòn có nhiều bài túy quyền, chỉ riêng võ phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật ở Chợ Lớn sở hữu bài quyền tám vị tiên đánh võ say (Túy Bát Tiên).
Võ phái Thái Lý Phật du nhập vào Chợ Lớn từ những năm 1930 có nguồn gốc từ Quảng Đông, là sự kết hợp tinh hoa tam đại môn phái danh tiếng cuối đời Thanh gồm Thái Gia, Lý Gia và Phật Gia hình thành nên môn phái Thái Lý Phật do hai vị sáng tổ là Trần Hưởng và Trương Viêm lập nên, gồm hai nhánh “Hùng Thắng Thái Lý Phật” (Trần Hưởng) và “Hồng Thắng Thái Lý Phật” (Trương Viêm).
Theo võ sư Huỳnh Chí Dân - hiện là truyền nhân đời thứ V, chưởng môn của võ phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật - đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường, cho biết: “Người đưa Hồng Thắng Thái Lý Phật đến vùng Chợ Lớn là võ sư Đặng Văn Thành (1915-2004), tức Đặng Tây, người Hoa Chợ Lớn quen gọi là Xấy Bạc (Bác Tây). Ông sinh ra tại Đặng Gia Thôn, huyện Phan Ngư, tỉnh Quảng Đông, học võ từ năm 8 tuổi cùng người chú là Đặng Tân (thuộc Thiếu Lâm Hồng Gia), năm 13 tuổi đến Quảng Châu thọ giáo Thần Thủ Đàm Tam (truyền nhân thứ ba của Hồng Thắng Thái Lý Phật và sáng tổ Bắc Thắng Thái Lý Phật)”.
Thời niên thiếu, Đặng Tây nổi danh võ lâm vùng lưỡng Quảng với quyền thuật ảo diệu, cùng tuyệt kỹ Thiết Chỉ (ngón trỏ cứng như thép) mà ông sử dụng trong trận đả lôi đài xuyên thủng lòng bàn tay phải của võ sĩ Kanashi Nhật Bản tại Hội Tinh Võ Quảng Châu ngày 9/5/1932, được hội dành tặng 6 chữ vàng “Trung Hoa thiếu niên anh hùng”, gây chấn động võ lâm bấy giờ.
Một trận tái đấu phục thù được sắp đặt nhưng Đặng Tây lặng lẽ rời bỏ cố quốc cập bến Vũng Tàu, đến Chợ Lớn sống ẩn dật bằng nghề đan sọt, tránh trận tỉ thí với võ sĩ Nhật Bản vốn mang nặng yếu tố chính trị thời cuộc khi ấy hơn là tinh thần thượng võ.
|
Võ sinh luyện tập cùng cân mộc nhân, dụng cụ đặc biệt của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật |
Võ sư Đặng Văn Thành trở thành Tổ đời thứ tư của Hồng Thắng Thái Lý Phật, lập ra Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật và đoàn lân Thắng Nghĩa Đường (năm 1979), đặt bản doanh tại câu lạc bộ Lệ Chí, đường Hải Thượng Lãn Ông, trực thuộc Trung tâm Thể dục thể thao Q.5.
Ở võ đường, môn sinh Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật ngoài luyện võ, còn được học các bài giáo thủ huấn gồm “Thái Lý Phật thập đại thủ tắc” - 10 quy tắc người luyện võ cần tuân thủ như: đắc sư (được lòng sư phụ), khổ luyện, tiết sắc (hạn chế tửu sắc), bổ thực (ăn uống bồi bổ cơ thể), khí trường (thể lực tốt, bền bỉ)… hay “Thắng Nghĩa thập tam thiên”, với những lời răn dạy được tiền nhân rút tỉa từ Đạo giáo, Phật giáo để ứng dụng vào việc rèn luyện võ học như “ấu tập lão luyện”, “vô ngã vô thường”, “từ bi xuất thế”, “chí cần song tiến”, “thiền võ hợp nhất”, “tiên lễ hậu binh”…
|
Các võ sinh của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật trong giờ luyện võ |
Đến dự khán giờ học của môn sinh Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, cảm giác như được hòa nhập vào không khí gia đình, tình huynh đệ, phụ tử, và tính chân truyền được thể hiện triệt để.
Nói về công việc truyền bá tuyệt đỉnh công phu của môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, võ sư Huỳnh Chí Dân, chia sẻ: “Tất cả những gì nguyên bản của võ phái đều được gìn giữ, các bài tập cũng không thay đổi, võ sinh phải luyện tập cơ bản thật bền bỉ để con người thông kinh lạc, gân cốt mạnh khỏe, dẻo dai, mới tiếp tục học tiếp đến các bậc cao hơn. Võ phái chúng tôi chú tâm vào dạy đạo, dạy tính cách làm người. Học võ thì dễ, học đạo mới khó, võ mang tính cương, khó kiềm chế, nên cần phải có đạo để giáo dục và cân bằng con người”.
Bài võ say trứ danh Túy Bát Tiên của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật ra đời dựa theo tích truyện các vị tiên khi dự hội tiệc bàn đào đã nếm rượu và chếnh choáng say.
Tính cách từng vị tiên từ đó được thể hiện qua các động tác võ học, tạo nên một bài võ say đầy hấp dẫn, đa phong cách khi mượn hình ảnh thân thế tám vị tiên từ vẻ tật nguyền của Lý Thiết Quải, thư sinh ở Hàn Tương Tử, nữ tính dịu dàng của Hà Tiên Cô, đủng đỉnh tuổi già như Trương Quả Lão, oai hùng cùng Hán Chung Ly, đạo mạo Lữ Động Tân, khí phách như Tào Quốc Cữu, tinh nghịch đồng tử Lam Thái Hòa.
Tám vị tiên, tám cốt cách phô diễn trọn vẹn chỉ qua các động tác nửa say nửa tỉnh, để người ngoài diện kiến Túy Bát Tiên của Thái Lý Phật, sẽ thấy ở đó “hình say nhưng ý không say”, người say mà tâm tỉnh (nhân túy tâm bất túy).
|
Tám vị tiên là hình ảnh quen thuộc trong văn hóa người Hoa khu Chợ Lớn |
Để luyện thành bài Túy Bát Tiên, võ sinh của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật phải trải qua thời gian dài khổ luyện đòn thế, chiêu pháp từ cơ bản đến thuần thục, thể chất đạt cao độ mới có khả năng thi triển bài quyền danh tiếng này.
Nếu so các bài túy quyền mang tinh thần chủ đạo là người say múa võ, Túy Bát Tiên đòi hỏi yêu cầu khó hơn là động tác say, bộ mã chao đảo, nhưng phải phô diễn được hình ảnh riêng biệt từng vị tiên, kèm theo đó là kình lực phát ra tương xứng với những cú đánh liên hoàn, đa dạng, từ cước pháp biến ảo, đến chỏ, gối, trảo, chụp, khóa, chưởng toát lên thần thái một võ nhân trong thân pháp người say với bộ pháp lánh đòn, tránh né uyển chuyển, nhịp nhàng, hữu ý mà như vô ý, và quan trọng là lột tả rõ nét vị tiên nào đang say chỉ qua động tác võ học.
Vận dụng yếu tố thần thoại, truyền thuyết, tôn giáo, võ thuật, mượn ý say trong men rượu diễn tả nét tinh hoa của tiên giới, bài quyền Túy Bát Tiên xứng đáng để hậu thế gìn giữ và truyền đời, là niềm tự hào của môn sinh Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật chân truyền Chợ Lớn xưa và nay.
Khải An