PNO - Từ nơi “địa ngục trần gian”, những bài thơ/trang văn/vở kịch đã ra đời, là tiếng lòng và cũng là tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ của các chiến sĩ cộng sản. Những tờ báo viết tay trong xà lim trở thành hiện vật quý giá đến ngày sau.
Đứng trước trại giam Phú Tường (chuồng cọp Pháp), soạn giả Cao Đức Trường (Trương Huyền, cựu tù chính trị Côn Đảo) nhớ lại quãng thời gian ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Đó là vào khoảng giữa tháng 4/1971. “Đến tháng 6/1972, giặc đưa hơn 300 chị em nữ tù ra Côn Đảo. Lúc đó, anh em chúng tôi như con xà niên, tóc dài, râu dài, không còn ra con người nữa. Các chị ở ngoài song sắt nhìn vào, đều khóc ngất” - ông kể.
Soạn giả Cao Đức Trường kể lại thời ông bị địch bắt giam ở Côn Đảo khi cùng đoàn đại biểu đến thăm trại giam Phú Tường - ẢNH: NGUYÊN HÙNG
Cho đến bây giờ, soạn giả Cao Đức Trường vẫn không thể nào quên bài thơ Tiếng lòng sau song sắt mà nhà thơ Dân Thanh viết cho vợ - nữ tù Bửu Liên. Nỗi đau riêng hòa vào niềm chung, trong những vần thơ: “Nhìn qua song sắt gặp mình/ Chỉ xa gang tấc mà thành mênh mông/ Ra đây nào phải thăm chồng/ Sa cơ mình bị gông cùm trước tôi/ Tình yêu lẽ sống trên đời/ Ngục tù Côn Đảo ngắt lời thề riêng/ Còn chưa bẻ gãy xích xiềng/ Gặp nhau ta nói bằng tim nghe mình…”.
Trong số những người bị giặc bắt giam ở Côn Đảo, còn có thầy đờn Huỳnh Văn Gừng (Sáu Đờn). Là người phụ trách văn nghệ, ông động viên Cao Đức Trường viết tuồng. “Anh em mỗi khi được ra sân tắm nắng, thấy giấy vụn là lụm về đưa cho tôi để dành viết kịch bản. Cứ 10 giờ đêm là tôi bắt đầu ngồi viết, sau 4 tháng tôi hoàn thành xong vở Tiếng thét bên kia sông. Anh em phân vai rồi cùng diễn, tôi cũng lo lắng không biết diễn tuồng trong tù có bị đánh, bị đàn áp không. Không ngờ lúc diễn, lính gác trèo tường nhìn qua lỗ thông gió coi tụi tôi hát” - soạn giả Cao Đức Trường nhớ lại.
Những vở diễn ông viết đều kể câu chuyện có thật về những người chiến sĩ cách mạng kiên trung, gói ghém niềm riêng mà nguyện một tấc lòng hy sinh vì nước. Câu vọng cổ viết từ một thời lửa đạn được soạn giả Cao Đức Trường hát lại, khiến người nghe rơi nước mắt: “Các con ơi! 14 năm qua hình ảnh của mẹ con không phải hiện về chỉ trong giấc ngủ/ Ba nhớ cảnh mẹ con ngã nhào bên bờ mương mà 2 tay cứ quơ lên như tìm con trẻ/ Mảnh đạn đã banh hết ruột gan máu tuôn xối xả mà mẹ con vẫn không một tiếng kêu rên trước khi nấc lên rồi trút hơi thở sau cùng…”.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến nói, với thế hệ ông ngày ấy, Côn Đảo là nơi chốn xa xôi mịt mù, bị lưu đày có nghĩa là không hẹn ngày về. Vậy nhưng, từ ngục tù tăm tối đày ải ấy, những người yêu nước vẫn sáng tác. Những lời ca, tiếng nhạc, những vần thơ cất lên từ xà lim vừa là lời động viên, an ủi vừa hun đúc tinh thần chiến đấu cho đồng chí, đồng đội. Từ những trại giam, chuồng cọp, họ “Gửi cho nhau một biển cười quyến luyến/ Một thoáng nhìn chia sẻ vết đau thương/ Một nén môi giữ chặt mối căm hờn/ Một nhăn trán sắc như đường kiếm thép…” (trích bài thơ Tình đồng chí trong tù của nhà thơ Dân Thanh); hay những vần thơ của tác giả V.P (trên tờ báo Sinh Hoạt số Xuân 1973): “Ta vẫn đi dù bom pháo nổ ngang đầu/ Đất cày đỏ vẫn xanh màu khoai lúa…”.
Những tờ báo nắn nót, chuyền tay
Đến thăm Bảo tàng Côn Đảo (theo hành trình về nguồn do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, từ ngày 9-11/11), một trong những điều khiến người viết vô cùng xúc động đó là những trang báo viết tay, nắn nót từng dòng chữ. Những trang viết ngày ấy trở thành tư liệu quý giá cho hôm nay và mai sau.
Sinh Hoạt là tờ báo đầu tiên của thời Mỹ - Ngụy (giai đoạn 1955-1975) ra đời tại trại 6B, số 1 phát hành ngày 20/11/1972. Sau đó có thêm các tờ: Xây Dựng, Rèn Luyện, Niềm Tin, Đoàn Kết, Tiến Lên, Phấn Đấu, Quyết Tâm… với các chuyên mục: tin tức, bút ký, hồi ký, thi ca, xã luận… Thông qua những tờ báo chuyền tay này, các chiến sĩ trong tù vừa cung cấp thông tin vừa chia sẻ cảm xúc, động viên tinh thần nhau. Riêng tờ Xây Dựng (số 1 ra tháng 3/1973, phát hành được 12 số báo) đã góp phần biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, rèn luyện đội ngũ tù chính trị trại 6B.
Trên tờ Sinh Hoạt (phát hành mùa thu năm 1972) có bài thơ Bài ca tháng Mười của Tố Hữu; cùng những bài viết của tác giả ghi tên tắt: V.P, T-L, H., L-X…: Tiếng anh hô, Quyết tâm phải thắng bạo tàn, Khi căm thù thôi thúc, Những ngày lịch sử… Nhiều bài viết nêu cao tinh thần cách mạng: Giương cao ngọn cờ Độc lập - Tự do Hồ Chí Minh, Mài sắc lý luận đấu tranh cho Hiệp định và Nghị định thư, Người tù trong biển lửa Điện Biên, Mừng ngày sinh nhật Đảng - Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ…
Những trang báo viết tay trong tù năm xưa đang được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo - ẢNH: HÀN GIANG
Báo Xây Dựng số 4 có bài bút ký 4 tháng ở chuồng cọp, miêu tả cuộc sống của người tù “không khác gì đàn heo nuôi trong chuồng cọp bị ngập nước”, vì “hầm đá chật hẹp mà lại ẩm thấp, hễ mỗi lần trời mưa là anh em chúng tôi thức suốt đêm không ngủ được”. “Mới 3 tháng sống chật chội, dơ bẩn đã làm cho chúng tôi mụn nhọt, ghẻ lở nổi lên đầy mình, bệnh hoạn, gầy ốm xanh xao, tình trạng vô cùng đau xót. Trong hầm đá, 17 anh em chúng tôi đang im lặng căm hờn, bỗng có tiếng ồn ào la gọi xa xa.
Ngoài sân lũ trật tự đang dồn về phía trước, mấy tên đứng gác ở miệng hầm cũng chăm chăm nhìn về một phía. Anh Đ. nói với tôi: “Chắc là có chuyện gì xảy ra rồi đó, anh em chuẩn bị tinh thần đi”. Thế là tất cả chúng tôi trong tư thế sẵn sàng chiến đấu” - trích 4 tháng ở chuồng cọp. Đó là lúc bên ngoài có những tiếng hô khẩu hiệu: “Phải chấm dứt đánh đập, chống lưu đày”. Tiếng hô “mỗi lúc một lớn với những tiếng gào thét hờn căm, tạo thành những nhát búa đánh vào đầu lũ giặc, làm chấn động cả bầu trời Côn Đảo”…
Biết bao đau thương, đày ải và mất mát, hy sinh ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo - nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất Đông Dương trước năm 1975. Nhưng cũng từ nơi ấy, các chiến sĩ cách mạng vẫn giữ một lòng kiên trung với ý chí sắt thép và niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng. Những sáng tác từ xà lim Côn Đảo là tiếng lòng của người tù mà cũng là tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ, còn mãi vang vọng đến ngày sau.
Trại giam Phú Tường, Phú Sơn, Phú Hải, chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ, khu biệt lập Chuồng Bò... đã trở thành những địa chỉ đỏ; để đời sau mãi mãi ghi nhớ về nơi từng ghi dấu bước chân lưu đày của hàng trăm ngàn người tù chiến sĩ cộng sản; để rơi nước mắt trước những “chuồng cọp” từng là nơi giam giữ và tra tấn dã man những người yêu nước. Bây giờ, hoa nở bình yên bên những chân tường nhà giam và nắng soi sáng qua những xà lim năm xưa đầy bóng tối…
Báo chí trong nhà tù Côn Đảo thời chống Pháp
Theo tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Côn Đảo, những tờ báo trong tù đầu tiên xuất hiện thời kháng chiến chống Pháp vào năm 1931. Đó là các tờ: Hòn Cau tuần báo và Tiếng Sóng bể (Trần Huy Liệu làm chủ bút), Người tù đỏ - tiếng nói của Hội Tù nhân (Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Giáp phụ trách, xuất bản hằng tuần) và Ý kiến chung (Phạm Văn Đồng và Bùi Công Trừng phụ trách). Năm 1935, báo Người tù đỏ do đồng chí Tôn Đức Thắng trực tiếp chỉ đạo, cùng ban biên tập là các đồng chí: Trần Văn Giàu, Hà Thế Hạnh và Nguyễn Văn Hoan. Ý kiến chung là cơ quan lý luận phục vụ việc nghiên cứu lý luận trong tù.
Giai đoạn 1948-1950, Liên đoàn Tù nhân Côn Đảo được thành lập. Theo đó, tờ Côn Đảo mới được ra đời. Cùng thời điểm, Ban Tuyên huấn Liên đoàn Tù nhân xuất bản tờ Đời sống mới. Tù nhân ở các khám cũng ra báo: Bạn tù (khám tử hình), Đoàn kết (Sở Rẫy An Hải), Tiến lên (kíp Lò Vôi), Thắng lợi (Sở Củi), Tiền phong (Sở Chỉ Tồn), Cởi áo giang hồ (tù thường phạm)… Ngoài ra còn có tập san Công nhân và Văn nghệ - tiếng nói của Hội Văn nghệ, nhằm cổ vũ cho đội ngũ sáng tác.