Vàng vẫn là vàng, dân cứ yên tâm mua bán

04/04/2018 - 15:29

PNO - LS Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật sư TP.HCM - cho biết, hai ngày qua, ông nhận được rất nhiều cuộc gọi của các chủ tiệm vàng để hỏi thông tin về thông tư mới, trong đó nói vàng được xem là một ngoại tệ

Tại tiệm vàng Kim Phát Thành Danh (H.Hóc Môn, TP.HCM), mới sáng sớm đã có ba người khách đến hỏi thông tin liên quan: “Tôi có trữ mấy cây vàng, giờ đem ra tiệm vàng bán được không?”.

Chủ tiệm vàng này cho biết, hầu hết, khách hàng của tiệm là người lao động, họ có biết việc mua bán ngoại tệ trái phép là vi phạm, nếu bị phát hiện, sẽ bị tịch thu. Nay họ nghĩ vàng là ngoại tệ nên sợ bị tịch thu khi đem bán sai nơi quy định. Để giữ chân khách hàng, chủ tiệm vàng Kim Phát Thành Danh phải cam kết rằng, cửa hàng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với giao dịch, mua bán vàng.

Vang van la vang, dan cu yen tam mua ban

Chủ một tiệm vàng trên đường Phan Văn Hớn (Q.12, TP.HCM) cho biết, cửa hàng của bà không được phép thu đổi ngoại tệ nên một số khách hàng chọn cửa hàng vàng được phép thu đổi ngoại tệ để giao dịch, dù biết “mua vàng ở tiệm này, bán ở tiệm kia sẽ mất giá”. 

Trước những băn khoăn của người dân, ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) - khẳng định: “Người dân cứ yên tâm mua bán vàng mà không sợ vi phạm”.

Ông Dưng giải thích, thông tư mới này quy định cho nội bộ ngân hàng (Thông tư số 22/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp hạch toán kế toán vàng tại tổ chức tín dụng tương tự như hạch toán kế toán đối với ngoại tệ, có hiệu lực từ ngày 1/4/2018). Thông tư không quy định “vàng được coi là một ngoại tệ”. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, nhiều câu chữ, nội dung của thông tư 22 dễ gây hiểu lầm. Chẳng hạn câu "vàng được thanh khoản như một ngoại tệ" sẽ khiến người dân hình dung là vàng được đem thanh toán giống như một ngoại tệ.

Một thành viên hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, tới đây Ngân hàng Nhà nước nên xem xét vàng là ngoại tệ, để các ngân hàng thương mại có thể tự do chuyển đổi vàng sang ngoại tệ và ngược lại. Điều này sẽ kích thích người dân giao dịch vàng nhiều hơn, ngân hàng chuyển hóa được hàng chục tấn vàng tiết kiệm trong dân thành vốn cho nền kinh tế. 

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính đầu tư - vàng là một loại hàng hóa mà người dân dự trữ. Việc đưa vàng trở thành tiền tệ không mang nhiều lợi ích so với tác động bất ổn đến tâm lý người dân.

Tỷ giá ổn định nhờ sức mạnh đồng tiền Việt Nam ổn định và cả sự ổn định trong quản lý tài khóa, nguồn tiền cung ứng hợp lý chứ không phải nằm ở vàng. Một khi tiền đồng Việt Nam ổn định, nền kinh tế phát triển tốt thì dân sẽ không giữ vàng ở nhà.

Cũng theo ông Hiển, việc cho phép ngân hàng chuyển vàng thành ngoại tệ và ngược lại có thể gây nhiều hệ lụy. Nếu ngân hàng đó không có phương thức bù trừ rủi ro, vàng tăng giá mạnh, người dân đồng loạt rút vàng thì ngân hàng sẽ phá sản, tạo nên một thị trường tài chính bất ổn. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI