Vàng ơi, về đi!

07/07/2017 - 12:45

PNO - Tôi nhớ mình từng khóc như mưa, khi “người bạn bốn chân” thân thiết suốt thời thơ ấu bị ốm nặng rồi qua đời. Năm ấy tôi lên năm.

Bọn trẻ nhà tôi mong muốn mãnh liệt được mẹ cho phép nuôi một “em” thú cưng, nhưng tôi chưa vội đồng ý. Sau nhiều lần ậm ừ, chiều nay tôi quyết định trả lời con rằng mẹ không muốn điều đó, chẳng phải vì chúng không đáng yêu, mà mẹ nghĩ rằng chúng ta chưa sẵn sàng để có trách nhiệm thực sự với cuộc đời của một ai đó, dù chỉ là một chú cún bé nhỏ.

Mọi chuyện sẽ chỉ được giải quyết, khi các con lớn hơn, có khả năng tự lập và chăm sóc thật tốt cho bản thân mình. Chỉ khi nào con thực sự ổn, thì con mới biết cách làm cho sinh vật khác ổn.

Vang oi, ve di!
Vàng ơi! 

Các con đành tiu nghỉu nghe theo, dù tôi biết trong lòng các cô cậu vẫn không ngừng thôi thúc ước mong được sở hữu một sinh vật nhỏ bé. Cảm giác được là một người quan trọng, được chở che, chăm sóc một ai đó thuộc về mình, không phải rất đáng để tự hào hay sao?

Thực ra, có một lý do khác tôi chưa thể nói cho các con biết. Chiều nay đi làm về, ngang qua một con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ, tôi trông thấy một cô bé đang loay hoay dán lên cột điện một mảnh giấy được xé vội từ quyển tập học sinh. Đôi mắt buồn thăm thẳm của em khiến tôi phải dừng lại và tò mò về những gì trong tờ giấy ấy. Đó là bức vẽ một chú mèo vàng, tô màu được đóng khung cẩn thận.

Có lẽ một chú mèo đi lạc, tôi đoán vậy. Bên dưới là dòng địa chỉ nhà được viết bằng nét chữ trẻ con nắn nót, cùng lời hứa “hậu tạ” cho bất cứ ai tìm được chú mèo giúp em. Mọi thứ đều ngô nghê đến đáng yêu, khiến mọi người lớn đi ngang, ngó qua tờ giấy mà không khỏi bật cười. Ai đó còn xuýt xoa: “Mèn ơi, cưng quá!”. 

Chỉ có mỗi đôi mắt kia là vẫn buồn, buồn ơi là buồn! Tôi đồ rằng trong lúc thực hiện “dự án tìm mèo lạc” của mình, đôi mắt ấy phải đầm đìa dễ đến mấy bận.

Có những điều nhỏ xíu khiến người lớn chúng ta bật cười và dễ dàng quên ngay. Vì chúng ta có quá nhiều gánh nặng phải lo toan, và trải nghiệm đủ lâu với hàng trăm nỗi buồn các thể loại. Nên những nỗi đau bé bỏng của cô chủ mèo vàng, ít ai thấu hiểu được.

Vang oi, ve di!
 

Nhưng nỗi đau ấy đối với một đứa trẻ là ghê gớm lắm. Ở độ tuổi chưa phải va chạm với chua cay mặn đắng của cuộc đời, thì sự chia ly, mất mát với thứ mình từng yêu thương, gắn bó gần như là cú sốc không dễ gì quên.

Tôi nhớ mình từng khóc như mưa, khi “người bạn bốn chân” thân thiết suốt thời thơ ấu bị ốm nặng rồi qua đời. Năm ấy tôi lên năm. Đứa trẻ lên năm chưa sẵn sàng với nỗi đau mất mát này.

Đứa trẻ lên năm không thể chấp nhận sự thật là người bạn của nó không còn trên đời nữa. Mà nỗi đau vĩ đại của một đứa trẻ lên năm thì chỉ bằng một cái tặc lưỡi của người lớn, nên nó chỉ biết lủi thủi gặm nhấm nỗi buồn, một mình, cho đến khi nỗi buồn cũ đi và thay bằng niềm vui mới.

Cũng may trẻ con dễ buồn, dễ khóc, mà cũng mau quên. Ấy vậy mà khi lớn lên và miễn nhiễm với một vài thứ làm mình đau đớn, tôi vẫn ước gì mình trải qua sự chia ly đầu đời ấy vào thời điểm đủ mạnh mẽ hơn cái thuở lên năm lên sáu, để có thể điềm nhiên đi qua mọi tổn thương. 

Tôi sẽ đồng ý cho các con làm bạn với một “em” thú cưng. Tôi muốn các con được nuôi dưỡng lòng nhân hậu, và học cách chăm sóc, chở che người cô thế. Nhưng sẽ là khi nào các con nhận ra rằng: biết hạnh phúc khi yêu thương một ai đó, thì cũng phải biết chấp nhận buông tay. Vì cuộc đời là thế, có bao giờ là dễ dàng, bằng phẳng đâu! 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI