“Vang mãi bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”

16/04/2025 - 09:38

PNO - Tọa đàm “Vang mãi bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” diễn ra tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chiều 15/4. Chương trình do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.

Toạ đàm là cuộc hạnh ngộ xúc động của các thế hệ phụ nữ quân đội.
Tọa đàm là cuộc hạnh ngộ xúc động của các thế hệ phụ nữ quân đội

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh, trong số hàng triệu người gia nhập lực lượng vũ trang, có hàng vạn phụ nữ đã tình nguyện nhập ngũ, sẵn sàng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác trong quân đội. Chiến tranh càng ác liệt, số phụ nữ tham gia quân đội càng đông.

Hòa bình lập lại, “lớp chị trước, lớp em sau” trong đội ngũ phụ nữ quân đội đã không ngừng nỗ lực tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Càng ở những nơi khó khăn, gian khổ, càng có nhiều sự cống hiến, hy sinh của phụ nữ quân đội, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất; giữ vững và tô thắm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội - phát biểu tại toạ đàm
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội - phát biểu tại tọa đàm
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền (bìa phải) tặng hoa tri ân các nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tham dự toạ đàm.
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền (bìa phải) tặng hoa tri ân các nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tham dự tọa đàm

Các tham luận tại tọa đàm tập trung làm rõ 3 cụm nội dung chính, gồm: “Đại hùng ca chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam”; “Bản hùng ca của Phụ nữ Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” khắc họa phẩm chất “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”; Phụ nữ Quân đội phát huy truyền thống, noi gương các thế hệ đi trước, viết tiếp chiến công trên mọi lĩnh vực công tác, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại tá, TS Lê Thanh Bài - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam – mở đầu toạ đàm với tham luận “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”
Đại tá, TS Lê Thanh Bài - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam - mở đầu tọa đàm với tham luận “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”
Ban tổ chức chiếu các thước phim tư liệu quý giá.
Ban tổ chức chiếu các thước phim tư liệu quý giá

Bà Phạm Thị Diệu - Phó giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - chỉ ra, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 có hơn 2 triệu lượt phụ nữ miền Nam nổi dậy vũ trang, phát huy cách đánh 3 mũi sở trường. Có cả trăm đơn vị nữ thuộc các loại binh chủng: bộ binh, pháo binh, công binh, đặc công, biệt động.

Và, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, hàng vạn phụ nữ ở vùng căn cứ, vùng giải phóng tự nguyện tham gia vào các đoàn dân công phá đá, đào hầm, làm cầu, mở đường. Xe đạp thồ do các nữ chiến sĩ đoàn H50 đảm nhiệm làm việc suốt ngày đêm, góp phần đảm bảo hậu cần, nhất là vũ khí, đạn dược.

Đại tá Võ Thanh Sơn - Phó chính uỷ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre - thì xúc động nhắc đến “Đội quân tóc dài” và đơn vị C710 tức “Bộ đội Thu Hà” trong tham luận “Chiến công oanh liệt của “Đội quân tóc dài” và “Bộ đội Thu Hà” trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Giai đoạn 1961-1964, “Đội quân tóc dài” đã huy động hàng vạn lần đấu tranh với hơn 3 triệu lượt người tham gia, qua đó đã có 20.436 thanh niên không bị bắt lính, giải thoát 2.461 người khỏi cảnh tù đày, 783 nhà không bị đốt cháy.

Đơn vị nữ vũ trang mang phiên hiệu C710 thành lập năm 1964 với quân số 46 chị, biên chế thành 3 tiểu đội chiến đấu và 1 tiểu đội văn phòng. Ban đầu, nhiệm vụ của các chị là vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng xã, ấp chiến đấu, chống địch càn quét, lấn chiếm, đi đôi với vận động thanh niên tòng quân. Sau đó, các chị được giao nhiệm vụ trinh sát, cung cấp tình hình cho các đơn vị bộ đội đánh địch, đồng thời trực tiếp chiến đấu, cải trang xâm nhập sâu vào vùng địch để trừ gian, diệt ác.

Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM - cùng các đại biểu đọc kỷ yếu giới thiệu các nội dung chính của tọa đàm
Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM - cùng các đại biểu đọc kỷ yếu giới thiệu các nội dung chính của tọa đàm
Đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại toạ đàm.
Đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại tọa đàm

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, ban tổ chức vô cùng xúc động và trân trọng được đón nhận 50 bài tham luận đầy tâm huyết, chất lượng cao từ các chuyên gia, các nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học, lãnh đạo Hội LHPN từ Trung ương tới các tỉnh, thành trong cả nước, thủ trưởng, đại biểu cơ quan chính trị các đơn vị trong toàn quân. Bên cạnh các phát biểu tham luận, tại tọa đàm, ban tổ chức cũng chiếu nhiều thước phim tư liệu quý giá về những chiến công vang dội của phụ nữ giải phóng khu Đông Nam Bộ, về phụ nữ Khu 5 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI