Vàng liên tục giảm xuống dưới 67 triệu đồng/lượng, có nên mua vào?

09/07/2023 - 15:14

PNO - Trong tuần qua giá vàng liên tục giảm xuống dưới mức 67 triệu đồng/lượng, rồi bật tăng ngay sau đó khiến nhiều người phân vân không biết có nên đầu tư vàng trong thời điểm này hay không.

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 9/7, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mốc 66,45 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với ngày 7/7, giá vàng SJC đã tăng thêm 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.

Hiện giá vàng thế giới đang giao dịch quanh mốc 1.922 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với ngày 7/7 vừa qua. Quy đổi theo tỉ giá ngoại tệ Vietcombank 1USD = 23.810 VND, giá vàng thế giới khoảng 55 đồng/lượng, vẫn thấp hơn 12 triệu đồng/lượng.

Trong vòng hơn nửa năm qua, giá vàng thế liên tục biến động tăng mạnh, trong khi giá vàng SJC trong nước vẫn chỉ quanh quẩn quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. Những ngày gần đây giá vàng dao động với biên độ mạnh hơn, nhiều người cho rằng có thể "lướt sóng" vàng được. Nhất là khi lãi suất huy động các ngân hàng liên tục giảm, tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm không còn quá hấp dẫn.

Dù không biến động trong vòng nửa năm qua nhưng vàng vẫn là tài sản hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.
Dù không biến động trong vòng nửa năm qua nhưng vàng vẫn là tài sản hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - nhận định, tại thị trường thế giới, vàng đang là tài sản hấp dẫn hơn do không bị giảm giá như tiền tệ, không bị áp đặt giá, không có rủi ro chính trị. Bằng chứng là trong thời gian gần đây nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển đang tăng. Trong quý I/2023, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vàng vào dự trữ toàn cầu. Trong đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore bổ sung 69 tấn vàng, cao hơn 45% so với cuối năm 2022. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì mua thêm 58 tấn, hiện giữ 2.068 tấn vàng trong kho dự trữ. Thổ Nhĩ Kỳ tăng dự trữ thêm 30 tấn, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ bổ sung thêm 7 tấn. Ngoài các ngân hàng thì sau khi mở cửa trở lại sau chính sách “Zero COVID”, trong quý I/2023, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 198 tấn trang sức.

Hiện nay, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông tin sẽ tiếp tục tăng lãi suất 1-2 kỳ nữa để kiểm soát lạm phát thì sẽ tác động tới vàng, có thể làm giá vàng thế giới tiếp tục tăng và nhu cầu mua vàng trên giới cũng tăng.

Riêng ở Việt Nam, trong bối cảnh bất động sản giảm và đóng băng, chứng khoán sụt giảm, lãi suất tiền gửi giảm thì vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Trong quý IV/2022 vừa qua, nhu cầu đầu tư vàng của người dân vẫn tăng. Trong quý I/2023 vừa qua, nhu cầu mua vàng có giảm khoảng 20% nhưng chỉ giảm ở mảng vàng nữ trang, riêng vàng nhẫn, vàng miếng vẫn có nhu cầu. Đó là lý do dù giá vàng thế giới biến động mạnh nhưng giá vàng SJC trong nước vẫn luôn cao hơn giá vàng thế giới 10 triệu đồng/lượng. Theo dự báo, trong năm 2023, do kinh tế khó khăn nên nhu cầu vàng nữ trang có giảm nhưng nhu cầu vàng đầu tư vẫn sẽ tăng. Song thị trường vàng trong nước chỉ phù hợp với nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, đầu tư dài hạn, còn nếu lướt sóng trong thời gian ngắn thì sẽ không có lợi nhuận. Nên chia đầu tư thành nhiều mục chứ không nên tập trung hết vào vàng. 

Theo nghiên cứu mới đây của công ty môi giới tài chính Forex Suggest (Luxembourg), trong năm 2022 vừa qua, Việt Nam là một quốc gia có nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh nhất thế giới, với mức tăng 51% so với năm 2022. Xét về mức tăng nhu cầu vàng nói chung, Việt Nam đứng thứ ba thế giới với mức tăng 37% so với năm 2021. Còn xét về mức tăng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới với 41% chỉ sau Ai Cập (693%), Nga (374%), Iran (64%), Thổ Nhĩ Kỳ (38%) và Singapore (32%).

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI