Vàng lên giá, mình nuôi con có… khó quá?

20/04/2025 - 19:44

PNO - Giá vàng tăng phi mã trong vài ngày gần đây kéo theo không ít nỗi lo. Nuôi con trong thời bão giá và cơn lốc mất việc liệu có... khó quá?

Giá vàng tăng phi mã trong vài ngày gần đây có lẽ là chủ đề thu hút nhất, kéo theo không ít nỗi lo của những bậc làm cha mẹ giữa cơn lốc mất việc đang lan rộng.

“Làm sao để gia đình vẫn sống ổn định, con cái học hành đầy đủ, mà không rơi vào cảnh nợ nần, thiếu trước hụt sau?” - đây chính là nỗi băn khoăn lớn nhất mà hầu hết mọi gia đình đều phải đối mặt.

Giá vàng tăng dựng đứng kéo theo vật giá leo thang khiến nhiều người lo lắng (ảnh minh họa)
Giá vàng tăng dựng đứng kéo theo vật giá leo thang khiến nhiều người lo lắng (ảnh minh họa)

Nhiều người tếu táo treo status vui trên mạng xã hội: “Trời xanh mây trắng nắng vàng/ Hôm nay nghèo quá, giá vàng bao nhiêu?”. Giả đò hỏi cho có vậy thôi, chứ thật sự trong quãng thời gian đầy biến động này, với cơn lốc tinh giản, đào thải nhân sự, người mất việc rất nhiều, miếng ăn còn chật vật, chuyện sắm vàng “lận lưng” như ông bà ta hồi xưa là chuyện khó như… hái sao trên trời!

Sau đại dịch COVID -19, chính quãng thời gian này là giai đoạn “khó ở, khó thở” nhất với người Việt. Kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát tăng, giá vàng liên tục “nhảy múa” kéo theo hệ lụy giá xăng dầu tăng, thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng khác cũng theo đó leo thang.

Bạn bè tôi có những người buồn thiu vì hơn 3 tháng cơ quan chưa phát lương cho nhân viên. Nhưng chính “cái khó ló cái khôn”, nhiều mẹ bỉm tranh thủ buổi tối nhận việc làm thêm, hoặc làm đồ ăn bán online, tạo thu nhập phụ. Bạn tôi mới tập tành buôn bán, tiền lời bánh trái chỉ đủ thanh toán hóa đơn điện nước, học phí cho con. Bạn nói, không biết phải bán bao nhiêu cái bánh mới mua nổi một chỉ vàng, nên không dám mơ!

Tôi cũng không còn ngạc nhiên khi bữa nọ đặt xe công nghệ trúng ngay tài xế là ông chồng công chức bảnh bao của bạn mình. Anh cũng chẳng tỏ vẻ gượng gạo gì với nghề tay trái này.

“Chạy xe công nghệ thì đã sao, vẫn nhàn hơn khối người đang khổ sở ngoài kia!”. Anh đang nỗ lực làm ngày làm đêm để lo cho đứa con lớn đang học Đại học, đứa nhỏ học cấp III. Trước đây, lương 2 vợ chồng đủ xài. Bây giờ, thậm chí mì gói cũng tăng giá, lương 2 vợ chồng lại bị giảm đi, vị trí của anh trong công ty cũng đang bị đe dọa thay thế bởi công nghệ AI, không có điều gì chắc chắn. Tiêu chí của 2 vợ chồng bây giờ là “làm nhiều hơn, xài ít đi”.

Tiêu dùng thông minh, tiết kiệm, cắt giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu trong cơn bão giá, mất việc hiện nay (ảnh minh họa)
Tiêu dùng thông minh, tiết kiệm, cắt giảm chi phí là ưu tiên hàng đầu trong cơn "bão giá, mất việc" hiện nay (ảnh minh họa)

Với những gia đình cả 2 vợ chồng cùng hợp lực nuôi con thì cũng “dễ thở” hơn mẹ đơn thân hoặc cha đơn thân nuôi con. Những ngày đưa rước con nhỏ, tôi thường gặp người đàn ông ấy. Mỗi sáng, anh cùng ngồi với 2 đứa con trai nhỏ, cho con ăn sáng trước khi vô trường. Vợ mất khi con còn nhỏ xíu, anh vừa làm cha, vừa làm mẹ. Lân la hỏi chuyện, anh nói mình mới mất việc ở xưởng in gần nhà.

Bây giờ, mỗi sáng anh ra quán cà phê đầu hẻm ngồi, chờ có người quen nào cần thuê bốc vác, giao hàng, hay phụ hồ… anh đều không nề hà. Buổi tối, anh xin được chân gác cổng nghĩa trang, lương rất thấp nhưng vẫn phải gồng để nuôi con.

Tôi thử hỏi anh có quan tâm tới giá vàng không. Anh cười chua chát: “Tôi nghĩ tới giá gạo thôi. Thiếu vàng thì được, nhưng thiếu gạo thì cả nhà sẽ đói”. Rồi anh trầm ngâm: “Mà gạo giờ cũng cao quá trời. Giá thịt, cá, rau cải cũng cao. Thiệt mệt mỏi!"

Không nằm ngoài “cơn sốt” phải tiết kiệm triệt để, gia đình tôi cũng đã ngồi lại với nhau, thống nhất các khoản chi bắt buộc, cắt giảm tuyệt đối những khoản không cần thiết. Chồng tôi tậu một bộ vòi rửa xe, tự rửa xe tại nhà. Những bữa ăn ngoài hàng quán vào cuối tuần cũng không duy trì nữa. Con gái lớn thôi không xin tiền mua trà sữa, mì cay; chỉ xin mua tài liệu học tập và những món đồ, quần áo cần thiết. Con còn lên kế hoạch hè này sẽ xin làm phục vụ theo giờ tại các quán nước trong khu dân cư gần nhà, vừa đỡ phí thời gian, vừa có cơ hội giao tiếp, nâng cao kỹ năng, dạn dĩ hơn.

Con trai tôi thôi không dòm ngó tới mấy món đồ chơi lego giá vài trăm ngàn đồng như trước đây. Tôi khuyến khích con đọc sách nhiều hơn. Công việc của tôi liên quan đến sách vở nên nhà lúc nào cũng đầy sách. Thời gian này, tôi chịu khó đi chợ lâu hơn, dò giá xem hàng nào bán rẻ hơn, tiết kiệm vài chục ngàn đồng một ngày không nhiều, nhưng góp gió thành bão. Gia vị, xà bông, nước rửa chén… tôi săn sale trong các của hàng bách hóa lớn. Cà phê thì tự pha ở nhà, tháng chỉ tốn đâu hơn trăm ngàn đồng, tính ra chỉ bằng 1 cữ cà phê các quán sang mà tôi thường tới lui trước đây.

Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng bằng an. Nhưng nếu mình chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng biến cho phù hợp, thì cuộc sống cũng không đến mức cùng quẫn. Ông bà mình đã dạy: “biết đủ, là đủ”. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.

Một người khéo lo, thì dù vàng có tăng như tên lửa, họ vẫn có thể gói ghém nuôi con nhàn tênh. Vì nhu cầu là của mỗi người. Và nhu cầu là thứ ta có thể điều chỉnh được. Tiền ít thì chi tiêu đơn giản. Ăn uống ít thôi, bớt phung phí lại, nhu cầu hưởng thụ càng đơn giản thì con người càng thoải mái, có sao đâu.

Mộc Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI