“Vàng đen” được giá vì... mất mùa

14/08/2024 - 11:01

PNO - Trám - loại trái được ví như “vàng đen” ở Nghệ An năm nay tăng giá mạnh song cả người trồng và thương lái đều chẳng vui nổi vì mất mùa nặng.

Dù đã vào vụ thu hoạch trám đen, song những ngày này các làng quê ở vùng Cát Ngạn (một số xã cạnh sông Lam, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) khá yên tĩnh, không còn cảnh nhộn nhịp thương lái ra vào thu mua trám như những năm trước. Cát Ngạn được xem là “thủ phủ” cây trám đen - một trong những đặc sản trứ danh của xứ Nghệ.

Trám đen là cây thân gỗ, cao khoảng 30-40m tập trung chủ yếu ở các xã ven sông Lam ở huyện Thanh Chương - Ảnh: Phan Ngọc
Trám đen là cây thân gỗ, cao khoảng 30-40m tập trung ở các xã ven sông Lam ở huyện Thanh Chương - Ảnh: Phan Ngọc

Toàn huyện Thanh Chương hiện có khoảng hơn 1.000 cây trám cổ thụ, hơn 5.000 cây trám ghép. Trám đen Thanh Chương tập trung chủ yếu ở các xã Thanh Nho, Hạnh Lâm, Cát Văn, Thanh Lĩnh, Thanh Tiên… Trong đó, xã Thanh Nho được xem là nơi còn nhiều cây trám nhất. Ở đây, nhà ít thì vài cây, nhiều có tới hàng trăm cây trám.

Bà Nguyễn Thị Huệ (trú xã Thanh Nho) cho biết, chưa năm nào cây trám lại mất mùa nặng như năm nay. Gia đình bà có 5 cây trám, năm ngoái thu về hơn 40 triệu đồng, song năm nay chỉ 3 cây ra trái lác đác, 2 cây không có trái nào.

Trám mất mùa khiến thương lái thu mua trám cũng thua lỗ nặng. Từ tháng Ba, khi trám ra hoa, các thương lái từ khắp nơi đã bắt đầu đổ về các làng quê đặt cọc tiền mua trám. Theo các thương lái, do nguồn cung hạn chế nên dẫn đến hiện tượng tranh mua trám những năm qua. Để chắc chắn có nguồn hàng, họ thường phải ước lượng trái để mua từ khi trám mới ra hoa.

Dù trám đen tăng giá lên 130.000 đồng/kg song phần lớn người trồng trám đều không có nhiều để bán - Ảnh: Phan Ngọc
Dù trám đen tăng giá lên 130.000 đồng/kg song phần lớn người trồng trám đều không có nhiều để bán - Ảnh: Phan Ngọc

Việc mua trám được xem như một kiểu “đặt cược” vì ngoài kinh nghiệm còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nào, thời tiết thuận lợi, cây trám sai trái thì lãi đậm, còn ngược lại, năm nào mất mùa nặng thì thất bát.

Để chia sẻ với các thương lái, nhiều người dân cũng sẵn sàng trả lại bớt tiền cọc mua trám cho thương lái, hoặc đồng ý cho họ thu hoạch thêm một vụ trám ở năm sau.

Ông Trần Đình Truyền - Chủ tịch UBND xã Thanh Nho - cho biết, toàn xã hiện có khoảng 2.000 cây trám đen. Những năm gần đây, trám đen được ưa chuộng, giá cao nên giúp người dân có thu nhập cao từ loài cây này. Năm 2023, ước tính cây trám đen mang về doanh thu cho người dân trong xã khoảng 15 tỉ đồng. Tuy nhiên năm nay trám mất mùa nặng, ước tính chỉ còn khoảng 2-3 tỉ đồng.

Theo ông Truyền, nếu như năm ngoái trám đen được thu mua với giá 90.000 đồng/kg, thì năm nay mới đầu mùa trám đã lên 130.000 đồng/kg, nhưng người dân cũng không có để bán. Dịp này năm 2023, mỗi ngày anh Trần Công Sinh (một thương lái thu mua trám ở xã Thanh Nho) thu mua khoảng 10 tấn, song năm nay mỗi ngày anh chỉ mua được vài trăm ký.

“Nhiều cây trám năm ngoái được mùa, năm nay không có trái nào. Thậm chí nhiều thương lái đã đặt cọc tiền mua trái nhưng họ không thu hái vì quá ít trái, nếu thu hoạch thì không đủ tiền công trả cho thợ hái trám. Trám mất mùa không chỉ người trồng mà cả thương lái, người làm nghề hái trám thuê cũng thất thu” - ông Truyền nói.

Không chỉ ở Thanh Chương, năm nay vụ trám đen ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cũng mất mùa nặng. Huyện Hương Sơn hiện còn khoảng vài ngàn cây trám, tập trung ở các xã Sơn Ninh, Sơn Bằng, Sơn Tiến, Sơn Phú, Kim Hoa… Vụ trám năm nay, chỉ đạt khoảng 30-40% sản lượng so với các năm trước.

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương - cho biết, trám năm nay mất mùa đậm là do thời tiết diễn biến thất thường. Thời điểm trám ra hoa gặp thời tiết mưa nhiều nên tỉ lệ đậu trái không cao. “Năm nay không chỉ trám mà nhiều loài cây ăn quả khác cũng mất mùa nặng” - ông Khánh nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI