Vang danh làng bột Sa Đéc

14/01/2021 - 07:05

PNO - Gần xa ai mà chẳng biết tên tuổi làng bột Sa Đéc ở Cửu Long giang. Cái thứ bột trắng tinh đơn sơ ấy luôn góp mặt trong mỗi bữa ăn, thức quà của người dân nơi đây.

Ai cũng lớn lên từ bột

Miền Tây sông nước, bất kể cây cỏ, sản vật gì cũng đều hữu ích với người dân. Cái sọ dừa tưởng như bỏ đi nhưng bằng sự sáng tạo, nó trở thành cái gáo múc gạo, múc nước. Còn cỏ dại, trái rừng, thấy lăn lóc nhưng khi kết hợp, tạo nên những món ăn vô cùng độc đáo, lạ miệng. Làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng vậy. Từ những hạt tấm tưởng là bỏ đi nhưng bằng sự linh hoạt, thông minh của người dân, phần rời hạt gạo rã mình, hóa bột, vang danh làng bột Sa Đéc đến trăm năm.

Dù không còn đụng tay đụng chân nhiều nhưng thầy giáo Sanh vẫn phụ vợ, con mình làm bột.
Dù không còn đụng tay đụng chân nhiều nhưng thầy giáo Sanh vẫn phụ vợ, con mình làm bột.

Ông Phan Phước Sanh (72 tuổi) hay còn gọi là thầy giáo Sanh - một trong những người làm bột nổi tiếng ở làng bột Sa Đéc cho biết không ai nhớ làng bột có từ năm nào, nhà nhà làm rồi cha truyền con nối, sinh ra làng bột. Thoạt đầu, hạt tấm bỏ đi hoặc làm đồ ăn cho gia súc, gia cầm. Trong lúc nhàn rỗi, người ta mới mày mò để tận dụng phần thừa của hạt gạo. Ngâm, xay rồi khuấy, chà, đem đi phơi thế là ra bột. Từ chỗ kiếm việc làm giết thời gian, làm bột trở thành nghề chính của nhiều người.

Trước khi làm bột bằng tấm, nhiều người từng làm bột bằng gạo. Tuy nhiên, gạo khi xay ra sẽ lợn cợn, không nhuyễn như tấm. Thêm phần giá gạo luôn cao hơn tấm cho nên đa số người dân làng bột Sa Đéc đều dùng tấm. Bà Trương Bạch Mai (69 tuổi), vợ thầy giáo Sanh còn cho biết nhiều nơi làm bột bằng củ mì nhưng lọc rất cực nên làm bột bằng tấm vẫn là tốt nhất.

Tuy có con dâu phụ nhưng một tay bà Mai làm hầu hết các công đoạn.
Tuy có con dâu phụ nhưng một tay bà Mai làm hầu hết các công đoạn
Ngày nào không xay bột, lắng bột là ngày đó bà Mai bứt rứt tay chân.
Ngày nào không xay bột, lắng bột là ngày đó bà Mai bứt rứt tay chân

Cầm trên tay cục bột mà mình làm ra, thầy giáo Sanh cho rằng nghề này đơn sơ nhưng vô cùng quan trọng. “Rồi con người ta cũng phải ăn cơm, ăn bánh. Gạo nấu cơm nhưng bột thì làm được trăm món trên đời”, ông tâm sự.

Bột Sa Đéc nổi tiếng là "bà đỡ" cho hủ tiếu Sa Đéc trứ danh. Ngoài ra, từ thứ bột trắng tinh này, trăm món bánh trái miền Tây cũng lần lượt đến với mọi nhà như bánh bò, bánh da lợn, bánh canh, phở…

Không bao giờ biến mất

Nhớ về thời làm bột thủ công, hai vợ chồng thầy giáo Sanh cho biết ngày ấy cực khổ vô cùng. Khi chưa có máy móc, mọi công đoạn đều phải làm bằng tay. Tờ mờ sáng, người làng bột đã dậy để ngâm tấm, rửa nước trong rồi xay bằng cối đá.

Ngâm tấm không sạch thì bột sẽ dơ, ngâm lâu thì bột sẽ bị sình.
Ngâm tấm không sạch thì bột sẽ dơ, ngâm lâu thì bột sẽ bị sình

Tấm sau khi xay đổ vô bồn rồi dùng gậy gỗ khuấy cho tơi bột. Ít ai biết được trong giai đoạn này, người làm bột phải cho thêm nước lá hoa dâm bụt để tạo độ kết tinh cho bột. Sau đó thì ngâm, đợi chất cặn lắng xuống, tinh bột nổi lên. Rồi xả tinh bột ra bồn, ngâm để rút nước một lần nữa. Cuối cùng, ra được thành phẩm là tinh bột tươi, người làm bột khuấy bột lần cuối để đem đi phơi.

Từ khi về làm con dâu nhà thầy giáo Sanh, chị Hoa được học nghề làm bột và thành thạo công việc của gia đình.
Từ khi về làm con dâu nhà thầy giáo Sanh, chị Hoa được học nghề làm bột và thành thạo công việc của gia đình.

Phơi bột nghe tưởng dễ nhưng người phơi bột phải vô cùng khéo léo. Bẻ bột bỏ lên khung tre rồi nhẹ nhàng lấy tấm vải mỏng phủ lên đặng cho mau ráo nước, khi khô thì tạo thành thớ bột, khỏi mất công nghiền.

Tửng mẻ bột phủ vải xanh nổi bật khi phơi gần sông.
Tửng mẻ bột phủ vải xanh nổi bật khi phơi gần sông

Cô Mai cho biết một tấn tấm thì ra được khoảng 700 kg bột. Bột được đóng thành từng cây, mỗi cây 10 kg. Làm bột nổi tiếng bên dòng Sa giang có Út Khoa, Tư Khéo hay thầy giáo Sanh. Hãng bột có tiếng thì kể đến Lộc Sánh, Sáu Linh.

Bột sau khi phơi khô được đóng thành cây giống như cây đường.
Bột sau khi phơi khô được đóng thành cây giống như cây đường.

Nhớ về thời làm bột thủ công, thầy giáo Sanh còn nhớ những năm tháng ghe đậu trước nhà chở lúa, chở bột. Lúa gạo mua tận Lai Vung, Châu Thành. Ngày ấy đa số người ta di chuyển bằng ghe thuyền nên ngồi trong nhà nhìn ra sàn nước lúc nào cũng đông vui. Nhắc đến lúa gạo là phải nhắc đến cái dạ, cái giần. Rồi mùa nước nổi, tôm cá đầy sông, bột có sẵn trong nhà nên lúc nào cũng ăn ngon, ăn sướng.

Nghĩ về cái nghề cơ cực này, thầy giáo Sanh cho rằng nó sẽ không bao giờ biến mất, chỉ có thể chuyển từ thủ công sang máy móc. Còn với người đàn bà gần 70 tuổi, trân quý từng cây bột mình làm ra, bà cho rằng làm bột không còn là nghề nữa mà nó là lẽ sống của bà, của người dân ruộng vườn sông nước.

Quy trình làm bột ở làng bột Sa Đéc 

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI