Vàng cưới về tay ai?

25/10/2018 - 15:00

PNO - Không ít trường hợp, mới về sống chung, đôi vợ chồng son đã “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, chuyện quyền sở hữu và chia chác vàng cưới sớm được đặt ra. “Thôi… thì trả của lại đây” là bi kịch của nhiều cặp ly hôn...

Vàng là món quà vật chất - tinh thần mà tất cả các đấng sinh thành thường cho con dâu hoặc con gái trong ngày cưới, để mừng hạnh phúc đôi trẻ. Tuy nhiên, không thể chối được mục đích khoe khoang của một số gia đình khi cho vàng cưới số lượng quá lớn, ngay trước mắt quan viên hai họ. 

Vang cuoi ve tay ai?
 

Chuyện trăm năm - chuyện trăm ngày

Trên thực tế, có không ít trường hợp, mới về sống chung, đôi vợ chồng son đã “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, chuyện quyền sở hữu và chia chác vàng cưới sớm được đặt ra. “Thôi… thì trả của lại đây” câu nói vui cửa miệng, nhưng cũng là bi kịch của nhiều cặp ly hôn xanh.

Năm rồi, tôi về quê dự đám cưới cô em của người bạn thân. Đám cưới hoành tráng: thực khách tầm 700 người, nhạc sống tưng bừng và quan trọng hơn là nhà trai công bố cho cô dâu đến năm lượng vàng (gồm vàng miếng, nữ trang các loại). Chỉ sau sáu tháng, nàng dâu sụp đổ vì anh chồng lăng nhăng, vũ phu. Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng hơn khi nàng dâu than phiền, anh chồng phán xanh rờn: “Không chấp nhận thì ly hôn, nhưng nếu ly hôn thì phải trả hết vàng cưới rồi biến nhanh khỏi nhà tôi”.

Choáng váng, cô em về kể cho mẹ và chị nghe. Mẹ cô bảo “do con chọn nhầm chồng đổ đốn, không chấp nhận thì ly hôn sớm cho khỏe, để sau này có con cái còn rối hơn”, nhưng chị gái thì khăng khăng “lỗi là của chồng mày, có ly hôn cũng không trả vàng; bởi ngày đám cưới, nhà trai tuyên bố cho con dâu năm lượng vàng, ai cũng thấy và nghe rõ”. Cô em không phải loại ham tiền, nhưng rõ ràng chị mình có lý. Còn phía nhà chồng, lỡ tuyên bố tại tiệc cưới, nay sĩ diện nên không nói gì, nhưng luôn ngầm hậu thuẫn cho con trai để mong lấy lại số vàng cưới kia.

Vang cuoi ve tay ai?
Ảnh minh họa

Uất ức, cô em tìm đến tôi. Chuyện pháp lý không mấy khó, nhưng cũng không dễ san sẻ với cô em. Nếu xét về tình, cô em phải tự hỏi lòng mình có còn yêu chồng, còn muốn hàn gắn không. Nếu xét về lý, việc chồng cô không chung thủy, vũ phu là có lỗi, cô có quyền phản đối và báo chính quyền can thiệp. Riêng về vàng cưới, dù nhà trai tuyên bố cho con dâu, nhưng rõ ràng đấy là tài sản không phải do công sức, mồ hôi, nước mắt cô tạo thành thì tiếc làm gì nếu đã chọn ly hôn.

Vàng cưới chưa chắc là của cô dâu

Điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: nếu vợ chồng không đăng ký kết hôn (ĐKKH) thì cuộc hôn nhân đó không có giá trị pháp lý. Đám cưới chỉ là nghi thức truyền thống. Giấy ĐKKH là văn bản quan trọng để xác định thời điểm hình thành tài sản chung hay riêng của vợ chồng. Nhiều trường hợp chứ không riêng cô dâu trong câu chuyện này, đã đám cưới trước khi tiến hành ĐKKH, nên việc nhà trai cho vàng cưới không thể xem là tài sản chung của vợ chồng, không thể chia.

Luật còn nêu: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn” nên nếu bảo vàng cưới trong trường hợp này là tài sản riêng của cô dâu thì trái khoáy và đương nhiên không đủ căn cứ xác lập. Cuối cùng, cô em chấp nhận phương án “lỡ một lần đò”, bỏ qua chuyện tài sản, để lòng nhẹ nhàng.

Vang cuoi ve tay ai?
Ảnh minh họa

Một khi mối tình keo sơn gắn bó của cô dâu chú rể đã “rã keo” là lúc hai bên gia đình vào cuộc đấu lý không khoan nhượng. Theo cách lập luận của nhà gái, nữ trang thì ắt hẳn thuộc quyền sở hữu của cô dâu, vì cô dâu là nữ. Nhà trai cự nự: “Dù là nữ trang, nhưng hai nhà cho đôi trẻ làm vốn nên đâu phải là của riêng cô dâu”.

Theo luật định, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân (thời điểm ĐKKH đến khi bản án ly hôn có hiệu lực hoặc một trong hai người chết) là tài sản chung. Ai cho đó là tài sản riêng thì phải chứng minh, trừ trường hợp được thừa kế. Thông thường, thời khắc trình lễ, cho của hồi môn được gia đình quay phim, chụp ảnh lưu lại làm kỷ niệm. Một ngày không đẹp trời, những hình ảnh ấy lại trở thành chứng cứ ở tòa. Bà con đến chúc phúc cho tân lang - tân giai nhân lại có khi là nhân chứng cho lời khai lợi hại. 

Cũng có người phân bua: “Tôi đeo vàng cho con dâu, nhưng ngầm ý cho hai vợ chồng, vì lúc đó tụi nó tuy hai mà là một”. Khi không tự thỏa thuận được, tòa án sẽ đánh giá chứng cứ và xét xử. Đứng từ những phiên tòa này nhìn ngược về ngày “loan phượng hiệp đôi”, thấy hai chữ “rạch ròi” vẫn có giá trị. 

Luật sư Trần Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI