Vắng bố

30/03/2016 - 13:43

PNO - So với mẹ, vai trò của người cha mờ nhạt hơn đối với con cái. Các ông bố nằm trong tình trạng giằng co giữa trách nhiệm công việc và gia đình.

Vang bo
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Trung tâm làm giàu thế giới nội tâm (TP. HCM), trong một lần đặt câu hỏi với các bạn trẻ rằng ai là người ảnh hưởng nhất trong cuộc sống của bạn, đa số đều chọn người mẹ. So với mẹ, vai trò của người cha mờ nhạt hơn đối với con cái. Tuy nhiên, các ông bố nằm trong tình trạng giằng co giữa trách nhiệm công việc và gia đình.

Bố lúc nào cũng bận

Chị Phan Thị Chinh gặp gỡ các chuyên viên tư vấn với câu chuyện: “Chồng tôi công tác trong ngành kinh doanh hàng điện tử, đi suốt. Một lần, anh đi công tác về, cùng tôi đi đón con. Từ cổng trường, con bé vào xe, không chào bố, vì mải nói chuyện điện thoại với bạn. Lập tức, anh cau có với tôi: “Cô ở nhà, có mỗi việc dạy con mà làm không xong. Con gặp bố, chẳng khác gì gặp ông tài xế taxi. Con cái mới 12 tuổi, đã sắm điện thoại di động”.

Anh phản đối chuyện con sống theo kiểu không biết quan tâm đến ai, suốt ngày rúc trong phòng riêng. Mỗi lần con làm anh bực mình, anh lại giận tôi. Chưa bao giờ anh nhận trách nhiệm dạy dỗ, uốn nắn con, vì lý do bận kiếm tiền cho gia đình. Với nguồn thu nhập của chồng, tôi không cần đi làm, nội trợ có người giúp việc, tôi chỉ có mỗi việc dạy con, nên anh không chấp nhận mọi biểu hiện không như mình mong đợi”.

Chị Chinh cho biết con từ nhỏ quen gần mẹ, nói gì cũng nghe, nhưng càng lớn, chúng không muốn bị áp đặt: “Một lần, đứa con gái 12 tuổi hỏi tôi rằ ng tại sao con phải kính trọng và yêu quý bố, tôi buột miệng: “Vì bố mang tiền về nhà”. Nhưng tôi cảm thấy không ổn với lời giải thích đó, vai trò của một ông bố không chỉ là đi kiếm tiền”. Con tôi nói như ra điều kiện: “Thôi được, vì bố mang tiền về nhà, nên con sẽ chào hỏi bố, và làm theo những gì bố yêu cầu”.

Các ông bố luôn có xu hướng “hứa hẹn” sẽ tham gia dạy dỗ con khi chúng lớn lên. Nhưng họ gặp nhiều rắc rối với con cái tuổi dậy thì, thấy mệt mỏi với những đứa con “cứng đầu”. Khoảng cách tâm lý giữa bố và con có nhiều khác biệt. Thường ngày, vin vào lý do phải làm việc, nhiều ông bố hủy lời hứa với con trẻ, không thể đọc sách cho con, không thể đưa con đi công viên, lúc nào bố cũng đang ở cơ quan, đang đi trên đường, đang họp…

Làm bố để hoàn thiện bản thân

Một trung tâm nghiên cứu của Hoa Kỳ cho rằng, những đứa trẻ vắng bố dính líu đến ma túy và tội phạm gấp ba lần những trẻ khác. Một nghiên cứu của Israel cho biết, những đứa trẻ không được bố chăm sóc gặp khó khăn trong giao tiếp, nhất là việc thiết lập các mối quan hệ mới. Theo các nhà tâm lý học Úc, đối với trẻ ở tuổi đến trường, ông bố đóng vai trò quan trọng hơn bà mẹ trong việc giúp con phát triển sự độc lập, lòng tự trọng.

Thời gian gần gũi với ông bố ảnh hưởng đến khả năng học toán của con. Những đứa trẻ chơi thể thao với bố, luôn được bố động viên, trò chuyện sẽ dễ thành công trong sự nghiệp. Những đứa trẻ “sở hữu” một ông bố tốt, thường có lòng bao dung và tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, cộng đồng.

Các ông bố luôn lên kế hoạch cho sự nghiệp, cho chuyện nghỉ hưu, những chuyến nghỉ mát, nhưng hầu như không có “dự án” cho việc làm bố. Trông con và vào mạng là những việc họ thườ ng làm cùng một lúc. Nhiều ông bố mua cho con một cái máy tính và hoàn toàn yên tâm khi bố vào mạng, còn con chơi game.

Đàn ông ít có thời gian cho con không chỉ vì bận rộn với công việc, mà còn vì một lý do khác: các ông bố dễ bị stress khi công việc “hành hạ” họ. Khác với các bà mẹ coi việc gần gũi con cái như một giải pháp xả stress, thì các ông bố lại mượn rượu bia “giải sầu”, bù khú với bạn bè hoặc trú vào một nơi nào đó, chỉ có một mình. Khi bị stress, các ông bố đánh mất cả số lượng và chất lượng thời gian dành cho con cái. Một ông bố đang bị căng thẳng mà gần với con cái thì còn tệ hơn lúc anh ta vắng nhà. Trẻ con vốn nhạy trong việc thăm dò các dấu hiệu căng thẳng trên khuôn mặt bố, vì thế chúng cũng biết lảng tránh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI