Vẫn vướng trong quy trình can thiệp các vụ xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em

10/07/2018 - 18:00

PNO - Hầu hết vụ xâm hại tình dục đều không bắt được quả tang. Nhiều trường hợp chứng cứ không thể khắc phục, như lông, tóc, máu, vết cào cấu đã bị tiêu hủy.

Van vuong trong quy trinh can thiep cac vu xam hai, bao hanh phu nu, tre em
Đại biểu tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận hỗ trợ, can thiệp các vụ phụ nữ - trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức.

Tại tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp các vụ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức hồi giữa tháng 3/2018, việc để mất chứng cứ, gây khó khăn cho công tác điều tra được nhiều người quan tâm.

Xử lý án xâm hại tình dục trẻ em vẫn "nhỏ giọt"

Tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, trong năm 2017 và quý I/2018, có 8 vụ trẻ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục. Công an Q.Gò Vấp đã điều tra, khởi tố 4 vụ/4 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 1 vụ, chuyển Công an TP.HCM thụ lý 3 vụ theo thẩm quyền. Công an Q.Gò Vấp cũng tiếp nhận 8 tin báo của nạn nhân tố giác các hành vi hiếp dâm, dâm ô, giao cấu, nhưng có đến 7 vụ phải ra quyết định không khởi tố do thiếu cơ sở kết luận, còn 1 vụ hiếp dâm trẻ em đang chờ kết quả giám định. 

Thượng tá Châu Văn Hoàng - Phó trưởng Công an Q.Gò Vấp - chia sẻ: “Hầu hết vụ xâm hại tình dục đều không bắt được quả tang. Nhiều trường hợp chứng cứ không thể khắc phục, như lông, tóc, máu, vết cào cấu đã bị tiêu hủy. Một trở ngại khác trong công tác điều tra án xâm hại tình dục trẻ em là nạn nhân còn nhỏ, bị dư chấn tâm lý mạnh khiến lời khai không thống nhất, thiếu chính xác, thậm chí khai theo gợi ý của người thân”. 

Tại hội thảo “Tham vấn hoàn thiện quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp và xử lý đối với các trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức ngày 3/5, ông Võ Phi Châu - nhân viên chuyên trách bảo vệ chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Q.4 - cũng nêu một thực tế đáng buồn: hiện số vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng, nhưng xử lý chỉ nhỏ giọt. Tại Q.4, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, xảy ra 24 vụ nhưng chỉ có 1 vụ được đưa ra xét xử. 

Vòng luẩn quẩn mang tên "chứng cứ"

Trong năm 2017 và quý I/2018, Hội LHPN TP.HCM đã tiếp nhận, can thiệp, phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM hỗ trợ 26 vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo hành, bỏ rơi; trong đó, có đến 17 vụ trẻ bị xâm hại tình dục, xảy ra tại các quận 4, 9, 10, 12, Thủ Đức, Bình Tân; các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè. Dù nỗ lực can thiệp nhanh nhất có thể, nhưng trong nhiều vụ việc, Hội vẫn còn lúng túng trong quy trình tiếp nhận hoặc phối hợp cơ quan chức năng, theo dõi tiến độ điều tra, xử lý. 

Theo trung tá Nguyễn Văn Dũng - Đội trưởng Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM - trong các loại án, khó xử lý nhất chính là án xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều trường hợp, phụ huynh phát hiện trễ, thậm chí nghĩ con mình bị như vậy “dơ dáy” nên đã cho đi tắm ngay, lo giặt giũ hoặc đốt luôn quần áo bé đang mặc, dẫn đến chứng cứ quan trọng không còn hoặc giám định không có kết quả.

Thượng tá Nguyễn Thanh Huyền - Phó trưởng Phòng PC45 Công an TP.HCM - lưu ý, lời khai của nạn nhân và cả đối tượng nghi vấn chỉ là một trong các chứng cứ được đưa ra xem xét chứ không phải chứng cứ buộc tội. Cái khó của cơ quan điều tra là trong nhiều trường hợp, chứng cứ vật chất như lông, tóc, máu, vết cào cấu đã bị tiêu hủy. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho rằng, việc tiếp nhận, can thiệp các vụ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại vẫn còn nhiều vướng mắc do thiếu chứng cứ và còn do thủ tục. Bà từng gặp trường hợp gia đình bé gái ở Q.Thủ Đức, TP.HCM tố ông hàng xóm xâm hại 6 lần. Người này thường ghi địa chỉ một trang web đen cho bé xem, sau đó thực hiện hành vi đồi bại. Phát hiện sự việc, phụ huynh tức giận, cầm tờ giấy qua nhà kẻ tình nghi mắng chửi, bị người này giật giấy, xé nát, làm chứng cứ quan trọng không còn. Trường hợp khác, bé bị xâm hại vào ngày thứ Sáu, nhưng phải đợi đến thứ Hai tuần sau, mới có quyết định trưng cầu giám định pháp y của công an, khiến chứng cứ cũng mất. 

 Thanh Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI