Vẫn vô tư vừa lái xe vừa “a lô”

03/08/2016 - 05:27

PNO - Nghị định 46 của chính phủ được ban hành nhằm thay thế các Nghị định 171 và 107, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, áp dụng từ 1/8.

Theo đó, có hơn 100 lỗi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt rất cao so với trước như điều khiển xe sử dụng ma túy, rượu bia, chở quá tải, quá khổ, sử dụng điện thoại di động, tai nghe… dù mức phạt khá “rát”, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP.HCM vẫn còn nhiều người tham gia giao thông chưa nắm rõ hoặc cố tình vi phạm.

Tước GPLX, vẫn nhậu “tới bến”

21g ngày 2/8, tại quán nhậu C.E. trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp), chúng tôi bắt gặp một nhóm thanh niên mặt đỏ gay bước ra khỏi quán nhậu và phóng xe máy bạt mạng về hướng cầu Bình Lợi. Nhìn cảnh tượng trên, một nhân viên trong quán C.E. ngao ngán: “Mấy thanh niên đó uống từ chiều giờ đã say rồi mà vẫn phóng xe như vậy đó. Hôm trước cũng có một người uống ở đây xong chạy xe tông vào con lươn bất tỉnh”. Không chỉ tại quán C.E., dọc theo đường Phạm Văn Đồng, chúng tôi bắt gặp vô số hình ảnh của những “ma men” điều khiển xe với tốc độ cao. Theo quan sát của chúng tôi, tại quán nhậu B. trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) có nhiều xe ô tô sắp hàng trước quán nhậu này. Khoảng 22g30, tài xế chân thấp chân cao bước lên ô tô, lần lượt rời khỏi quán.

Van vo tu vua lai xe vua “a lo”
Tài xế xe buýt 603 vô tư vừa lái xe vừa lướt web (ảnh chụp chiều 1/8 trên xa lộ Hà Nội)

Trước đó, khoảng 21g30 ngày 1/8, nhà hàng R.B. trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) đông nghẹt khách. Ô tô, xe gắn máy đậu chật kín trong khuôn viên nhà hàng. Đến khoảng 22g, “cuộc chiến” trên bàn nhậu bắt đầu giãn dần, một số thực khách lần lượt ra về. Không khó để nhận ra các “ma men” đã “tới đô”: mặt đỏ ngầu, bước loạng choạng. Thỉnh thoảng một vài xe gắn máy rồ ga phóng từ trong nhà hàng ra với tốc độ cao khiến nhiều người đi đường không khỏi thót tim. Trong khi đó, một số thực khách dù đi không vững vẫn vô tư bước lên ô tô. Đến khoảng 23g, đường sá đã thưa người nhưng không khí trong quán vẫn sôi động. Một “ma men” bước lên ô tô, vô tư điều khiển xe chạy ngược chiều trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa khoảng 50m để cua qua phía bên kia đường chạy về hướng sân bay Tân Sơn Nhất.

Lúc 20g, chúng tôi có mặt tại nhà hàng hải sản V.T. trên đường Tú Xương (Q.3) - nơi thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi đêm. Khoảng 21g, bất ngờ một tổ Cảnh sát giao thông (CSGT) xuất hiện tại góc đường Nguyễn Thông - Tú Xương (P.7, Q.3). Các “ma men” lần lượt “dính chưởng”. Ngoài dụng cụ kiểm tra nồng độ cồn, tổ CSGT còn trang bị thêm camera ghi hình để làm bằng chứng với những trường hợp không hợp tác.

Các phương tiện liên tục bị dừng kiểm tra. Chỉ trong khoảng hai giờ, hàng chục “ma men” đã bị tạm giữ xe gắn máy. Anh V. (điều khiển xe gắn máy biển kiểm soát 54S5 - 82…) khi bị tổ CSGT yêu cầu dừng kiểm tra, đứng không vững khi bước xuống xe nhưng vẫn phân bua: “Em uống có một chai, không xỉn, anh yên tâm, không cần kiểm tra nồng độ cồn”. Khi tổ kiểm tra dọa lập biên bản thì “đồ đệ Lưu Linh” này mới chấp hành. Kết quả, nồng độ cồn của anh V. lên 0,933 miligam/lít khí thở. Vi phạm quy định điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Tương tự, anh N. khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn đã giãy nảy: “Tôi ý thức được việc đã uống rượu, bia thì không nên lái xe vì vậy sau khi uống bia xong tôi đã ngủ một giấc mới về, không cần kiểm tra làm gì”. Thế nhưng, khi lực lượng CSGT kiên quyết kiểm tra thì kết quả cho thấy nồng độ cồn của anh N. vẫn vượt quá mức cho phép là 0,616 miligam/lít khí thở.

Tài xế say sưa "ôm dế"

Chiều ngày 1/8, chúng tôi có mặt trên tuyến xe buýt 603 có lộ trình từ bến xe Miền Đông đến huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Khi xe xuất bến được 15 phút, tài xế đã móc điện thoại (ĐT) ra lướt web. Dù lúc đó lưu lượng phương tiện trên tuyến xa lộ Hà Nội khá đông, nhưng tài xế vẫn thản nhiên vừa lướt màn hình ĐT vừa cầm vô lăng khiến hành khách không khỏi lo sợ. Xe lưu thông đến đoạn ngã tư Thủ Đức, bất ngờ một xe gắn máy băng ngang qua đường, lúc này tài xế mới giật mình thắng gấp, vội cất ĐT. Không nén được bức xúc, một nữ hành khách phản ánh với phụ xe: “Trên xe có nhiều trẻ em mà tài xế vừa chạy vừa bấm điện rồi thắng gấp như vậy thì nguy hiểm quá. Khi nãy tôi giữ lại không kịp thì con tôi đã văng xuống sàn xe rồi…”. Phụ xe và tài xế vẫn im lặng, như không có chuyện gì xảy ra. Liền sau đó, một cuộc ĐT gọi đến, tài xế vẫn thản nhiên lấy ĐT ra vừa lái xe, vừa nghe.

19 giờ, chúng tôi lên tuyến xe buýt số 150 từ khu vực ngã tư Thủ Đức về bến xe Chợ Lớn. Trên tuyến xe buýt này có camera giám sát, tuy nhiên, chúng tôi vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh tài xế vừa sử dụng ĐT vừa lái xe. Thậm chí ở một số đoạn, tài xế còn ngang nhiên vượt đèn vàng dù theo quy định mới, lỗi này cũng bị xử phạt.

Chúng tôi tiếp tục lên một chuyến xe giường nằm có lộ trình từ Bến xe Miền Đông về các tỉnh miền Trung. Ngay khi xe xuất bến được một đoạn tài xế rút ĐT gọi cho khách để hẹn điểm đón. Trong quá trình lưu thông, không ít lần tài xế vừa nghe ĐT vừa điều khiển xe qua chốt kiểm tra giao thông. Tiếp đến, chúng tôi đón một chuyến xe khách có lộ trình từ Suối Tiên - Đồng Nai - Vũng Tàu. Vừa đi được vài trăm mét đến vòng xoay Tam Hiệp (Đồng Nai), không dưới ba lần tài xế vừa lái xe vừa nói chuyện ĐT. Khi chúng tôi bắt chuyện hỏi về quy định xử phạt người điều khiển phương tiện sử dụng ĐT di động, tài xế này cho biết: “Tôi có nghe quy định đó rồi, nhưng nhiều lúc cũng khó vì xe xuất bến, liên tục có hành khách gọi đặt chỗ hay gửi hàng này nọ, nếu không nghe máy thì sẽ mất khách”.

Van vo tu vua lai xe vua “a lo”
Sau chầu nhậu, thực khách tiếp tục "chia tay" bằng bia trước khi phóng xe máy về (ảnh chụp chiều 2/8 tại một quán nhậu trên đường Thành Thái, Q.10) - Ảnh: P.Huy

Nghị định 46 quy định, xử phạt người dùng tay sử dụng ĐT khi đang điều khiển phương tiện với mức phạt 800.000đ. Theo nhiều chuyên gia về an toàn giao thông, mức phạt này là quá thấp. Sử dụng ĐT lúc lái xe sẽ gây phân tâm, nếu gặp sự cố, rất khó xử lý, nguy cơ cao dẫn đến hệ lụy khó lường.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM cho rằng, để người dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm các quy định ATGT, sắp tới cùng với các địa phương, các sở, ngành liên quan, Ban ATGT cần tích cực tuyên truyền để người dân nắm rõ Nghị định 46 thông qua cẩm nang, áp phích, băng rôn với ngôn từ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cho biết, trong ngày 1/8, CSGT TP.HCM đã xử lý 332 trường hợp vi phạm. Trong đó, lập biên bản 301 trường hợp, tạm giữ 46 mô tô với các lỗi vi phạm chủ yếu như lưu thông ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, lưu thông vào đường cấm, giờ cấm…

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) chia sẻ: “Việc chấp hành nghiêm túc các quy định khi tham gia giao thông sẽ tạo nên một hình ảnh văn hóa giao thông tốt đẹp và giảm thiểu được các vụ TNGT. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm. Song song với biện pháp tuyên truyền, chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp nghiệp vụ, camera ghi hình phạt nóng, phạt nguội, bố trí các tổ CSGT ghi hình xử lý các trường hợp vi phạm”.

Theo quy định của Nghị định 46, sử dụng rượu bia, chất ma túy khi lái xe, ngoài tăng phạt còn tăng thời gian giữ giấy phép lái xe (GPLX). Cụ thể, nếu người điều khiển phương tiện giao thông có 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: đối với xe ô tô, tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng, tước GPLX bốn-sáu tháng. Với xe máy phạt 3-4 triệu đồng, tước GPLX từ 3-5 tháng. Phạt người điều khiển mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định, tăng từ 3 lên 4 triệu đồng và đối với người điều khiển xe ô tô tăng từ 15 triệu lên 18 triệu đồng

Sơn Vinh - Phan Trí - Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI