PNO - Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN TP.HCM đã chủ trì triển khai rất nhiều hoạt động xã hội, từ thiện mà điểm nhấn là học bổng Nguyễn Thị Minh Khai và xây tặng mái ấm tình thương cho phụ nữ trẻ em nghèo.
Bà Trần Thị Phương Hoa (thứ 2 từ phải qua), Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM gỡ biển bàn giao MATT cho mẹ con chị Bùi Thị Hồng (thứ 3, từ trái qua)
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN TP.HCM đã chủ trì triển khai rất nhiều hoạt động xã hội, từ thiện mà điểm nhấn là học bổng Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK) và xây tặng mái ấm tình thương (MATT) cho phụ nữ trẻ em (PN, TE) nghèo. Ban còn tổ chức hàng trăm chuyến đi về vùng sâu vùng xa, chăm lo tết cho các dì, chị có chồng, con đang công tác ngoài biển đảo, qua đó, nghĩa tình Hội với quê nghèo, với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngày càng được vun bồi.
Những ngôi nhà mơ ước
Chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Hội LHPN TP.HCM về H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận trao tận tay 10 suất học bổng (500.000đ/ suất), 100 phần quà (250.000đ/ phần) đến học sinh nghèo hiếu học của xã và bàn giao MATT cho chị Huỳnh Thị Nâu (46 tuổi, ngụ thôn 8, xã Phước Thể, H.Tuy Phong). Quần xắn ống cao ống thấp, chị Nâu tất tả chạy ra đón đoàn. Nói được vài câu, nhìn tấm bảng ghi dòng chữ “Mái ấm tình thương” tự dưng chị chảy nước mắt. “Tôi không biết chữ, ngó vậy chớ hiểu gì đâu. Mấy tuần nay, tôi cứ nghĩ hoài vẫn chưa tin mình có nhà mới” - chị Nâu chia sẻ.
Gia đình chị Nâu thuộc diện hộ nghèo. Chồng chị - anh Lê Văn Hiệp (46 tuổi) bị tai biến nằm liệt giường hơn 10 năm nay. Phải thường xuyên túc trực chăm sóc chồng, chị không còn đi làm được nhiều như trước. Trong khi đó, chị có đến năm người con đang tuổi ăn tuổi lớn. Kinh tế gia đình vì thế ngày càng quẫn bách. Căn nhà lá cũ của anh chị đã xuống cấp, xiêu vẹo và thường xuyên dột, ngập vào mùa mưa nhưng không có điều kiện xây mới. Hay tin được Hội LHPN TP.HCM vận động Tổng công ty Điện lực TP.HCM tài trợ xây dựng MATT với kinh phí 40.000.000đ, chị Nâu mừng quá chạy khắp xóm khoe.
Ngày MATT thành hình, chị Dương A Tài (SN 1961, ngụ P.7, Q.8, TP.HCM) cứ đi ra đi vô nhìn hoài ngôi nhà mới. Hơn 10 năm nay, chị bán cà rem, bánh mì, còn chồng làm bảo vệ, nuôi ba người con ăn học. Trước đây, nhà chị Tài lợp bằng tôn rách, vách lá. Do bị ngập nước thường xuyên nên căn nhà hư hỏng nặng. Bữa gặp chúng tôi, chị nhắc đi nhắc lại hai chữ “của mình” với ánh mắt ngời sáng niề m vui. “Đối với vợ chồng tôi, nhà của mình là niềm mơ ước rất lớn. Mặc dù đã nỗ lực làm ăn, tích cóp hoài, nhưng việc xây nhà vẫn vượt quá khả năng. MATT này như một món quà nghĩa tình giúp gia đình tôi có được nơi ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống” - chị Tài thổ lộ.
5 năm qua, Thành Hội và cơ sở đã vận động xây 850 MATT, sửa chữa chống dột 1.475 ngôi nhà (tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng) cho PN nghèo từ TP.HCM xuống An Giang, Đồng Tháp, Vũng Tàu, ngược ra Bình Thuận. Để có những công trình lớn như thế, CB Hội từ TP xuống cơ sở đã không quản khó khăn, kiên trì vận động Mạnh Thường Quân khắp nơi. Nhiều dì, chị dù kinh tế gia đình còn chật vật vẫn sẵn sàng bỏ ra một tháng lương, tiền phụ cấp công tác, tiền bán mớ rau, con cá để góp quỹ cho những hoạt động nghĩa tình này.
Lần nào bàn giao nhà, cả người nhận lẫn người tặng đều rưng rưng, vừa thương vừa trân quý, biết ơn nhau. Chị Nguyễn Thị Liên Hương (SN 1961, ngụ xã Hưng Long. H.Bình Chánh), chủ cơ sở gia công vàng bạc Liên Hương thổ lộ: “Tôi nghĩ, đóng góp xây dựng MATT là nghĩa cử đẹp giữa người với người. Trong khả năng của mình, chúng tôi muốn hướng về cộng đồng bằng tấm lòng và sự sẻ chia chân thành nhất”.
Nghĩa tình nặng sâu
Năm nào cũng vậy, công tác chăm lo, hỗ trợ hậu phương người lính do Thành Hội và Hội PN các cấp thực hiện luôn để lại nhiều xúc cảm. Sau thời gian làm nghĩa vụ quân sự tại Cam Ranh (Khánh Hòa), con trai chị Nguyễn Thị Hết (SN 1959, ngụ P.15, Q.Gò Vấp) - anh Nguyễn Văn Nhựt (SN 1993) trở về địa phương, được hỗ trợ học nghề sửa xe. Hồi trước, chị Hết buôn bán nhỏ, còn chồng chị chạy xe ôm, nhưng một năm nay, anh bị nhồi máu cơ tim, đau lưng nên không còn làm được việc nặng. Kinh tế quá eo hẹp nên mỗi dịp tết đến, chị chẳng dám tính chuyện mua sắm. Bởi vậy ngày nhận quà, tiền mừng tết Bính Thân 2016 do Hội LHPN TP.HCM trao, chị Hết rưng rưng: “Tôi biết, để có quà cho chúng tôi như thế này, nhiều dì, chị đã bền bỉ nuôi heo đất mười mấy năm, trích lương, bán bánh, bán báo tạo quỹ. Vì thế, bên cạnh giá trị vật chất, ý nghĩa về mặt tinh thần tăng lên gấp bội”.
Đầu năn học 1989-1990, Hội LHPN Q.5 có sáng kiến thành lập quỹ học bổng NTMK hỗ trợ các em học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học. Ban đầu, quỹ này chỉ có 59 suất với định mức 50.000đ/suất. Về sau, Hội LHPN các quận 10, 3, Bình Thạnh cũng nỗ lực triển khai vận động được từ 10 - 50 suất học bổng NTMK cấp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo thời gian, định mức học bổng thay đổi từ thấp đến cao hơn. Hiện, trị giá mỗi suất học bổng NTMK đã phân bổ theo từng cấp học, cấp I: 1.000.000đ; cấp II: 1.200.000đ; cấp III: 1.500.000đ; đại học: 2.000.000đ. Trong suốt chặng đường 26 năm hình thành và phát triển học bổng NTMK, đã có rất nhiều Mạnh Thường Quân đồng hành cùng Hội, như Công ty Cung ứng tàu biển, Nhà máy dệt Thành Công, Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố, Đại lý Hàng hải Việt Nam, Tổ chức “Các bà nội trợ Kyoto” Nhật Bản, Công ty giấybao bì Việt Trung, Tổng công ty Điện lực Thành phố...
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của chương trình học bổng NTMK, nhiều học sinh, sinh viên đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống, học giỏi, thành đạt. Điển hình là Võ Hữu Tiến, nhận học bổng của Hội LHPN Q.Thủ Đức 10 năm liền. Gia đình Tiến gồm sáu nhân khẩu, thuộc diện hộ nghèo, cha chạy xe ba gác máy, mẹ may gia công. Ngoài thời gian đi học, Tiến tranh thủ kiếm thêm công việc bán thời gian để có tiền phụ cha mẹ.
Tốt nghiệp đại học, Tiến đầu quân cho Tập đoàn Viễn thông Viettel rồi được đi học tập và làm việc tại Peru. Mồ côi mẹ, cha bỏ đi nên Ngô Thị Kim Liên sống với ông bà ngoại già yếu. Liên may mắn được Hội LHPN Q.4 trao học bổng NTMK vào những năm gia đình lâm cảnh ngặt nghèo nhất. Sau này về làm giáo viên Trường tiểu học Bạch Đằng (P.12, Q.4), chị Liên đã ủng hộ Quỹ khuyến học của trường với nguyện vọng góp phần động viên, khích lệ các em học sinh nghèo yên tâm đến lớp.
Vượt lên những giá trị vật chất, mặt “được” của học bổng NTMK không chỉ nằm ở chỗ tiếp sức cho học sinh nghèo đến trường mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, ý thức tiết kiệm, lối sống biết “cho và nhận”, “mình vì mọi người” trong tâm hồn các em. Những thế hệ học sinh, sinh viên nhận học bổng NTMK đã gắn kết với nhau qua phong trào “Heo đất, thỏ ngọc”, “Địa chỉ xanh”...
Tùy theo khả năng, điều kiện, mỗi học sinh, sinh viên được trao học bổng NTMK đã có cách làm riêng như tiết kiệm tiền ăn quà vặt, thu gom ve chai, quần áo cũ... tạo quỹ giúp những bạn khó hơn mình. Em Võ Thị Thu Thảo (ngụ xã Phong Phú, H.Bình Chánh) bộc bạch: “Em được nhận học bổng NTMK đã 5 năm nay. Mẹ em làm bảo mẫu, cha là nhân viên tạp vụ. Biết nhà khó nên tụi em không dám xin cha mẹ cái gì. Tới mùa tựu trường, tiền đồng phục, học phí, sách vở nhiều lắm, có khi mẹ kham không nổi. May có học bổng NTMK mà mấy năm nay em không còn nơm nớp lo phải nghỉ học giữa chừng nữa”.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.